Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Vốn Hàn Quốc chảy mạnh vào năng lượng tái tạo

Vốn Hàn Quốc chảy mạnh vào năng lượng tái tạo

Viết email In

Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích phát triển ngành điện. Đây là thời điểm thích hợp để thu hút dòng vốn ngoại vào lĩnh vực này, trong đó có doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc.  

Dự án năng lượng tái tạo hút vốn

Ông Nguyễn Văn Vy, Phó chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, với mục tiêu nâng tỷ trọng điện năng sản xuất từ năng lượng tái tạo lên 32% vào năm 2030 và 43% vào năm 2050, Việt Nam hiện có khoảng 50 dự án điện gió, hơn 100 dự án điện mặt trời và nhiều dự án phát triển năng lượng sinh khối khác đang được nghiên cứu. 


Dự án Nhà máy Điện gió Tuy Phong (tỉnh Bình Thuận). 

Trong khi đó, ông Võ Tân Thành, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thông tin, theo Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030, Việt Nam sẽ đẩy nhanh phát triển nguồn điện sản xuất từ năng lượng tái tạo và giảm tỷ trọng thủy điện. 

Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu đó, Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, như ưu đãi về tín dụng đầu tư, thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho các dự án năng lượng tái tạo, hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ về năng lượng... Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế, kêu gọi đầu tư, tiếp nhận khoa học - công nghệ để phát triển ngành công nghiệp sản xuất thiết bị điện trong nước.

“Hàn Quốc được xem là một trong những quốc gia tiên phong trong việc phát triển điện lưới thông minh và năng lượng tái tạo”, ông Vy nhìn nhận và cho rằng, với những cơ chế chính sách mới của Việt Nam, doanh nghiệp Hàn Quốc có thêm điều kiện thuận lợi để tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, đầu tư vào các dự án trong lĩnh vực này.

Thời gian qua, doanh nghiệp đã đầu tư một số dự án điện gió, điện mặt trời tại các tỉnh như Bến Tre, Trà Vinh, Bình Thuận…

Gần đây, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đến các địa phương để tìm cơ hội đầu tư dự án năng lượng tái tạo, như Công ty Công nghiệp IL Yang đề xuất với tỉnh Quảng Trị việc nghiên cứu, tiến tới đầu tư xây dựng nhà máy điện mặt trời tại huyện Hải Lăng (công suất 500 MW) và huyện Vĩnh Linh (công suất 200 MW); hay Công ty VTC cho biết, sau khi tìm hiểu tại tỉnh Bạc Liêu, họ đang chuẩn bị nguồn vốn lớn cho dự án năng lượng điện gió và nếu được chấp thuận, sẽ nhanh chóng xúc tiến các thủ tục cần thiết theo quy định.

Thêm “cú hích” cho nhà đầu tư

Một số dự án đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào năng lượng tái tạo Việt Nam: 

- Dự án Điện gió Bình Đại (Bến Tre) có vốn đầu tư 180 triệu USD do Công ty Doarm Engineering đầu tư; 
- Dự án Điện gió tại Trà Vinh có vốn đầu tư 125 triệu USD của Công ty Unison; 
- Dự án Điện mặt trời Tuy Phong (Bình Thuận) có vốn đầu tư 64 triệu USD do Công ty Doosung Vina đầu tư…

Trao đổi với các nhà đầu tư tại Diễn đàn Ngành điện lực và năng lượng tái tạo Việt Nam - Hàn Quốc vừa được tổ chức tại TP.HCM, ông Paik Un Gyu, Bộ trưởng Bộ thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc nhận định, hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác lâu dài trong các lĩnh vực công nghiệp năng lượng, năng lượng tái tạo và điện lưới thông minh. 

Theo ông Paik Un Gyu, với vai trò là đối tác chiến lược của nhau, Hàn Quốc sẽ tích cực đầu tư vào các dự án sản xuất điện và phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng hỗ trợ việc đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ kỹ thuật để phát triển nội lực ngành điện và năng lượng tái tạo tại Việt Nam.

Trong dịp này, tại Kỳ họp thứ 8 của Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam - Hàn Quốc về hợp tác điện hạt nhân, năng lượng, công nghiệp và thương mại, hai bên đã thống nhất một số nội dung hợp tác song phương. Trong đó, có nhiều nội dung hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, như hợp tác trong các dự án xây dựng nhà máy điện theo hình thức BOT; hợp tác trong lĩnh vực dầu khí; hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo; hợp tác về quản lý an toàn năng lượng; hợp tác phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ…

Đây là những nội dung căn bản để hai nước xây dựng và triển khai những dự án cụ thể và thiết thực để phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại và năng lượng trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Theo các doanh nghiệp Hàn Quốc, hiện là thời điểm thuận lợi để doanh nghiệp tìm hiểu về chiến lược và quy hoạch phát triển ngành điện và năng lượng tái tạo cũng như tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam. Qua đó, doanh nghiệp hai nước có thể xem xét khả năng hợp tác dưới nhiều hình thức, như liên doanh đầu tư phát triển các dự án điện, hợp tác cung cấp công nghệ, thiết bị và vật tư chuyên ngành.

Hồng Sơn 
(Báo Đầu tư)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo