Chương trình “Hỗ trợ chính sách phát triển năng lượng và tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững tới khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo” sẽ được Liên minh Châu Âu tài trợ không hoàn lại tới 2.918 tỷ đồng.
Sáng ngày 01/12/2017, tại Trụ sở Liên minh Châu Âu, Brussels, Vương quốc Bỉ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và ông Stefano Manservisi, Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Hợp tác và Phát triển quốc tế (DG DEVCO), thay mặt Liên minh Châu Âu đã ký kết Hiệp định Tài chính cho Chương trình “Hỗ trợ chính sách phát triển năng lượng và tăng cường tiếp cận năng lượng bền vững tới khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo” sử dụng vốn ODA không hoàn lại do Liên minh Châu Âu tài trợ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh và ông Stefano Manservisi, Tổng Vụ trưởng Tổng vụ Hợp tác và Phát triển quốc tế (DG DEVCO), thay mặt Liên minh Châu Âu ký kết Hiệp định Tài chính.
Theo Hiệp định Tài chính được ký kết, Liên minh Châu Âu sẽ tài trợ không hoàn lại 108 triệu EUR, tương đương khoảng 2.918 tỷ đồng (gồm 100 triệu EUR hỗ trợ trực tiếp vào ngân sách nhà nước, 7,5 triệu EUR hỗ trợ kỹ thuật bổ sung và 0,5 triệu EUR cho hoạt động giám sát và đánh giá) cho Chương trình.
Chương trình sẽ được triển khai trong 3 năm (2018-2020). Mục tiêu của Chương trình đầu tư, phát triển mở rộng lưới điện và nguồn điện năng lượng tái tạo để cấp điện cho các hộ dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo chưa có điện thuộc Chương trình Cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo giai đoạn 2016-2020 đã được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 73/NQ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2016.
Chương trình sẽ thực hiện đầu tư 23 tiểu dự án cấp điện nông thôn, miền núi từ lưới điện quốc gia tại 23 tỉnh; 02 tiểu dự án cấp điện nông thôn từ nguồn năng lượng tái tạo tỉnh Cao Bằng và đảo Bạch Long Vĩ; 02 tiểu dự án cáp ngầm xuyên biển cấp điện lưới quốc gia cho đảo Trần, Quảng Ninh và đảo Nhơn Châu, Bình Định. Dự kiến khi kết thúc Chương trình khoảng 750 thôn, bản sẽ được cấp điện, với khoảng 60.000 hộ dân có điện; cấp điện cho 01 huyện đảo và 02 xã đảo.
Các tiểu dự án được triển khai trong Chương trình đều có tác động tốt đến việc phát triển kinh tế-xã hội khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, kết hợp xóa đói, giảm nghèo bền vững cho các khu vực khó khăn nhất của Tổ quốc.
Chương trình cũng hỗ trợ cải cách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành điện với mục tiêu cung cấp điện bền vững nhằm: i) thu hút các nhà đầu tư mới vào ngành điện, đặc biệt cho phát triển năng lượng tái tạo; ii) nâng cao hiệu quả của ngành điện; iii) giảm đầu tư và trợ cấp của nhà nước; iv) đảm bảo cấp điện ổn định, tin cậy; v) nâng cao năng lực quản lý và quy hoạch ở các cấp đảm bảo phát triển năng lượng bền vững, xây dựng hệ thống thống kê năng lượng.
Song Lam
(Diễn đàn Doanh nghiệp)
- Kêu gọi các ngân hàng Singapore chấm dứt tài trợ nhiệt điện than
- Hướng đến thành phố sinh thái tuần hoàn
- Phú Yên: Thu hút đầu tư "đại dự án" điện gió 9.000 tỷ đồng
- Ngành năng lượng Việt Nam đang đi ngược xu thế
- Các tập đoàn dầu khí rót tiền vào năng lượng tái tạo
- COP23: Trái Đất đang ngày càng tiến gần "điểm giới hạn" nguy hiểm
- Báo cáo của IFC: Cải cách chính sách và đổi mới sáng tạo sẽ giúp huy động hàng nghìn tỉ đô-la cho tài trợ khí hậu
- Cộng đồng môi trường ASEAN: Những thách thức ở tuổi 50
- Chuyển động đầu tư điện mặt trời
- Ăn của rừng...