Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời vào tháng 4/2017, gần đây, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đề xuất các dự án phát triển nhà máy điện năng lượng mặt trời.
Nhộn nhịp đề xuất đầu tư
Tập đoàn Hero Future Energies Asia Pte.Ltd từ Ấn Độ, với kinh nghiệm vận hành dự án điện mặt trời đến 1.000 MW, vừa làm việc với tỉnh Bình Phước để xúc tiến dự án nhà máy điện mặt trời. Hiện Bình Phước được đánh giá là một trong 20 địa phương có lượng bức xạ nhiệt và giờ nắng cao, rất phù hợp để phát triển nguồn năng lượng này.
Hệ thống điện mặt trời do một doanh nghiệp công nghệ đầu tư. (Ảnh: Quốc Hùng)
Tại Gia Lai, UBND tỉnh vừa phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư dự án điện mặt trời Krông Pa của Công ty cổ phần Điện Gia Lai. Với tổng vốn đầu tư 1.428 tỉ đồng, dự án sẽ sử dụng 76 héc ta đất, có công suất 49 MW, dự kiến hoàn thành vào quí 2-2019.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa có văn bản gửi Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) đề nghị thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung dự án nhà máy điện mặt trời tại khu công nghiệp Châu Đức (công suất 100 MW) vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Dự án do công ty Halla E&C và tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 1.858 tỉ đồng.
Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) dự kiến sẽ rót khoảng 1 tỉ đô la Mỹ để phát triển từ 10-20 dự án điện mặt trời. Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Thiên Tân đề xuất dự án 2 tỉ đô la Mỹ ở Ninh Thuận để triển khai năm nhà máy trên khu đất 1.400 héc ta.
Không chỉ các tỉnh miền Trung và cao nguyên vốn có ưu thế phát triển nguồn năng lượng này, khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng thu hút được nhiều dự án quy mô lớn. Cụ thể, tháng 9/2017, tập đoàn SY (Hàn Quốc) đã ký Biên bản ghi nhớ với Sở Kế hoạch và Đầu tư Bạc Liêu về thỏa thuận hợp tác phát triển dự án nhà máy điện mặt trời và nuôi trồng thủy sản khoảng 450 triệu đô la Mỹ. Theo ông Hong Young Don, Chủ tịch tập đoàn SY, dự án được chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 có quy mô 50 MW, giai đoạn 2 sẽ nâng tổng công suất lên gấp 6 lần.
Tại Cần Thơ, Quỹ Đầu tư Dragon Capital đang thực hiện những bước đi đầu tiên cho việc rót ít nhất khoảng 1.000 tỉ đồng vào một dự án với giai đoạn 1 có công suất 40 MW. Còn tại Long An, liên doanh BCG Băng Dương và tập đoàn Hanwha (Hàn Quốc) đang xúc tiến dự án công suất 100 MW, với kinh phí đầu tư gần 100 triệu đô la Mỹ. Hay tại Hậu Giang, Công ty cổ phần Năng lượng ASEAN có kế hoạch rót khoảng 1 tỉ đô la Mỹ phát triển dự án tại địa phương này...
Theo đại diện Chương trình năng lượng của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ tại Việt Nam (USAID), tính đến tháng 7/2017, đã có hàng trăm dự án điện mặt trời được đăng ký đầu tư vào Việt Nam với tổng công suất nguồn là 17.000 MW.
Đã thuận lợi, nhưng...
Theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg, từ ngày 1/6/2017, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có trách nhiệm mua toàn bộ lượng điện từ các dự án điện mặt trời nối lưới với giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 9,35 cent/kWh). Hiện khung giá điện sinh hoạt bậc thang đang áp dụng dao động ở mức 1.484-2.587 đồng/kWh. Như vậy, giá điện mặt trời tương đương với bậc 4 trong khung giá điện sinh hoạt. Mức giá này được các chuyên gia trong ngành đánh giá là khá để có thể rót vốn đầu tư.
Cũng theo Quyết định 11, các doanh nghiệp đầu tư vào điện mặt trời còn được ưu đãi về vốn, thuế, đất đai... Do đó, các chuyên gia cho rằng đây là thời điểm thuận lợi để đầu tư điện mặt trời ở Việt Nam.
Mặt khác, đầu tư vào năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió...) đang được xem là xu hướng trên thế giới, bởi chi phí đầu tư đang giảm 9-12%/năm và giá thiết bị điện mặt trời đang ngày càng rẻ (cách đây năm năm, giá tấm pin từ 3-4 đô la Mỹ/Wp thì đến nay chỉ còn khoảng 0,5 đô la Mỹ/Wp).
Tuy nhiên, theo các nhà đầu tư, Thông tư 16/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương hướng dẫn các quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời rằng: bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ dự án điện mặt trời nối lưới có ngày vận hành thương mại trước 30/6/2019 theo hợp đồng mua bán điện mẫu được áp dụng 20 năm. Điều này có nghĩa là để được áp dụng giá bán theo Quyết định 11, doanh nghiệp còn hơn 20 tháng nữa để triển khai thực hiện đầu tư, trong khi việc khảo sát, tìm địa điểm, chờ cấp phép, giải phóng mặt bằng... thường mất rất nhiều thời gian. Theo các địa phương, đối với dự án điện mặt trời, còn phải hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ để trình Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch phát triển năng lượng mặt trời. Bên cạnh đó, dự án có quy mô dưới 50 MW phải do Bộ Công Thương phê duyệt và trên 50 MW phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Ngoài ra, việc Quyết định 11 chỉ có hiệu lực từ ngày 1/6/2017 đến ngày 30/6/2019, tức giá bán điện trên chỉ được áp dụng trong thời gian chỉ hơn hai năm cũng khiến nhiều nhà đầu tư cảm thấy không yên tâm. Câu hỏi đặt ra là sau thời gian trên, giá bán điện mặt trời sẽ như thế nào. Nhà đầu tư kiến nghị chính sách cần mang tính ổn định và dài hơi hơn!
Trong khi đó, theo các chuyên gia nước ngoài, để đầu tư vào lĩnh vực năng lượng điện mặt trời, điều quan trọng nhất là phải lựa chọn và đánh giá chính xác được những khu vực mà cùng một lúc đáp ứng được những tiêu chí khác nhau như có khúc xạ mặt trời tốt, có thể dễ dàng đấu lưới... Một khó khăn nữa trong việc phát triển điện mặt trời là cần diện tích đất với quy mô lớn. Tại Việt Nam, điện mặt trời thường được quy hoạch ở những khu vực hoang hóa, nhưng những khu vực như vậy lưới điện lại không tốt!
Các dự án điện, kể cả điện mặt trời, là các dự án dài hạn và ổn định về dòng tiền, nhưng lại không phải là các dự án có lợi nhuận đột biến. Vì thế, theo các chuyên gia, cần có kỷ luật tài chính rất chặt, đặc biệt là cần tránh sử dụng các khoản vay ngắn hạn để tài trợ cho các dự án này. Đã có nhiều trường hợp nhà đầu tư yếu tiềm lực tài chính vẫn xin được dự án để “xí” đất nhưng lại “treo” nhiều năm không triển khai, dẫn đến làm mất cơ hội của nhà đầu tư khác.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho biết điều khiến các nhà đầu tư Mỹ e dè đó là từ khuôn khổ pháp lý đến việc thực thi vẫn là một khoảng cách đáng kể. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư Mỹ kiến nghị Chính phủ cần ban hành bộ tiêu chuẩn cho các thiết bị liên quan đến điện mặt trời đầy đủ hơn, như tiêu chuẩn tấm pin, bộ chuyển điện, giàn khung đỡ... Điều này sẽ hạn chế được sự lưu thông của các sản phẩm kém chất lượng. Các tấm pin này có thời hạn sử dụng từ 20-25 năm hoặc 30 năm, việc xử lý những tấm pin này sau khi không còn sử dụng cần phải được đặt ra ngay từ bây giờ.
Theo Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam, Việt Nam là một trong những quốc gia có ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong bản đồ bức xạ mặt trời thế giới. Trung bình, tổng bức xạ năng lượng mặt trời dao động từ 4,3-5,7 triệu kWh/mét vuông. Ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung bộ, số giờ nắng khá cao, đạt từ 2.000-2.600 giờ/năm. Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 của Việt Nam xác định tăng công suất lắp đặt điện mặt trời lên khoảng 850 MW vào năm 2020; khoảng 4.000 MW vào năm 2025 và khoảng 12.000 MW vào năm 2030. |
Quốc Hùng
(TBKTSG)
- Các tập đoàn dầu khí rót tiền vào năng lượng tái tạo
- EU tài trợ 2.918 tỷ đồng cho chương trình phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam
- COP23: Trái Đất đang ngày càng tiến gần "điểm giới hạn" nguy hiểm
- Báo cáo của IFC: Cải cách chính sách và đổi mới sáng tạo sẽ giúp huy động hàng nghìn tỉ đô-la cho tài trợ khí hậu
- Cộng đồng môi trường ASEAN: Những thách thức ở tuổi 50
- Ăn của rừng...
- IEA: Năng lượng tái tạo phát triển với tốc độ nhanh hơn dự kiến
- Vườn thực vật đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học
- Bảo vệ “mái nhà của trái đất”
- Trên 15.000 tỷ đồng đầu tư các dự án năng lượng Mặt Trời tại Tây Ninh