Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương hiện đang là một nhân tố kích cầu chính về các công nghệ khí hậu thông minh, một báo cáo mới công bố của IFC, thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, cho biết.
Theo báo cáo, Trung Quốc hiện đang dẫn đầu về sản xuất điện tái tạo hòa lưới và Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ hai thế giới cho sản xuất điện từ năng lượng mặt trời lắp đặt trên mái nhà. Báo cáo cũng dự báo các nước trong khu vực sẽ đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng xanh. Tại khu vực Đông Á, chỉ tính riêng trong lĩnh vực công trình xanh, tổng nhu cầu đầu tư có thể lên đến ba nghìn tỉ đô-la từ nay đến năm 2025. Báo cáo cũng ước tính hàng nghìn tỉ đô-la sẽ được đổ vào hệ thống hạ tầng giao thông. Các thị trường lớn khác trong khu vực gồm Indonesia và Việt Nam. Trong khi đó, các quốc đảo Thái Bình Dương đang trở thành các thị trường hấp dẫn cho các hệ thống sản xuất điện mặt trời không hòa lưới và hệ thống nối lưới điện mi-ni.
Báo cáo nêu bảy ngành công nghiệp có thể tạo nên sự khác biệt về thu hút đầu tư tư nhân, gồm: năng lượng tái tạo, điện mặt trời độc lập và lưu trữ điện, nông nghiệp, công trình xanh, giao thông đô thị, cấp nước, và quản lý chất thải đô thị. Hiện đã có trên một tỉ đô-la được đầu tư vào các dự án liên quan đến khí hậu trong các ngành nêu trên. Các ngành này hoàn toàn có thể thu hút thêm hàng nghìn tỉ đô-la nữa nếu tạo ra được những điều kiện đầu tư hấp dẫn tại các thị trường mới nổi, báo cáo cho biết.
Theo báo cáo, các nước đang phát triển có thể hoàn thành các mục tiêu về biến đổi khí hậu đã cam kết trong Hiệp định Paris nếu huy động được hàng nghìn tỉ đô-la vốn đầu tư tư nhân nhờ vào việc kết hợp các chính sách cải cách khôn ngoan cùng những mô hình kinh doanh sáng tạo.
“Khu vực kinh tế tư nhân giữ vai trò then chốt trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu,” ông Philippe Le Houérou, Tổng Giám đốc IFC nói. “Các doanh nghiệp tư nhân có năng lực sáng tạo, có tiềm lực tài chính và các công cụ cần thiết. Chúng tôi có thể hỗ trợ thu hút thêm đầu tư tư nhân, nhưng muốn vậy cũng đòi hỏi chính phủ các nước phải thực hiện cải cách và triển khai các mô hình kinh doanh sáng tạo. Hai yếu tố này kết hợp với nhau sẽ tạo ra những thị trường mới và thu hút các khoản đầu tư cần thiết. Điều này sẽ giúp thực hiện thành công cam kết Paris.”
Báo cáo Kiến tạo thị trường đầu tư liên quan đến biến đối khí hậu của IFC nêu một số ví dụ minh họa cho cách làm trên. Chủ nhật vừa qua, các quan chức Ai Cập đã ký kết một thỏa thuận xây dựng một công viên điện mặt trời lớn nhất thế giới. IFC cho vay tới 653 triệu đô-la nhằm xây dựng 13 nhà máy điện mặt trời gần thành phố Aswan. Thỏa thuận chỉ được ký kết sau khi chính phủ thực hiện một loạt cải cách và xây dựng cơ cấu tài trợ sáng tạo. Dự kiến giá thành sản xuất điện sẽ giảm, và giúp Ai Cập giảm phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch.
Báo cáo nêu một loạt cơ hội đầu tư cụ thể, trong đó bao gồm:
- Năng lượng tái tạo có thể thu hút 11 nghìn tỉ đô-la đầu tư từ nay cho tới năm 2040—muốn vậy cần thực hiện một số cải cách như đấu giá năng lượng tái tạo, cải cách sở hữu đất, xây dựng khung chính sách về tích trữ năng lượng.
- Lĩnh vực điện mặt trời không hòa lưới và lưu giữ năng lượng có thể thu hút 23 tỉ đô-la đầu tư từ nay đến năm 2025—điều kiện thực hiện là các nước phải áp dụng các mức giá điện khác nhau cho từng loại đối tượng, áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật và an toàn rõ ràng, và có các biện pháp ưu đãi tài chính có mục tiêu, đồng thời hỗ trợ các mô hình kinh doanh mới nhằm sản xuất điện mặt trời dựa vào cộng đồng ví dụ hình thức “dùng đến đâu trả đến đấy” (Pay-as-You-Go), và các giải pháp tài trợ sáng tạo, ví dụ cổ phần hóa tài sản.
- Nông nghiệp có thể thu hút hàng nghìn tỉ đô-la đầu tư cho các công nghệ khí hậu thông minh—nếu chính phủ đảm bảo quyền tài sản, hạ tầng giao thông tốt và có những chính sách và quy định tài khóa khuyến khích đầu tư vào các công trình thông minh về khí hậu, đồng thời tăng cường tập huấn cho nông dân và áp dụng các biện pháp tài chính sáng tạo nhằm bổ sung vốn lưu động cho nông dân.
- Đầu tư vào công trình xanh có thể đạt 3,4 nghìn tỉ đô-la từ nay đến năm 2025 tại các thị trường mới nổi chủ chốt—nếu chính phủ các nước áp dụng các quy định và tiêu chuẩn xây dựng tốt hơn, xây dựng các chính sách ưu đãi tài chính có mục tiêu như cấp chứng nhận công trình xanh và định mức sử dụng năng lượng bắt buộc. Ngoài ra, cần khuyến khích các mô hình kinh doanh điện mới như cầm cố xanh, công ty dịch vụ năng lượng.
- Có thể huy động hàng nghìn tỉ đô-la vào giao thông đô thị bền vững trong một vài thập kỷ sắp tới—nếu chính phủ các nước có chính sách thúc đẩy đầu tư hạ tầng và thông qua các kế hoạch giao thông đô thị, ví dụ đường sắt đô thị, nhằm thúc đẩy sáng tạo.
- Từ nay đến năm 2030 đầu tư vào cấp nước và vệ sinh môi trường cũng có thể đạt 13 nghìn tỉ đô-la —nếu chính phủ các nước quy định giá nước ở mức bền vững và dễ dự đoán nhằm tăng mức độ tin cậy của dịch vụ điện nước, đồng thời áp dụng hình thức đối tác công-tư và ký kết các hợp đồng dựa trên hiệu quả hoạt động.
- Ngành quản lý chất thải đô thị áp dụng công nghệ khí hậu thông minh có thể thu hút 2 nghìn tỉ đô-la đầu tư—nếu chính quyền các thành phố tăng cường khung pháp quy và thực thi nhằm thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân. Có thể áp dụng các biện pháp ưu đãi kinh tế và cơ chế hoàn vốn như tính giá điện theo chi phí đầu tư, và nâng cao ý thức người tiêu dùng về rác thải.
Ưu tiên chiến lược của IFC là ứng phó với biến đổi khí hậu. Kể từ năm 2005 IFC đã dùng 18,3 tỉ đô-la từ nguồn vốn riêng của mình cấp vốn dài hạn cho các dự án khí hậu thông minh và huy động thêm 11 tỉ đô-la nữa từ các nhà đầu tư quốc tế. Báo cáo này là báo cáo tiếp nối ấn phẩm Cơ hội đầu tư vào các dự án khí hậu của IFC công bố năm ngoái. Trong báo cáo đó, các tác giả đã ước tính Hiệp định Paris đã tạo cơ hội thu hút 23 nghìn tỉ USD cho 21 nền kinh tế mới nổi.
Về IFCIFC, một thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới, là tổ chức phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ khu vực tư nhân ở các nền kinh tế mới nổi. Hỗ trợ hơn 2,000 doanh nghiệp tư nhân trên khắp thế giới, với năng lực tài chính, chuyên môn và tầm ảnh hưởng của mình, chúng tôi đã kiến tạo các thị trường mới cùng những cơ hội phát triển ở những khu vực thách thức nhất trên thế giới. Trong năm tài chính 2017, tổng đầu tư dài hạn của chúng tôi tại các nước đang phát triển đạt 19,3 tỷ USD, giúp khu vực tư nhân đóng góp vai trò quan trọng trong nỗ lực toàn cầu về xóa bỏ đói nghèo cùng cực và thúc đẩy thịnh vượng chung. Để biết thêm thông tin chi tiết, xin truy cập www.ifc.org. Cập nhật thêm tại: www.ifc.org/eastasia |
Chu Vân Anh
- Phú Yên: Thu hút đầu tư "đại dự án" điện gió 9.000 tỷ đồng
- Ngành năng lượng Việt Nam đang đi ngược xu thế
- Các tập đoàn dầu khí rót tiền vào năng lượng tái tạo
- EU tài trợ 2.918 tỷ đồng cho chương trình phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam
- COP23: Trái Đất đang ngày càng tiến gần "điểm giới hạn" nguy hiểm
- Cộng đồng môi trường ASEAN: Những thách thức ở tuổi 50
- Chuyển động đầu tư điện mặt trời
- Ăn của rừng...
- IEA: Năng lượng tái tạo phát triển với tốc độ nhanh hơn dự kiến
- Vườn thực vật đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học