Ashui.com

Wednesday
Jan 08th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Các tập đoàn dầu khí rót tiền vào năng lượng tái tạo

Các tập đoàn dầu khí rót tiền vào năng lượng tái tạo

Viết email In

Trong một động thái mới nhất cho thấy mối quan tâm ngày càng lớn của các ông lớn dầu khí đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, tập đoàn dầu khí BP (Anh) đã đầu tư 200 triệu đô la Mỹ vào công ty Lightsource, nhà phát triển điện mặt trời lớn nhất châu Âu.  


Trang trại điện mặt trời nổi của công ty Lightsource tại hồ chứa Queen Elizabeth II ở phía nam sông Thames của nước Anh. Ảnh: BP 

Tờ Financial Times cho biết sau thương vụ trên, BP sẽ nắm giữ 43% cổ phần của công ty Lightsource, có trụ sở ở London và đang phát triển các dự án điện mặt trời ở châu Âu, Mỹ và châu Á. Một trong những dự án đáng chú ý của Lightsource là trang trại điện mặt trời nổi với 23.000 tấm năng lượng mặt trời tại hồ chứa Queen Elizabeth II ở phía nam sông Thames của nước Anh. 

BP lần đầu tiên tiến vào thị trường điện mặt trời vào thập niên 1980 với tư cách là nhà sản xuất và lắp đặt các tấm năng lượng mặt trời. Tuy nhiên, BP phải ngừng hoạt động mảng kinh doanh này vào năm 2011 do lợi nhuận không đạt kỳ vọng vì không thể cạnh tranh với các mức giá rẻ từ các đối thủ ở Trung Quốc.

Ông Dev Sanyal, Giám đốc điều hành bộ phận năng lượng thay thế của BP, cho biết tập đoàn đã rút ra những bài học trong quá khứ. Ông nói rằng bằng cách hợp tác với Lightsource ở mảng phát triển và quản lý các trang trại điện mặt trời, BP đang nhắm đến phân khúc hấp dẫn hơn nhiều của thị trường điện mặt trời so với mảng sản xuất tấm năng lượng mặt trời vốn có biên lợi nhuận mỏng.

Theo dữ liệu của BP, điện mặt trời là phân khúc tăng trưởng nhanh nhất của ngành công nghiệp năng lượng toàn cầu sau khi công suất của các trang trại điện mặt trời tăng gấp ba lần trong bốn năm qua nhờ giá các tấm năng lượng mặt trời giảm mạnh.

Sự phát triển nhanh của năng lượng tái tạo và các công nghệ sạch khác như xe điện đang khiến các ông lớn dầu khí đối mặt với một tương lai trong đó các nhiên liệu hóa thạch đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt cũng như áp lực đến từ các chính sách cắt giảm khí thải carbon của các chính phủ trên thế giới.

Không chỉ BP, các tập đoàn dầu khí toàn cầu khác cũng đang tiến vào lĩnh vực năng lượng tái tạo. Năm ngoái, tập đoàn Total (Pháp) đã chi 950 triệu euro để nắm giữ 90,1% cổ phần của công ty sản xuất pin chất lượng cao Saft. Hồi tháng 9/2017, Total mua 23% cổ phần của công ty năng lượng tái tạo Eren với giá 237,5 triệu euro.

Một tháng sau đó, tập đoàn Shell thâu tóm NewMotion (Hà Lan), công ty quản lý mạng lưới trạm sạc xe điện lớn nhất châu Âu với mức giá không tiết lộ. Shell đang đầu tư 200 triệu đô la Mỹ mỗi năm cho các mảng kinh doanh liên quan đến năng lượng tái tạo và con số này dự kiến sẽ tăng lên một tỉ đô la Mỹ vào năm 2020.

Cuối tháng 11 vừa qua, tập đoàn dầu khí quốc gia Na Uy Statoil và hai đối tác Masdar và Statkraft đã chính thức vận hành trang trại điện gió nổi nằm ở ngoài khơi bờ biển hạt Norfolk của nước Anh. Trang trại điện gió này được xây dựng với chi phí 1,25 tỉ bảng và có công suất 402 MW, cung cấp điện đủ nhu cầu điện 410.000 hộ gia đình ở Anh mỗi năm. 

Chánh Tài 
(TBKTSG) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...