Bắt đầu từ ngày 28/8, Kenya, một quốc gia ở Đông Phi, chính thức thi hành luật cấm túi ni lông nghiêm ngặt nhất thế giới. Theo đó, người sử dụng, buôn bán hoặc sử dụng túi ni lông sẽ đối mặt với mức phạt tối đa lên đến 40.000 đô la Mỹ hoặc bốn năm tù, theo Reuters.
Chính phủ Kenya cho biết mức phạt tối thiểu đối với các hành vi trên là 19.000 đô la Mỹ hoặc một năm tù. Việc sử dụng túi ni lông cho các mục đích sản xuất, chẳng hạn như đóng gói sản phẩm sẽ được miễn hình phạt.
Tại thủ đô Nairobi của Kenya, mọi người dễ dàng bắt gặp túi ni lông nằm vương vãi đầy đường phố. Tại các bãi rác, túi ni lông được chất thành nhiều đống cao.
Nhiều con bò ở Kenya ăn phải rác thải túi ni lông. (Ảnh: BBC)
Theo Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP), các siêu thị tại Kenya phát ra cho khách hàng 100 triệu túi ni lông mỗi năm. Túi ni lông bị vứt bỏ bừa bãi và một lượng lớn trôi ra biển, khiến rùa và nhiều loài chim biển, cá heo và cá voi ăn phải. “Nếu thực trang này tiếp tục kéo dài, đến năm 2050, chúng ta chứng kiến lượng túi ni lông ở biển nhiều hơn cả cá”, Habib El-Habr, một chuyên gia về rác biển của UNEP đang làm việc ở Kenya, nói.
El-Habr cho biết phải mất 500-1.000 năm, các túi ni lông mới bị phân hủy hoàn toàn. Ông nói túi ni lông sẽ đi vào chuỗi thực phẩm thông qua cá và các gia súc khác. Tại các lò mổ của Nairobi, các nhân viên giết mổ phát hiện một số con bò có đến 20 túi ni lông nằm trong dạ dày. “Chúng tôi không thấy chuyện này cách đây 10 năm nhưng giờ đây, chúng tôi chứng kiến hàng ngày”, nhân viên thú y Mbuthi Kinyanjui nói khi ông nhìn những người giết mổ lôi ra những túi ni lông đẫm ướt từ dạ dày của những con bò vừa được mổ.
Samuel Matonda, người phát ngôn của Hiệp hội các nhà sản xuất Kenya, cho biết luật cấm túi ni lông sẽ khiến 60.000 việc làm bị mất và buộc 176 nhà sản xuất phải đóng cửa vì Kenya đang là nhà xuất khẩu túi ni lông với số lượng lớn ra khu vực
Matonda cho rằng tác động của luật này sẽ rất nghiêm trọng. “Thậm chí, nó sẽ tác động đến cả những phụ nữ bán rau ở chợ. Làm sao khách hàng của họ có thể mang rau về nhà mà không có túi ni lông?”.
Trong khi đó, các chuỗi siêu thị lớn ở Kenya như Carrefour và Nakumatt đã chuyển sang cung cấp cho các khách hàng túi vải, thay thế cho túi ni lông.
Tuần trước, tòa án tối cao Kenya đã bác bỏ đơn kiện của hai nhà nhập khẩu túi ni lông, trong đó, kêu gọi hủy bỏ luật cấm túi ni lông. Tòa cho rằng các lo ngại về môi trường quan trọng hơn các lợi ích thương mại.
Ngoài Kenya, nhiều nước châu Phi khác như Cameroon, Guinea-Bissau, Mali, Tanzania, Uganda, Ethiopia, Mauritania và Malawi cũng đã áp dụng luật cấm túi ni lông.
Chánh Tài
(TBKTSG)
- Ăn của rừng...
- IEA: Năng lượng tái tạo phát triển với tốc độ nhanh hơn dự kiến
- Vườn thực vật đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học
- Bảo vệ “mái nhà của trái đất”
- Trên 15.000 tỷ đồng đầu tư các dự án năng lượng Mặt Trời tại Tây Ninh
- Chính sách bảo vệ môi trường của Malaysia
- Nghiên cứu ra hợp chất mới giúp biến CO2 thành năng lượng sạch
- Việt Nam cần phát triển nhanh năng lượng tái tạo
- Giải pháp năng lượng tái tạo
- Môi trường đô thị chịu nhiều sức ép