Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Chính sách bảo vệ môi trường của Malaysia

Chính sách bảo vệ môi trường của Malaysia

Viết email In

Là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển hàng đầu Asean, Chính phủ Malaysia đặc biệt quan tâm tới vấn đề bảo vệ tài nguyên và môi trường thông qua việc ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển kinh tế xanh, thân thiện với môi trường và đã đạt được nhiều kết quả. Những kinh nghiệm của Malaysia là bài học hữu ích cho Việt Nam trong việc giữ gìn môi trường, không gian sống xanh – sạch – đẹp.


Ở Malaysia, người dân luôn có ý thức bảo vệ môi trường.

Quy định nghiêm thông qua các đạo luật

Với chương trình khởi động “Khuôn khổ các thành phố carbon thấp”, Malaysia đã thúc đẩy những nỗ lực hướng tới một nền kinh tế carbon thấp để đáp ứng mục tiêu giảm lượng khí thải carbon dioxide xuống 40% vào năm 2020 (hiện Malaysia đã cắt giảm khí thải vào khoảng hơn 33%). 

Cùng với đó, Chính phủ Malaysia cũng đã thúc đẩy năng lượng tái tạo trở thành mục tiêu trọng điểm và hướng tới đạt tỷ lệ 11% năng lượng tái tạo trong tổng các nguồn năng lượng trước vào năm 2020; ban hành nhiều chính sách nhằm tập trung cho đầu tư, nghiên cứu phát triển công nghệ xanh.

Cụ thể, Malaysia đã ban hành Đạo luật Năng lượng tái sinh trong đó có những điều khoản khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái sinh; thúc đẩy phát triển các phương tiện tiết kiệm nhiên liệu, xây dựng khuôn khổ về thành phố ít khí thải carbon; xây dựng hệ thống giao thông công cộng nhằm hạn chế ô tô cá nhân đi vào các thành phố.

Trong việc nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn nước, Malaysia đã áp dụng công nghệ quản lý, sử dụng tài nguyên nước và xử lý nước thải hiệu quả bằng cách xây dựng hệ thống thu nước mưa, xử lý và quản lý nước thải dùng cho vệ sinh môi trường hoặc các hoạt động trồng trọt. Một số các dịch vụ quản lý nguồn nước được cung cấp bởi các doanh nghiệp Malaysia có năng lực, chuyên môn cao như: quản lý nước mưa, tái chế nước thải, xử lý nước thô, xử lý nước thải… Bên cạnh đó, Malaysia còn khuyến thích các doanh nghiệp nâng cấp thiết bị nước, trang bị hệ thống xử lý nước thải để tái sử dụng sau sản xuất.

Trong xử lý chất thải, Malaysia ban hành Đạo luật Quản lý Chất thải rắn và Vệ sinh công cộng với những quy định chi tiết, chặt chẽ về quy trình quản lý chất thải rắn từ phát thải, thu gom đến vận chuyển, xử lý, công tác quy hoạch, mô hình quản lý, đầu tư, mô hình xử lý, công nghệ xử lý, các chính sách có liên quan và phí xử lý chất thải rắn; các quy định về cấp phép cho các tổ chức tham gia vào công tác xử lý rác. Mô hình quản lý chất thải rắn của Malaysia là một trường hợp điển hình khi tổ chức quản lý chất thải rắn theo chế độ liên bang và tư nhân hóa ngành này chỉ với ba công ty tư nhân trong đó Tcy quản lý chất thải rắn và vệ sinh công cộng là công ty lớn nhất có một trụ sở chính và chi nhánh tại tất cả các bang trên bán đảo Malaysia. Công ty này cung cấp dịch vụ quản lý chất thải rắn và vệ sinh công cộng, thực hiện chính sách, kế hoạch, chiến lược của chính quyền liên bang, phát triển dịch vụ, đề xuất tiêu chuẩn, quy chuẩn về quản lý chất thải rắn, xây dựng và thực hiện các chương trình đào tạo, nghiên cứu phát triển, xác định mức phí – giá đối với những dịch vụ mà công ty cung cấp… 

Ý thức từ người dân

Thực tế cho thấy, tại Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… vẫn còn tình trạng xả rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Nhiều tuyến phố thường xuyên bị ngập sâu sau những đợt mưa lớn. Theo đánh giá của một số chuyên gia môi trường, bên cạnh nguyên nhân do sự yếu kém trong công tác quản lý bảo vệ môi trường thì nguyên nhân chính của tình trạng này là ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường sống còn quá kém, tùy tiện vứt rác thải ra đường phố.

Trong khi đó tại Malaysia, người dân luôn có ý thức bảo vệ môi trường. Tại các gia đình người dân Malaysia, rác thải được phân loại tại nguồn, mỗi gia đình sử dụng từ 4 đến 5 thùng để phục vụ cho việc phân loại rác thải. Việc phân loại rác khoa học ngoài việc giúp xử lý rác các khâu sau được thuận tiện và hữu ích, bảo vệ môi trường thì mỗi người dân và gia đình cũng tự ý thức được việc tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Còn tại các siêu thị, khi đi mua hàng, người dân phải mang túi của mình đi đựng hàng hóa, hoặc nếu không có thì phải mua túi đựng bảo vệ môi trường.

Bàn về vấn đề này, TS Nguyễn Trung Thắng – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) cho biết: Luật Bảo vệ môi trường 2005 và văn bản dưới luật đã có quy định xử phạt những hành vi vi phạm môi trường, nhưng do làm chưa nghiêm, việc cưỡng chế tuân thủ kém dẫn đến thực trạng vẫn có một bộ phận người dân xả rác ra đường phố, nhất là vệ sinh cá nhân ở ngay nơi công cộng, đây được coi là hành vi xấu, thô tục.

Để hạn chế tình trạng trên, các thành phố lớn cần phải trang bị cơ sở hạ tầng bảo đảm cho người dân thực hiện việc bảo vệ môi trường, các tuyến phố cần phải trang bị các thùng rác, các nhà vệ sinh công cộng.

Nhưng điều quan trọng nhất quyết định môi trường xanh – sạch – đẹp vẫn là từ ý thức của người dân. Họ cần nhận thức được mối nguy hại của việc vứt rác bừa bãi và rác thải là thủ phạm gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe đời sống của con người. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, các ngành chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn để người dân có những nhận thức đúng đắn về công tác bảo vệ môi trường.

Linh Đan 
(Báo Xây dựng)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo