Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Giải pháp năng lượng tái tạo

Giải pháp năng lượng tái tạo

Viết email In

Chuyện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1, đơn vị vận hành Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, được nhận chìm gần một triệu khối “vật, chất” được cho là vật liệu nạo vét vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên để phục vụ nhà máy này xuống vùng biển xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận đang nóng dư luận và các mặt báo...  

Bên cấp phép và địa phương ra sức thuyết phục “vật, chất” này không phải là chất thải từ nhà máy, chúng không gây độc hại và giải pháp “nhận chìm” bằng xà lan xả đáy xuống đáy biển đang chỉ có cát sẽ không gây ảnh hưởng gì đến hệ sinh thái tại khu bảo tồn biển Hòn Cau cách đó 8 ki lô mét. Bên kia là công luận, tỏ ra hoài nghi, lo ngại thành phần thật sự của cái gọi là “vật, chất” nói trên sẽ gây hại cho biển nói chung và biển Hòn Cau nói riêng, không yên tâm với phương pháp nhận chìm. Họ tìm cách chứng minh gần ngay dưới đáy biển nơi “vật, chất” được nhận chìm không chỉ có cát mà còn có sinh vật biển khác. 

Chưa biết sự việc sẽ đi đến đâu trước các kiến nghị tạm ngừng hoạt động này để có thời gian cho sự phản biện khoa học và trước khả năng chính cơ quan cấp phép sẽ tiến hành khảo sát thực địa vùng biển được chọn để việc nhận chìm vật, chất. 

Mới đây, thông tin UBND tỉnh Quảng Nam trình HĐND tỉnh này sửa đổi, bổ sung Quy hoạch thủy điện nhỏ và vừa trên địa bàn, theo đó sẽ bỏ hai và thêm vào bốn dự án thủy điện để làm trước, dù nhỏ, cũng thu hút sự chú ý, quan ngại của dư luận. Bởi lẽ, theo báo Người lao động, “nếu chấp thuận làm thêm bốn dự án này, toàn tỉnh Quảng Nam sẽ có tới 43 thủy điện lớn, nhỏ”. 


Năng lượng mặt trời rất tiềm năng nhưng vẫn được chưa khai thác đúng tầm
- Ảnh: TL. 

Thấy gì qua chuỗi phản ứng của dư luận đối với các sự việc cụ thể trên? Đó là sự mất niềm tin với nhiệt điện, thủy điện vì những tác hại mà nó gây ra cho môi trường. Với nhiệt điện, cũng ngay tại Bình Thuận, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 không chỉ có “tiền sự” phát tán bụi xỉ than khiến người dân tụ tập đông người để phản đối gây tác động xã hội xấu, mà mới đây, chủ tịch tỉnh này đã ký văn bản khuyến cáo người dân ở gần bãi xỉ than này không nên sử dụng nguồn nước ngầm (nước giếng) vào mục đích tưới tiêu cũng như ăn uống vì “hàm lượng clorua trong nước ngầm của ba phần tư hộ dân vượt từ 1,2-1,8 lần” và “ hàm lượng tổng số muối tan trong đất... cho thấy đất tại khu vực này mặn và rất mặn”. Với thủy điện, sự đánh đổi rừng cộng với cách thức xả lũ thiếu trách nhiệm đã gây ra lũ lụt và khuếch đại thiệt hại cho vùng hạ lưu. 

Người dân đã có sự trưởng thành hơn trong nhận thức, hành động bảo vệ môi trường, tạo sức ép các cơ quan hoạch định chính sách phải có sự điều chỉnh, cân đối các mục tiêu tăng trưởng và phát triển bền vững, đó là điều rất đáng mừng. Nhưng trong bài toán năng lượng, đó mới chỉ là một vế của vấn đề. Nếu chúng ta không tự trả lời được câu hỏi “nói không” với nhiệt điện than, thủy điện gây hại cho môi trường thì chúng ta sẽ “gật đầu” với nguồn điện gì. Câu trả lời của nhiều người sẽ là “năng lượng tái tạo”, nhưng bao nhiêu người chấp nhận cái giá của việc bảo vệ môi trường này, rằng trong bối cảnh hiện tại, giá điện mặt trời hay điện gió sẽ mắc hơn? Đến đây hẳn sẽ có... khoảng lặng!

Trong quy hoạch điện hiện tại, vì sự phát triển của thủy điện đã “tới hạn” nên nhiệt điện (chủ yếu là nhiệt điện than) đóng vai trò rất lớn, các nguồn điện tái tạo tuy có tăng nhưng vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ do xuất phát điểm thấp và do suất đầu tư vẫn còn cao tương đối so với các nguồn điện khác. Cho nên, trong “khoảng lặng” về giá này, điều mà người dân chúng ta có thể làm được và cần làm ngay trước mắt là quản trị nhu cầu điện của mình, sao cho tiết kiệm, hiệu quả, như vậy sẽ giảm được tốc độ mọc lên như nấm sau mưa của nhiệt điện than, cũng như Nhà nước kiểm soát chặt chẽ hơn quá trình vận hành của các nhà máy nhiệt điện, thủy điện.

Dưới góc nhìn của các nhà kinh tế, tình trạng sử dụng lãng phí điện hiện nay có nguyên nhân... giá điện rẻ, vì thế cần có chính sách giá phù hợp để quản trị nguồn cầu. Trong một nghiên cứu mang tính giải pháp cho vấn đề này (chưa được công bố chính thức), tác giả tính toán độ co giãn của nhu cầu sử dụng điện cho sinh hoạt theo giá với hai kịch bản tăng giá điện. Cụ thể, trong khi giả định không tăng giá với các hộ gia đình sử dụng dưới 100 kWh để đảm bảo các mục tiêu chính sách xã hội, nếu tăng 10% đối với hộ sử dụng trên 100 kWh thì cầu sẽ giảm 8% , còn nếu tăng 10% đối với hộ sử dụng từ 100-300 kWh và tăng 20% đối với hộ sử dụng trên 300 kWh thì cầu sẽ giảm 10%. Theo các kịch bản này, phúc lợi của các hộ giảm rất ít. Nguồn lợi từ doanh thu tăng thêm của việc này (giá tăng, sản lượng tiêu thụ giảm nhưng chi phí sản xuất cũng giảm do giảm sản xuất nhiệt điện than vốn có chi phí cao hơn thủy điện) sẽ được dành toàn bộ cho việc đầu tư vào năng lượng tái tạo. Ở đây xin phép không nói sâu về nghiên cứu này, chỉ xin giới thiệu ý tưởng vừa có thể giảm sử dụng điện, vừa có thể tăng cung năng lượng tái tạo. 

Điều đáng mừng là hiện nay “nhiệt điện than không còn rẻ, năng lượng tái tạo không còn đắt” nữa nếu so chính chúng với nhau vì sự tăng/giảm giá của nhiên/vật liệu. Người tiêu dùng có thể cùng tác động vào lựa chọn đầu tư giữa chúng nếu chấp nhận mức giá mang tính khuyến khích đầu tư. Quyết định 11/1017 QĐ-TTg hồi đầu năm đưa ra mức giá tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mua điện mặt trời là 9,35 Uscents/kWh, trong khi theo tác giả nghiên cứu nói trên, hiện giá hòa vốn cho nhà sản xuất với quy mô công nghiệp là 12-13 UScents/kWh, với quy mô gia đình là khoảng 8 UScents/kWh. Tất nhiên, để thu hút đầu tư vào năng lượng tái tạo, vấn đề không là chỉ ở giá bán điện mà còn ở nhiều chỗ khác, trong đó quan trọng là việc xử lý vai trò của EVN với tư cách vừa là nhà sản xuất, vừa là đầu mối mua và bán lại điện, cũng như việc khắc phục những yếu kém của EVN trong việc quản lý truyền tải và công khai, minh bạch thông tin.

Mấy năm trước, khi đi thăm nghĩa trang Hàng Dương ở Côn Đảo vào ban đêm, người viết ngạc nhiên, thích thú với hàng ngàn ngọn nến - thật ra là bóng đèn thắp bằng năng lượng mặt trời tại các ngôi mộ. Đó là cảm xúc trước một ý tưởng. Mới đây, có dịp ghé cửa khẩu Móng Cái, thấy các trung tâm thương mại, chợ bên phía Việt Nam bày bán rất nhiều tấm pin năng lượng mặt trời với cách giới thiệu trực quan sinh động: đấu nối tấm pin với những chiếc quạt điện để làm mát cho cả người bán lẫn khách mua sắm. Hiện thực này dấy lên hy vọng về sự tự hiện diện của điện sạch trong các gia đình, mà người dân ở Móng Cái đã bắt đầu... Hay gần nhất, trong chuyến làm việc của Thủ tướng Chính phủ với tỉnh Sơn La chiều 17/7/2017, tỉnh này đã đề nghị Chính phủ cho phép và giúp tỉnh được đầu tư các dự án điện mặt trời trên các lòng hồ hai thủy điện thuộc hàng lớn nhất nước là Sơn La và Hòa Bình. Về việc này, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, nghiên cứu đề xuất, báo cáo Thủ tướng. Chúng ta hãy chờ đợi những chuyển động có tính quy mô hơn như thế này... 

Nguyên Lê 
(TBKTSG) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo