Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Ai sẽ dẫn dắt thế giới chống biến đổi khí hậu?

Ai sẽ dẫn dắt thế giới chống biến đổi khí hậu?

Viết email In

Quyết định của Tổng thống Donald Trump rút Mỹ ra khỏi Thỏa thuận Paris được giới phân tích cho là điều kiện thuận lợi để Trung Quốc vươn lên thay thế Mỹ làm người dẫn dắt cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, làm nhà lãnh đạo mới của thế giới. Liệu khả năng này có sớm xảy ra? 

Do một sự tình cờ thú vị, chỉ vài ngày sau tuyên bố gây sốc của ông Donald Trump, nhiều quan chức cao cấp và lãnh đạo doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo của hơn 20 quốc gia đã tụ tập tại Bắc Kinh để dự một hội nghị quốc tế về năng lượng sạch, có cả Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry - người ủng hộ mạnh mẽ cho ngành nhiên liệu hóa thạch, cũng như Thống đốc bang California Jerry Brown - người ủng hộ năng lượng tái tạo và thường lớn tiếng phản đối chính sách môi trường của ông Trump.  

Hội nghị này được cho là cơ hội để Bắc Kinh thể hiện ảnh hưởng trong các lĩnh vực điện mặt trời, điện gió và các công nghệ tiết kiệm năng lượng. Theo nhà báo Keith Bradsher của báo The New York Times tường thuật tại hội nghị, Trung Quốc hiện sản xuất hai phần ba số tấm pin mặt trời của thế giới và gần một nửa số turbine điện gió trong khi liên tục mở rộng mạng lưới nhà máy điện hạt nhân và không ngừng xây dựng các đập thủy điện quy mô lớn. 

Nhưng như nhiều nhà quan sát nhận định, đầu tư vào công nghệ năng lượng tái tạo của Trung Quốc chủ yếu nhắm tới lợi thế cạnh tranh chiến lược chứ không phải vì môi trường. Trong gần một thập niên qua, Trung Quốc đã đổ hàng trăm tỉ đô la Mỹ vào các công ty sản xuất pin mặt trời, turbine điện gió với rất nhiều ưu đãi về đất đai, vốn tín dụng, thuế... đồng thời dựng hàng rào ngăn chặn nhập khẩu các sản phẩm tương tự từ nước ngoài. Với biện pháp này, doanh nghiệp Trung Quốc có điều kiện giảm giá sản phẩm, giành thị trường xuất khẩu và đẩy các công ty công nghệ năng lượng tái tạo của Mỹ, Đức, Nhật Bản... vào chỗ thua lỗ phải đóng cửa. 

Như vậy, liệu Trung Quốc có thể lãnh đạo thế giới đi vào kỷ nguyên năng lượng tái tạo, lấp vào chỗ trống quyền lực mà Tổng thống Donald Trump vừa tạo ra? Không nên kỳ vọng quá sớm.

Trung Quốc cho đến nay vẫn là nước gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới. Theo số liệu của tổ chức Global Carbon Budget, năm 2015 Trung Quốc phát ra 10,4 tỉ tấn khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính, nhiều nhất thế giới, gần gấp đôi nước đứng thứ hai là Mỹ với 5,4 tỉ tấn và bằng 29% tổng lượng khí thải toàn cầu. Xu thế phát thải của Trung Quốc đang ngày càng tăng chứ không giảm khi ngày càng có nhiều người dân Trung Quốc giàu lên, sắm xe hơi, nhà lớn, máy lạnh và sử dụng thêm nhiều năng lượng. Lượng phát thải của Trung Quốc cao có phần do nền kinh tế nước này dựa trên công nghiệp nặng với vô số nhà máy sắt thép, xi măng và nhiệt điện than. Cho đến nay, nhiệt điện than vẫn cung ứng tới 70% sản lượng điện của Trung Quốc, trong khi điện gió và điện mặt trời gộp lại chiếm chưa tới 2%. 

Để dẫn dắt thế giới, Trung Quốc cần nêu gương về cắt giảm khí thải, nhưng đó là yêu cầu Trung Quốc luôn từ chối với lý do Trung Quốc còn nghèo, còn là nước đang phát triển, mức phát thải bình quân đầu người còn thấp, cần được “ưu tiên” phát thải để xóa đói giảm nghèo! Cam kết của Trung Quốc trong Thỏa thuận Paris 2015 phản ánh quan điểm đó. Trong khi hầu hết các quốc gia đều cam kết sẽ cắt giảm một tỷ lệ nhất định lượng khí thải phát ra trong tương lai thì Trung Quốc chỉ cam kết giảm lượng khí thải tính trên đơn vị sản phẩm (carbon intensity) ở mức 60-65% so với năm 2005 và chỉ bắt đầu giảm tổng lượng khí thải sau năm 2030. Cam kết “lỏng lẻo” của Trung Quốc trong Thỏa thuận Paris là một yếu tố quan trọng khiến Tổng thống D. Trump rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận này vì cho rằng Mỹ bị “xử không công bằng” so với Trung Quốc.

Cần ghi nhận một số bước đi tích cực gần đây của chính quyền Bắc Kinh như đóng cửa các nhà máy gây ô nhiễm, ngừng kế hoạch xây dựng các nhà máy nhiệt điện than ở gần thủ đô... Tuy vậy, các nhà quan sát ghi nhận, Trung Quốc vẫn tìm cách xuất khẩu các nhà máy thép, xi măng, điện than ra nước ngoài, nghĩa là Trung Quốc làm sạch mình bằng cách xuất khẩu ô nhiễm sang các nước láng giềng! Một chính sách như vậy không thể giúp Trung Quốc tạo lập vị thế dẫn dắt cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của thế giới.

Việc Mỹ rút ra khỏi Thỏa thuận Paris tạo cơ hội để Trung Quốc sắm vai người bảo vệ hành tinh nhưng cũng có thể kích thích các quan chức Trung Quốc nới lỏng các quy định về môi trường nhằm thực hiện cam kết Paris, vì “Mỹ không hạn chế thì tại sao chúng tôi phải bị hạn chế?”, Zou Ji, giáo sư khoa chính sách môi trường, Đại học Nhân dân Bắc Kinh, đặt câu hỏi, phản ánh suy nghĩ của một số đông người Trung Quốc hiện nay. 

Huỳnh Hoa 
(TBKTSG) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo