Chuyên gia năng lượng cho rằng trong bối cảnh các nguồn năng lượng hóa thạch như than, khí đang cạn dần thì Việt Nam cần nhanh chóng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo để thay thế, đáp ứng nhu cầu trong nước và điều chỉnh cơ chế giá mua điện để thu hút nhà đầu tư vào các dự án điện gió, điện mặt trời, năng lượng sinh khối.
Dự án điện gió Phú Lạc tại Bình Thuận (Ảnh: Văn Nam)
Thông tin từ một hội nghị về phát triển năng lượng tái tạo mới đây cho thấy nhu cầu điện của Việt Nam đến năm 2020 phải đạt 265 tỉ kWh và năm 2030 là 570 tỉ kWh (cao gần gấp 3 lần khoảng 170 tỉ kWh hiện nay).
Cơ cấu nguồn cung điện của Việt Nam vẫn đang phụ thuộc phần lớn vào nhiệt điện than, khí. Nhu cầu sử dụng điện được dự báo sẽ tăng cao trong những năm tới nhưng hiện các nguồn năng lượng hóa thạch như than, khí cũng đang suy giảm, cạn kiệt.
Để cân bằng, các chuyên gia năng lượng cho rằng trong vòng 3 năm tới, từ nay đến năm 2020 Việt Nam phải nhanh chóng tìm ra nguồn điện bổ sung sản lượng thiếu hụt khoảng 100 tỉ kWh và điều này cần phải tính toán đến giải pháp tổng thể như đẩy mạnh khai thác các nguồn còn tiềm năng, năng lượng tái tạo, nhập khẩu điện từ các nước như Lào, Campuchia, Trung Quốc…
Trong đó, cần lưu ý đến việc khai thác thủy điện vừa và nhỏ, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối bởi xét cho cùng việc mua điện từ nước ngoài chiếm lượng không nhiều và phát triển mạnh nguồn năng lượng tái tạo là xu thế phát triển bền vững mà nhiều quốc gia phát triển đang nhắm tới.
Chiến lược được Việt Nam đặt ra cho phát triển các nguồn năng lượng tái tạo là đến năm 2020 đạt gần 12 tỉ kWh, đến năm 2030 đạt gần 89 tỉ kWh.
Trong những năm qua, dù đã có nhà đầu tư tham gia vào phát triển điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam nhưng cho đến nay công suất của nguồn điện này được phát lên lưới quốc gia vẫn còn hạn chế. Điện gió đến nay chỉ đạt xấp xỉ 100 MW, điện mặt trời trên dưới 15 MW, điện sinh khối cũng chỉ khoảng 10 MW… Những con số là quá thấp so với tiềm năng.
Trao đổi với TBKTSG Online hôm 31/7, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nói, với đặc điểm địa hình và khí hậu như Việt Nam cần tập trung phát triển ba dạng năng lượng tái tạo là điện gió, điện mặt trời và năng lượng sinh khối bởi đây là những nguồn năng lượng tiềm năng.
"Việt Nam có nhiều nắng, gió và nguồn phụ phẩm nông nghiệp dồi dào, vậy tại sao các nguồn này không được tận dụng hiệu quả để phát triển năng lượng", ông Ngãi nêu câu hỏi.
Ông Ngãi cho rằng, để đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư phát triển nguồn năng lượng tái tạo thì cần tập trung vào các nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất, các địa phương có dự án năng lượng tái tạo cần tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư có quỹ đất sạch; thứ hai giá điện cần điều chỉnh ở mức hợp lý hơn, chẳng hạn như giá điện gió, điện sinh khối cần tăng lên trên 9 cent/kWh.
Ngoài ra, nhà đầu tư năng lượng tái tạo cần đươc miễn giảm thuế để tăng tính khuyến khích; tổ chức nghiên cứu tiềm năng tổng thể, giao nhiệm vụ chỉ tiêu cho các đơn vị, doanh nghiệp lớn phát triển về năng lượng như ngành điện, dầu khí, than khoáng sản…
Văn Nam
(TBKTSG Online)
- Bảo vệ “mái nhà của trái đất”
- Trên 15.000 tỷ đồng đầu tư các dự án năng lượng Mặt Trời tại Tây Ninh
- Kenya thi hành luật cấm túi ni lông nghiêm ngặt nhất thế giới
- Chính sách bảo vệ môi trường của Malaysia
- Nghiên cứu ra hợp chất mới giúp biến CO2 thành năng lượng sạch
- Giải pháp năng lượng tái tạo
- Môi trường đô thị chịu nhiều sức ép
- TPHCM có thể đạt 100 MW năng lượng tái tạo vào năm 2020
- First Solar không bán nhà xưởng, tiếp tục dự án ở Việt Nam
- Biến đổi khí hậu: Mực nước biển dâng nhanh gấp đôi trong 25 năm qua