Cuộc khủng hoảng rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa, đang lan rộng khắp toàn cầu sau khi Trung Quốc ngưng nhập khẩu rác nhựa để tái chế vào cuối năm ngoái.
Trung Quốc không còn là thùng rác của thế giới
Hôm 20/6, tạp chí Science Advances đăng báo cáo của một nhóm nhà khoa học tại Đại học bang Georgia (Mỹ) với nhan đề: “Lệnh cấm nhập khẩu rác của Trung Quốc và tác động của nó đối với thương mại rác nhựa trên toàn cầu”. Báo cáo cho rằng quyết định cấm nhập khẩu rác nhựa mà Trung Quốc đưa ra vào cuối năm ngoái đã khiến loại rác này bị ứ đọng khắp nơi trên toàn cầu.
Một cơ sở thu gom rác nhựa ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Lệnh cấm nhập khẩu rác nhựa của Trung Quốc là một phần của chính sách “Thanh gươm quốc gia” nhằm cấm nhập khẩu 24 loại rác thải rắn từ chai soda, các loại giấy vụn cho đến sắt thép phế liệu. Trung Quốc nói không với “rác ngoại” vì xem đây là mối đe dọa đối với môi trường và sức khỏe của người dân. Hơn nữa, nước này đang chuyển nền kinh tế theo hướng bớt phụ thuộc vào các ngành sản xuất và đặt trọng tâm vào tiêu dùng trong nước.
Sức tiêu thụ của người dân Trung Quốc đang tăng nhờ thu nhập cải thiện, vì vậy, họ cũng thải rất nhiều rác nhựa. Sự chuyển dịch kinh tế này khiến Trung Quốc có dư rác nhựa để tái chế phục vụ ngành sản xuất, vậy nên, Trung Quốc không cần “rác ngoại” nữa.
Các nước có thu nhập cao chiếm 90% lượng rác nhựa xuất khẩu trên toàn cầu kể từ năm 1988, đứng đầu là Liên minh châu Âu, tiếp đó là Bắc Mỹ và Nhật Bản. Trong gần 30 năm năm qua, Trung Quốc đã giúp xử lý và tái chế các loại rác thải từ 43 nước. Nghiên cứu của nhóm nhà khoa học ở Đại học bang Georgia phát hiện rằng Trung Quốc đã nhập khẩu hơn 106 triệu tấn rác nhựa kể từ năm 1992, chiếm 45% lượng rác nhựa toàn cầu và tương đương với trọng lượng của hơn 300 tòa nhà chọc trời Empire State cao 102 tầng ở thành phố New York (Mỹ).
Việc Trung Quốc cấm cửa “rác ngoại” đang tạo ra một khoảng trống lớn và không thể thay thế trên thị trường tiêu thụ rác nhựa. Nhóm ba nhà khoa học ở Đại học Georgia gồm Amy Brooks, Shunli Wang và Jenna Jambeck kết luận rằng các nước giàu, chủ yếu ở phương Tây, sẽ phải tìm “bến đỗ” cho hơn 111 triệu tấn rác nhựa của họ vào năm 2030 do lệnh cấm nhập khẩu của Trung Quốc.
Các nước giàu như Mỹ, Nhật Bản và Đức từ lâu bán rác nhựa có thể tái chế sang Trung Quốc. Chỉ riêng Mỹ đã vận chuyển 4.000 container rác nhựa mỗi ngày sang các nhà máy tái chế ở Trung Quốc. Song giờ đây, hàng ngàn tấn rác thải nằm ở vỉa hè ở các thành phố, thị trấn trên khắp nước Mỹ sẽ được thu gom để đưa thẳng ra các bãi rác, thay vì phân loại để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Hồi chuông cảnh tỉnh
Quyết định ngưng nhập khẩu của Trung Quốc buộc các nước giàu phải đánh giá lại cách mà họ xử lý rác nhựa. Nhà nghiên cứu Amy Brooks cho rằng giờ đây, rác nhựa ở các nước giàu chỉ có thể đưa ra bãi rác hoặc đốt tiêu hủy. Tuy nhiên, cả hai phương án đều sẽ thải khí và các chất độc hại ra môi trường, gây ra các vấn đề sức khỏe cho người dân.
“Đây là một hồi chuông cảnh tỉnh. Bấy lâu nay, chúng ta phụ thuộc vào Trung Quốc để tái chế rác nhựa nhưng giờ đây họ từ chối. Số rác nhựa này cần phải được quản lý một cách đúng đắn”, Brooks nói.
Phó Giáo sư Jenna Jambeck cho rằng hiện tại, nước Mỹ vẫn loay hoay xử lý lượng rác nhựa mà trước đây bán sang Trung Quốc. Bà nói: “Một số lượng rác này sẽ được vận chuyển đến các nước khác nhưng hầu hết các nước này vẫn còn thiếu hạ tầng để quản lý rác thải của họ, chứ đừng nói đến rác thải từ nước ngoài”.
Jambeck cho biết các nghiên cứu trước đây cho thấy chỉ 9% rác nhựa trên toàn cầu được tái chế, phần lớn rác nhựa còn lại bị đưa đến các bãi rác hoặc thải vào môi trường tự nhiên.
George Leonard, nhà khoa học ở tổ chức bảo vệ môi trường Ocean Conservancy, cho rằng giờ đây, rác nhựa ở Mỹ chỉ có thể tìm đến ba nơi: chất trong các nhà kho cùng với các loại rác có thể tái chế khác, chôn ở các bãi rác, hoặc thải ra môi trường và biển. Ông kêu gọi tổ chức một cuộc thảo luận quốc gia về cách sử dụng rác nhựa hợp lý và cách xử lý lượng rác nhựa khổng lồ đang di chuyển trên toàn cầu.
Lệnh cấm nhập khẩu rác nhựa của Trung Quốc khiến ngành công nghiệp tái chế của Mỹ lo ngại. Hồi tháng trước, Liên minh tái chế quốc gia Mỹ (NRC) ra tuyên bố kêu gọi phải thay đổi quy trình thu gom và xử lý rác nhựa.
“Chúng ta cần phải nghiên cứu các cách sử dụng mới của rác nhựa”, Giám đốc điều hành NRC Marjorie Griek nói:
Nhật Bản xuất khẩu 72% rác nhựa của nước này sang Trung Quốc trong năm 2017, do vậy lệnh cấm nhập khẩu rác của Trung Quốc , cũng đang gây đau đầu cho các nhà hoạch định chính sách ở Tokyo, khiến họ phải gấp rút tìm các phương án khác để tái chế rác thải.
Nhà vận động môi trường Liu Hua ở văn phòng Hòa Bình xanh phụ trách khu vực Đông Á cho biết lệnh cấm của Trung Quốc gây cú sốc lan rộng trên toàn thế giới và buộc các nước phải đánh giá lại chính sách của họ đối với rác thải, đặc biệt là những loại rác độc hại với môi trường như rác nhựa.
Rác nhựa trên một bãi biển ở Manila, Philippines. (Ảnh: AP)
Đông Nam Á “hứng” rác thay Trung Quốc
Tờ Financial Times ngày 14/6 cho biết xuất khẩu rác nhựa của Anh sang các nước Đông Nam Á tăng vọt trong năm nay sau lệnh cấm nhập khẩu của Trung Quốc. Số liệu Cơ quan Thuế và Hải quan Anh cho thấy trong 4 tháng đầu năm nay, xuất khẩu rác nhựa sang Malaysia tăng lên mức hơn 50.000 tấn, gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong cùng thời gian, xuất khẩu rác nhựa của Anh sang Thái Lan cũng tăng 50 lần, lên mức hơn 5.000 tấn. Trong bốn tháng đầu năm 2018, Việt Nam cũng đón nhận lượng rác nhựa từ Anh ở mức khoảng 15.000 tấn, tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lượng rác nhựa của Anh xuất khẩu sang Trung Quốc giảm đến 97%.
Sự thay đổi cho thấy rõ thị trường tiêu thụ rác nhựa toàn cầu đang thay đổi sau khi Trung Quốc cấm cửa “rác ngoại”. Theo Financial Times, nhà chức trách ở một số cảng ở Việt Nam đã quyết định ngưng nhập khẩu rác nhựa vào cuối tháng này vì có quá nhiều container rác thải nằm ứ đọng tại đây. Malaysia, điểm đến lớn nhất của rác nhựa từ Anh, cũng đang rà soát lại chính sách nhập khẩu rác nhựa.
Tại Canada, nhiều chính quyền thành phố trở tay không kịp trước quyết định ngưng nhập khẩu rác nhựa bất ngờ của Trung Quốc và họ đang chật vật tìm các khách hàng mới để bán rác nhựa, thay thế Trung Quốc. Colin Bell, Giám đốc Công ty cung cấp giải pháp xử lý rác thải RecycleSmart (Canada) cho biết trong thời gian qua, Canada đã gia tăng vận chuyển các lô hàng rác thải sang các nước như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia và Ấn Độ.
Trong báo cáo đăng trên tạp chí Science Advances, nhà nghiên cứu Amy Brooks cho biết sau lệnh cấm của Trung Quốc, một số nước như Việt Nam, Thái Lan và Malaysia đã tăng cường nhập khẩu rác nhựa. Song giờ đây, các nước này cũng đang chuẩn bị đưa ra các lệnh cấm tương tự vì không có đủ năng lực để xử lý lượng rác nhựa khổng lồ.
Hôm 21/6, chính phủ Thái Lan cho biết sẽ sửa đổi pháp luật để cấm các loại rác phục vụ mục đích tái chế, đặc biệt là những loại rác chứa nhiều chất độc hại sau khi nhiều người dân than phiền trước tình trạng rác thải gây hủy hoại môi trường. Thái Lan cho biết do Trung Quốc cấm nhập “rác ngoại”, từ đầu năm đến nay, Thái Lan đã nhập khẩu lượng rác thải gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Lê Linh
(TBKTSG)
- Đà Nẵng nâng cao năng lực xử lý nước thải trước khi xả ra biển
- Hà Nội: Nỗ lực khắc phục ô nhiễm sông, hồ
- 'Thế giới lớn, hành tinh nhỏ': Trái đất đã nguy cấp đến mức nào?
- Nhìn qua khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang
- Thế giới gỡ bỏ hàng ngàn đập nước – Hồi sinh những dòng sông
- Triển khai hàng chục dự án về biến đổi khí hậu tại ĐBSCL
- Liên hợp quốc kêu gọi chấm dứt nạn ô nhiễm rác thải lan ra biển
- Hậu quả khôn lường sau những con đập trên sông Mêkông
- Đẩy mạnh hoạt động đầu tư xử lý rác thải thành điện
- Ấn Độ có nhiều thành phố ô nhiễm nhất thế giới