Số lượng phương tiện giao thông gia tăng nhanh tại TPHCM, đặc biệt là xe gắn máy, dẫn đến bụi phát thải từ loại phương tiện này ngày càng cao.
Ngày 19/4, tại TPHCM đã diễn ra buổi tọa đàm về môi trường với chủ đề “Báo động về ô nhiễm không khí tại Việt Nam”. Tại buổi trao đổi, PGS. TS Hồ Quốc Bằng, Chuyên gia nghiên cứu ô nhiễm không khí tại TPHCM cho biết, không khí tại TPHCM bị ô nhiễm nặng, đang và sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân thành phố. Tình trạng này sẽ ngày càng trầm trọng nếu chúng ta không có các mục tiêu cụ thể và các hành động kịp thời.
Trong đó, hoạt động giao thông chiếm phát thải cao nhất hầu hết trong các chất ô nhiễm, cụ thể hoạt động giao thông chiếm 99% trong tổng phát thải CO2 của toàn TPHCM. Đối với bụi thì phát thải từ khí thải xe máy và do ma sát mặt đường, thắng xe, lốp xe chiếm 37,7%; kế tiếp là hộ gia đình chiếm 11,4%; công trình xây dựng chiếm 9%; cửa hàng, bãi vật liệu xây dựng chiếm 7,8%; nhà hàng quán ăn chiếm 5%; bến cảng chiếm 5%.
Xe gắn máy là phương tiện có số lượng tăng nhiều nhất, dẫn đến bụi phát thải từ loại phương tiện này ngày càng cao. (Ảnh: M.N)
Theo PGS. TS Hồ Quốc Bằng, số lượng phương tiện giao thông gia tăng ngày càng cao trên địa bàn TPHCM kéo theo tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra. Đồng thời xe gắn máy là phương tiện phát sinh nhiều nhất, dẫn đến bụi phát thải từ loại phương tiện này ngày sẽ càng cao.
Đồng quan điểm, TS. Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường còn cho rằng, nhiều xe máy với động cơ cũ, không có chế độ bảo dưỡng cũng là một nguyên nhân gây ô nhiễm. Vì vậy, ông Tùng cho rằng phải kiểm soát khí thải từ nguồn thải di động (ô tô, xe máy) bằng tiêu chuẩn khí thải mới như Euro 2, Euro 4 (2017), Euro 5 (2022).
Xác định vấn đề quan trọng nhất là xe gắn máy, kiểm kê khí thải xe gắn máy xem đạt chuẩn hay không, điều tra thống kê số lượng xe gắn máy đã qua sử dụng, quá niên hạn không được phép lưu hành. Đây là vấn đề rất cần thiết giải quyết ô nhiễm do giao thông.
Do vậy, các chuyên gia kiến nghị, cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn nữa trong việc kiểm định khí thải cho tất cả xe gắn máy chứ không chỉ xe từ 175cm3 trở lên.
“Riêng TPHCM, chúng tôi đang đề xuất thực hiện đề án này để giảm được khí thải từ xe gắn máy. Hiện tại khí thải xe gắn máy chưa ai kiểm soát, ngay cả xe gắn máy cũ cũng chạy”, PGS. TS Hồ Quốc Bằng cho biết.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng kiến nghị thực hiện thí điểm các dự án cải thiện giao thông công cộng, nâng cao nhận thức của cộng đồng về ô nhiễm không khí, đầu tư hệ thống quan trắc chất lượng không khí tự động.
Minh Nghĩa
(TBKTSG)
- Biến đổi khí hậu có thể gây thiệt hại 1.000 tỉ đô la trong 5 năm tới
- Làm sao tiêu hủy pin điện mặt trời?
- Phát triển năng lượng bền vững khu vực sông Mê Kông
- Ô nhiễm không khí Hà Nội, TP.HCM có thể tàn phá mọi bộ phận cơ thể
- Đông Nam Á trở thành “bãi rác” của các nước giàu
- Điện mặt trời có thể “sống chung” với nông nghiệp
- Đầu tư hiệu quả cho hệ thống điện mặt trời hộ gia đình
- Điện mặt trời áp mái: Tương lai phát triển năng lượng tái tạo
- 22 trên 30 thành phố ô nhiễm nhất thế giới nằm ở Ấn Độ
- Hàn Quốc thiếu cảnh báo ô nhiễm bụi mịn tới du khách quốc tế