Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh ở Đông Nam Á kéo theo đó là lượng rác thải sinh hoạt không ngừng gia tăng dẫn đến khủng hoảng rác ở nhiều thành phố trong khu vực khi mà các bãi rác ngày càng chất cao mà không được xử lý, gây ra tình trạng ô nhiễm nặng nề, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người dân.
Song vấn đề này cũng là cơ hội để các nước trong khu vực khẩn cấp tìm kiếm các giải pháp quản lý và xử lý rác hiệu quả hơn, bao gồm sử dụng các công nghệ đốt rác hiện đại để sản xuất điện.
Khu vực tập kết và xử lý rác thải cao như núi ở Bantar Gebang thuộc ngoại ô Jakarta (Indonesia). (Ảnh: Antara)
Biến rác thành điện: nhất cử lưỡng tiện
Tại một khu vực tập kết và xử lý rác thải ở Bantar Gebang thuộc ngoại ô Jakarta (Indonesia), khoảng 7.500 tấn rác thải được các xe tải thu gom từ khu vực nội đô mỗi ngày. Lượng rác ở khu vực tập kết rộng 82ha này tăng lên qua mỗi năm và đã chất cao lên đến 35m, tạo thành một “núi rác” đúng theo nghĩa đen. Một nhân viên ở đây cho biết trong năm năm tới, sẽ không còn không gian để chứa rác tại Bantar Gebang.
Đây là vấn đề chung ở nhiều thành phố lớn tại các nước Đông Nam Á, nơi rác thải rắn từ khu vực đô thị được thu gom và chất đống tại các bãi rác lộ thiên.
Hầu hết các nước Đông Nam Á dựa vào các bãi rác để tập kết rác thải. Một nghiên cứu gần đây cho thấy lượng rác thải rắn ở Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ và Pakistan có thể tăng gấp đôi lên 600 triệu tấn trong giai đoạn 2015-2025.
Các bãi rác là phương án rẻ nhất để dọn dẹp rác thải từ các khu vực đô thị nhưng chúng đang ngày quá tải trước lượng rác tăng nhanh, dẫn đến những hậu quả khôn lường. Các chất ô nhiễm từ các bãi rác khổng lồ có thể ngấm vào đất và nguồn nước bề mặt, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Khi kinh tế tiếp tục phát triển, chính phủ ở các nước Đông Nam Á nhận thấy rằng vấn đề rác thải rất khó xử lý nếu không sử dụng các lò đốt rác. Dân số đô thị ở Đông Nam Á được dự báo tăng lên gần 400 triệu người vào năm 2030, đòi hỏi các thành phố trong khu vực phải đầu tư lớn cho các nỗ lực quản lý rác thải.
Trong khi đó, tăng trưởng về nhu cầu điện trong khu vực cũng khiến Đông Nam Á phải tăng gấp đôi công suất điện vào năm 2040. Một giải pháp nhanh chóng và dễ thấy cho hai nhu cầu này là biến rác thành điện bằng các công nghệ vừa cho phép xử lý rác vừa sản xuất điện.
Cân nhắc lựa chọn công nghệ hiện đại
Các nhà hoạt động bảo vệ môi trường biểu tình phản đối xây dựng các nhà máy đốt rác thải bên ngoài khu vực tổ chức Hội nghị các thành phố không rác thải quốc tế ở Bandung, tỉnh Tây Java (Indonesia) hồi tháng 3/2018. (Ảnh: Jakarta Post)
Đốt rác là phương án rẻ nhất và phổ biến nhất để chuyển hóa rác thành điện năng song các nước Đông Nam Á cần phải cân nhắc sử dụng các công nghệ đốt rác hiện đại để hạn chế ô nhiễm môi trường và sự phản đối của người dân.
Trong những năm gần đây, các nhà máy đốt rác sản xuất điện bắt đầu được xây dựng ở các nước như Malaysia, Philippines, Myanmar, Thái Lan, Indonesia.
Hồi tháng 4 năm ngoái, tại Indonesia, Tổng thống Joko Widodo thông báo kế hoạch xây dựng các nhà máy đốt rác để sản xuất điện ở 12 thành phố. Với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), một dự án đốt rác sản xuất điện quy mô lớn đầu tiên của Indonesia được xây dựng ở Legok Nangka, cách thủ đô Jakarta 150km về phía Đông Nam.
Dù chính phủ Indonesia ủng hộ mạnh mẽ các dự án chuyển hóa rác thành điện nhưng tiến độ triển khai các dự án như vậy đang chậm so với kế hoạch vì vấp phải làn sóng phản đối của người dân và các tổ chức bảo vệ môi trường. Nhiều cuộc biểu tình đã xảy ra vào năm 2018, trong một vụ kiện tòa án tối cao Indonesia tuyên rằng đốt rác là phạm luật vì hoạt động này sản sinh ra các chất ô nhiễm độc hại.
Thái Lan cũng đang đối mặt với thách thức tương tự. Chính phủ Thái Lan đã ban hành nhiều chính sách trợ cấp và ưu đãi thuế cho các nhà máy biến rác thành điện. Tuy nhiên, rác không được phân loại kỹ càng và thường xen lẫn rác hữu cơ và các loại rác khó cháy khác khiến các nhà máy đốt rác ở Thái Lan không đạt được nhiệt độ cao cần thiết để sản xuất điện cũng như hạn chế rò rỉ các khí độc.
Điều này dẫn đến các cuộc biểu tình phản đối của người dân sống gần các nhà máy đốt rác do họ lo ngại các ảnh hưởng môi trường và sức khỏe từ hoạt động đốt rác.
Đối với công ty Nhật Bản chuyên cung cấp thiết bị và công nghệ đốt rác, Đông Nam Á là thị trường đầy hứa hẹn nhưng họ cũng đang nhận thấy sức ép cạnh tranh đến từ các đối thủ Trung Quốc. Tại Thái Lan, các công ty Trung Quốc đang nhận nhiều hợp đồng xây dựng nhà máy đốt rác với mức giá thấp hơn. Tuy nhiên, sau khi đi vào hoạt động, các nhà máy này thường để xảy ra các trục trặc kỹ thuật hoặc không đạt công suất điện như dự kiến.
Tại Nhật Bản, cách đây 30 năm, đa số rác thải ở được vận chuyển đến các bãi rác hoặc bị vứt bỏ ở những bãi rác tự phát. Chỉ có 5% rác thải ở các thành phố Nhật Bản được tái chế. Hiện nay, chỉ 1,2% lượng rác thải đô thị ở Nhật Bản được đưa đến các bãi rác. Đa số rác thải của Nhật Bản, khoảng 70%, được đốt để sản xuất điện. Đây là mức cực kỳ cao nếu so với con số 13% rác thải được đốt để sản xuất năng lượng ở Mỹ. Nhật Bản bắt đầu đốt rác vào thập niên 1960 nhưng quy trình này phát ra một lượng khí thải độc hại khổng lồ, khiến người dân phản đối các nhà máy đốt rác. Các chính quyền địa phương khắc phục vấn đề này bằng cách khuyến khích các công nghệ đốt rác sạch hơn, chẳng hạn đốt rác ở nhiệt độ trên 850 độ C. Các nhà máy đốt rác hiện đại ở Nhật Bản được xây dựng bởi các công ty như tập đoàn Hitachi Zosen và công ty JFE Engineering, cũng có thể sản xuất điện. Tại Việt Nam, Hitachi Zosen không phải là cái tên xa lạ. Hồi tháng 6-2018, tập đoàn T&T Group và tập đoàn Hitachi Zosen đã trao biên bản ghi nhớ hợp tác “Đầu tư các dự án đốt rác phát điện tại Hà Nội” trị giá 200 triệu đô la. Tháng 4- 2017 nhà máy xử lý chất thải công nghiệp phát điện đầu tiên tại Việt Nam đã chính thức khánh thành đi vào hoạt động tại xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Nhà máy sử dụng công nghệ đốt rác phát điện tiên tiến của Nhật Bản với công suất 75 tấn/ngày và tạo ra 1,93 MW điện. Toàn bộ dự án tọa lạc trên diện tích gần 17.000m2 với tổng mức đầu tư trên 645 tỉ đồng. Phía Nhật Bản (Tập đoàn Hitachi Zosen) cung cấp toàn bộ phần thiết bị của nhà máy và chuyển giao công nghệ, còn phía Việt Nam (Công ty Môi trường đô thị Hà Nội - URENCO) thực hiện xây dựng phần móng, các hạng mục hạ tầng kỹ thuật có liên quan, lắp dựng và đưa vào sử dụng dây chuyền công nghệ nhà máy. |
Chánh Tài
(TBKTSG /Theo Yomiuri Shimbun, eco-business.com)
- Điện mặt trời có thể “sống chung” với nông nghiệp
- Đầu tư hiệu quả cho hệ thống điện mặt trời hộ gia đình
- Điện mặt trời áp mái: Tương lai phát triển năng lượng tái tạo
- 22 trên 30 thành phố ô nhiễm nhất thế giới nằm ở Ấn Độ
- Hàn Quốc thiếu cảnh báo ô nhiễm bụi mịn tới du khách quốc tế
- Nhiều khó khăn trong xử lý nước thải tại các làng nghề
- Đến thời của nhiên liệu hydro
- Báo cáo đánh giá tác động môi trường: Luật công khai nhưng vẫn “mật”
- Thủ tướng yêu cầu có bộ chỉ số xếp hạng các địa phương về bảo vệ môi trường
- Nước sông Hồng có giúp "hồi sinh" sông Tô Lịch?