Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Đưa việc chống rác thải nhựa vào thực tế cuộc sống

Đưa việc chống rác thải nhựa vào thực tế cuộc sống

Viết email In

Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE) cho biết ở Việt Nam, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 ki lô gam túi nylon/tháng. Hiện Việt Nam đứng thứ tư trên thế giới về lượng rác nhựa thải ra biển với 0,28-0,73 triệu tấn/năm (tương đương 6%).

Rác thải nhựa là “gánh nặng” cho môi trường, ảnh hưởng sức khỏe con người, đe dọa các hệ sinh thái và sự phát triển bền vững, thậm chí các chuyên gia môi trường còn lo ngại dẫn đến thảm họa gọi là “ô nhiễm trắng” [MONRE].


Cần "luật hóa" chống rác thải nhựa, cũng như vận động toàn dân về sử dụng đồ nhựa và túi nylon tự hủy. (Ảnh minh họa: TTXVN) 

Cần thiết ban hành một đạo luật

Có thể thấy thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và cả người dân đã có nhiều hành động hưởng ứng việc giảm rác thải nhựa, nhất là các sản phẩm nhựa dùng một lần. Tuy nhiên, phong trào vẫn mang tính tự phát, riêng lẻ, rời rạc và chủ yếu dựa trên ý thức, tinh thần tự nguyện.

Để đạt mục tiêu đến năm 2020, khối lượng túi nylon khó phân hủy giảm 65% tại các siêu thị, trung tâm thương mại và giảm 50% tại các chợ dân sinh so với năm 2010 (điểm b, tiểu mục 2, mục II, Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 11/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do túi nylon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020), thiết nghĩ cần ban hành một đạo luật chống rác thải nhựa mà trong đó quyền và nghĩa vụ của các chủ thể được quy định cụ thể. Bởi khi chống rác thải nhựa trở thành một nghĩa vụ được pháp luật quy định rõ ràng thì từng cá nhân, cơ quan, tổ chức buộc phải thực hiện nghiêm túc, nếu không muốn bị chế tài theo quy định, qua đó, tạo ra sự thống nhất trong hành động và trên phạm vi cả nước.

...nhưng không có nghĩa là cấm

Theo một thống kê của Chương trình môi trường Liên hiệp quốc, hiện nay, trên thế giới có hơn 80 quốc gia đã ban hành lệnh cấm đối với sản phẩm nhựa dùng một lần [Tuổi Trẻ].

Tuy nhiên, với những đặc tính thế mạnh của vật liệu nhựa, theo tôi, nước ta không nên cấm hoàn toàn và ngay lập tức đối với sản phẩm nhựa ở thời điểm hiện nay, có chăng chỉ nên cấm sản phẩm nhựa dùng một lần. Hơn nữa, nếu cấm hoàn toàn và ngay lập tức, người dân sẽ phải chuyển sang dùng những sản phẩm làm từ vật liệu có nguồn gốc tự nhiên (như gỗ, cỏ, bột ngô...). Việc này có thể càng thúc đẩy khai thác rừng quá mức và sự chuyển dịch cơ cấu sản xuất nguồn nguyên liệu một cách đột ngột cũng có nguy cơ gây hại gián tiếp đến môi trường.

Để tránh “lợi bất cập hại”, thay vì cấm, chúng ta nên áp dụng nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” (the polluter pays principle) vào chính sách lập pháp. Nhà nước thay mặt cộng đồng sử dụng biện pháp kinh tế tác động vào hành vi của các chủ thể theo hướng có lợi cho môi trường. Nói cách khác, nếu một chủ thể có hành vi gây ô nhiễm môi trường thì họ phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với cộng đồng.

Cụ thể, đạo luật về chống rác thải nhựa nên buộc các quán ăn, nhà hàng, cửa hàng bán lẻ, siêu thị, trung tâm thương mại... phải tính thêm một số tiền theo quy định đối với mỗi sản phẩm nhựa cung cấp cho khách hàng. Số tiền tính thêm có thể được quy định theo một trong hai hình thức: (1) ấn định một con số cố định; hoặc (2) dao động trong một khung nhất định và các cửa hàng được quyền lựa chọn con số cụ thể trong khung ấy, phù hợp với phân khúc khách hàng của họ. Để tăng hiệu quả và tránh tình trạng “lờn luật”, số tiền phải trả thêm này nên được quy định tăng dần theo từng giai đoạn và mở rộng dần phạm vị áp dụng sang các cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống. Ví dụ quy định với mỗi túi đựng nhựa, khách hàng phải trả thêm 3.000 đồng. Nếu một khách hàng mua hàng hóa trị giá 300.000 đồng và cần hai túi đựng bằng nhựa thì phải trả tổng cộng 306.000 đồng (trường hợp này, số tiền trả cho túi đựng bằng nhựa tương đương 2% giá trị hàng hóa mua sắm).

Nhằm khuyến khích các nhà bán lẻ nghiêm túc tuân thủ quy định, hãy để cho họ được sử dụng một phần của khoản tiền tính thêm này vào các mục đích mà họ muốn, phần còn lại dùng để hỗ trợ các chương trình, dự án, các hoạt động phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường. Nghĩa là, ngân sách nhà nước không nhận bất cứ đồng nào từ khoản tiền tính thêm thu được, giúp tránh sự hoài nghi việc tính thêm như một cách tăng thu ngân sách.

Từ nay đến thời điểm năm 2020 được đề cập ở Quyết định 582 còn chưa đến hai năm (nếu tính tới cuối năm 2020), việc sớm ban hành một văn bản để tạo khung pháp lý vững chắc cho hoạt động chống rác thải nhựa là cần thiết.

Võ Quốc An

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo