Ashui.com

Tuesday
Dec 03rd
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Vì sao đầu tư dự án điện mặt trời ngày càng đắt đỏ?

Vì sao đầu tư dự án điện mặt trời ngày càng đắt đỏ?

Viết email In

Chi phí đầu tư cho trang trại điện mặt trời dần suy giảm trong nhiều năm qua, thúc đẩy các dự án lớn nhỏ triển khai ồ ạt khắp nơi trên thế giới. Nhưng giờ đây, xu hướng này đang đảo chiều khi đầu tư cho điện mặt trời trở nên đắt đỏ hơn vì chi phí mô-đun năng lượng mặt trời (tấm quang năng), cũng như chi phí vận chuyển và lao động đang tăng nhanh.

Chi phí tấm quang năng đe dọa tính khả thi của dự án điện mặt trời

Một báo cáo mới đây của hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy cho biết mức giá vật liêu và chi phí vận tải biển tăng cao hơn đang làm xói mòn biên lợi nhuận ở các dự án điện mặt trời và có thể khiến một số dự án bị trì hoãn khi sắp đến thời điểm giải ngân tài chính.

Báo cáo cho biết các tấm quang năng là khoản tốn chi phí đầu tư riêng lẻ lớn nhất ở các dự án điện mặt trời. Điều này có nghĩa là ngay cả khi chi phí tấm quang năng chỉ tăng ở mức nhỏ, tính khả thi kinh tế của dự án điện mặt trời cũng có thể bị đe dọa.


Gánh nặng chi phí tấm quang năng đang đe dọa tính khả thi kinh tế của các dự án điện mặt trời.
(Ảnh: New York Times)

Trong 10 năm qua, ngành công nghiệp điện mặt trời chứng kiến chi phí tấm quang năng giảm 80% tính theo chi phí đầu tư trên mỗi watt peak (wp - đơn vị đo công suất năng lượng tối đa mà tấm quang năng có thể sản xuất được trong điều kiện tối ưu), từ mức hơn 1 đô la Mỹ/wp vào năm 2011 xuống còn 0,2 đô la/wp vào năm 2020.

Tuy nhiên, trong năm nay, chi phí tấm quang năng xuất từ Trung Quốc tăng lên mức hơn 0,22 đô la/wp, đảo ngược xu hướng giảm kéo dài 7 năm qua. Diễn biến này là do giá các vật liệu sử dụng để sản xuất các tế bào quang điện silicon (thành phần chính để tạo nên tấm quang năng), gồm polysilicon, bạc, nhôm và thủy tinh cũng như chi phí vận chuyển tăng cao hơn.

Một trong những vật liệu quan trọng để sản xuất tế bào quang điện là bạc. Là kim loại có tính dẫn điện tốt nhất,  bạc trở thành điểm tiếp điện lý tưởng ở mặt trước và mặt sau của tế bào quang điện.

Trong giai đoạn 2012-2016, ngành công nghiệp điện mặt trời đã nỗ lực giảm lượng bạc sử dụng ở mỗi tế bào quanh từ 200 miligram (mg), xuống còn 100 mg. Kể từ năm 2016, lượng bạc sử dụng ở mỗi  tế bào quang điện chỉ ở mức vừa phải và hiện đang ở mức 80-90mg. Bằng cách sử dụng lượng bạc ít hơn trên mỗi tế bào quang điện cộng với việc giá bạc giảm trong những năm trước, ngành công nghiệp điện mặt trời đã kéo khoản chi phí cho bạc giảm từ 0,05 đô la/wp trong năm 2012, xuống còn 0,015/wp trong năm 2020.

Tuy nhiên, giờ đây, chi phí bạc trong tổng chi phí của tấm quang năng đã tăng trở lại khi lượng bạc sử dụng ở mỗi tế bào quang điện không thể giảm xuống được nữa nhưng giá bạc lại đang tăng mạnh. Ngành công nghiệp điện mặt trời đang đóng góp 10% nhu cầu bạc toàn cầu.

Về nguồn cung, sản lượng bạc khai thác ở các mỏ trên thế giới đang trên đà giảm kể từ năm 2016. Nếu giá bạc tăng lên 40 đô la/ounce so với mức trên 25 đô la hiện nay, chi phí bạc ở các tấm quang năng có thể tăng lên mức 0,03/wp.

Và bạc chỉ là một trong số những vật liệu quan trọng được sử dụng trong sản xuất tấm quang năng, cùng với polysilicon, thủy tinh và nhôm, tất cả đều chứng kiến xu hướng tăng giá trong 12 tháng qua.

Chi phí vận chuyển cũng tăng

Những năm trước đây, chi phí vận chuyển tấm quang năng từ Trung Quốc đến các thị trường quan trọng trên thế giới chỉ ở mức 0,006/wp nhưng trong năm 2021, mức chi phí này đã tăng vọt lên mức 0,02 đô la/wp. Đây là khoản tăng chi phí đáng kể nữa đối với các nhà phát triển dự án điện mặt trời. Hiện nay, chi phí vận chuyển tương đương 10% chi phí tấm quang năng trước khi xuất cảng, tăng gấp 3 lần so với mức 3% vào năm 2019.

Chi phí vận tải biển tăng mạnh có thể chỉ là một tác động ngắn hạn trong đại dịch Covid-19. Nhưng hoạt động sản xuất tấm quang năng tập trung ở châu Á và điều này có nghĩa là vấn đề chi phí vận chuyển vẫn là yếu tố quan trọng mà các nhà phát triển dự án điện mặt trời ở các lục địa khác phải lưu ý.

Chi phí đầu tư đắt đỏ hơn sẽ tác động lớn đến tính khả thi kinh tế của các dự án điện mặt trời có công suất lớn. Chẳng hạn đối với các dự án có công suất 100 MW, tổng chi phí đầu tư sẽ tăng thêm 9%, nếu chi phí tấm quang năng tăng từ 0,18 đô la lên 0,24 đô la  cho mỗi wp.

Chi phí tăng có thể gây trì hoãn đối với các dự án điện mặt trời đã tiến gần đến thời điểm giải ngân vốn vì các công ty phát triển dự án và các công ty tổng thầu (thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng) cũng như các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEMs) nhận thấy biên lợi nhuận giảm đáng kể.

Gánh nặng chi phí nhân công gây thêm áp lực

Bên cạnh đó, chi phí trả lương cho người lao động đang tăng, gây thêm sức ép cho các nhà phát triển dự án điện mặt trời.

Henrik Fiskådal, nhà phân tích ở Công ty Rystad Energy, nói: “Xây dựng một dự án điện mặt trời đòi hỏi sử dụng lực lượng lao động lớn và chi phí lương tổng thể ngày càng tăng. Cùng với chi phí tấm quang năng đang tăng, sự kết hợp này là tai họa lớn có thể đe dọa mức sinh lời ở các dự án điện mặt trời mới vì lực lượng nhân công trong ngành công nghiệ điện mặt trời ngày càng chiếm mức chi phí lớn trong việc phát triển dự án”.

Xây dựng một dự án điện mặt trời đòi hỏi nhiều nhóm lao động với kỹ năng khác nhau bao gồm công nhân thi công, nhân viên kỹ thuật điện, kỹ sư, người vận hành máy móc...và cả những nhân viên văn phòng đảm trách hoạt động thu mua cũng như chuẩn bị hồ sơ pháp lý do dự án. Phần lớn các công việc này không thể dễ dàng tự động hóa, do vậy, ngành công nghiệp điện mặt trời sẽ tiếp tục phụ thuộc vào các nhóm lao động này ở các dự án mới.

Trong số 10 nước được dự báo đầu tư lớn nhất cho ngành công nghiệp điện mặt trời trong giai đoạn 2021-2023, Trung Quốc và Mỹ sẽ đóng góp mức đầu tư lớn nhất. Chi phí lao động ở hai nước này được dự báo sẽ tăng cao hơn trong những năm tới và sẽ làm tăng thêm chi phí lao động ở các dự án điện mặt trời.

Rystad Energy dự báo mức lương trung bình ở Trung Quốc sẽ tăng hơn 20% trong giai đoạn 2020-2023.

Giả định tỷ trọng chi phí thiết bị và lao động vẫn không thay đổi trong năm tới, mức tăng 20% lương này có thể khiến tổng chi phí đầu tư cho một dự án điện mặt trời tăng thêm 5% trong 3 năm tới. Trong khi đó, mức lương trung bình ở Mỹ dự kiến chỉ tăng 6% trong cùng giai đoạn và và mức tăng này sẽ khiến tổng chi phí ở các dự án điện mặt trời đội thêm 1,7%.

Khánh Lan

(TBKTSG /Theo Oilprice.com)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...