Nhà máy James H. Miller ở Mỹ không đứng trước sức ép phải lập tức đóng cửa mặc dù lượng khí thải mà cơ sở này xả ra bầu khí quyển trong năm 2020 tương đương mức thải của 3,7 triệu ôtô.
Các ống khói xả khí thải của nhà máy điện than James H. Miller - "thủ phạm" phát thải lượng khí gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất ở Mỹ, đứng sừng sững giữa khu dân cư ở phía Tây Bắc thành phố Birmingham thuộc bang Alabama.
Tuy nhiên, người dân nơi đây đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan do nhà máy này là một trong những nguồn tạo việc làm cho người lao động địa phương.
Nhà máy nhiệt điện James H. Miller gây ô nhiễm môi trường nhưng mặt khác giúp mang lại kế sinh nhai cho nhiều người. (Nguồn: marketplace.org)
Được sự ủng hộ của nhiều người dân địa phương nhờ số lượng công ăn việc làm mà nó mang lại, nhà máy James H. Miller không đứng trước sức ép phải lập tức đóng cửa mặc dù lượng khí thải mà cơ sở này xả ra bầu khí quyển trong năm 2020 tương đương mức thải của 3,7 triệu ôtô.
Jennifer Chesser, một bà nội trợ 46 tuổi, cho biết nhà máy nhiệt điện James H. Miller gây ô nhiễm môi trường nhưng mặt khác giúp mang lại kế sinh nhai cho nhiều người, trong đó có gia đình cô vốn dựa vào việc kinh doanh than đá.
Theo Chesser, người dân không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục chấp nhận sự hiện diện của nhà máy này như một phần của cuộc sống.
Vấn đề xả thải của nhà máy James H. Miller đã đặt ra không ít thách thức đối với nỗ lực chống biến đổi khí hậu, ngay cả với những người chấp nhận "sống chung" với nhà máy này.
Tuy nhiên, các quan ngại đang phần nào bị che mờ bởi những nhu cầu cấp thiết hằng ngày.
Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là lý do đưa các nhà lãnh đạo thế giới đến với hội nghị thượng đỉnh trực tuyến do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì vào ngày 22-23/4 tới.
Hội nghị được kỳ vọng sẽ mang lại các cam kết mạnh mẽ hơn về khí hậu.
Cuối tháng Một vừa qua, ông Biden đã công bố kế hoạch chi tiêu hơn 2.000 tỷ USD nhằm hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Trước thềm hội nghị trên, ông Biden dự kiến sẽ công bố mục tiêu tham vọng hơn của Mỹ, theo đó đến năm 2030 sẽ cắt giảm ít nhất 50% lượng khí thải so với các mức của năm 2005, tương đương 47% so với các mức của năm 2010.
Mỹ là nước phát thải lượng khí carbon cao thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Hiện Mỹ đang nỗ lực giảm dần sự phụ thuộc và tìm nguồn năng lượng thay thế than đá.
Theo Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng của Mỹ, trong năm 2019, sản lượng điện than của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 42 năm qua do sản lượng điện từ khí đốt và năng lượng gió tăng mạnh./.
Phan An
(TTXVN / Vietnam+)
- "Tài chính xanh" lên ngôi, hàng ngàn tỉ đô la sẵn sàng thúc đẩy cuộc chuyển đổi năng lượng toàn cầu
- Đà Nẵng: Tiêu thụ năng lượng tái tạo sẽ chiếm gần 10% trong 10 năm tới
- IEA: Cơ hội để đạt mức phát thải ròng bằng 0 ngày càng nhỏ
- Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam ủng hộ chấm dứt khai thác nhiên liệu hoá thạch
- Phát triển đô thị Việt Nam thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu
- Vì sao đầu tư dự án điện mặt trời ngày càng đắt đỏ?
- Cần khuyến khích đầu tư công nghệ lưu trữ điện mặt trời
- Rừng ngập mặn Đồng bằng sông Cửu Long trị giá bao nhiêu?
- Tiếp tục tranh luận xung quanh việc phát triển năng lượng tái tạo
- Lo ngại "bong bóng xanh" khi tiền ồ ạt chảy vào cổ phiếu năng lượng tái tạo