Các nhà nghiên cứu từ Đại học & Nghiên cứu Wageningen và Đại học Utrecht dự đoán rằng vào năm 2050 phần lớn của ĐBSCL sẽ lún xuống dưới mực nước biển nếu không có thay đổi sớm.
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam là nơi sinh sống của khoảng 17 triệu người. Nơi đây có những vùng đất thẳng cánh có bay được sử dụng để trồng các loại cây như lúa và tôm. Hiện nay, vùng đồng bằng này chỉ cao hơn mực nước biển trung bình chưa đầy một mét. Nhưng do tốc độ sụt lún đất ngày càng gia tăng, chủ yếu do khai thác nước ngầm, thiếu phù sa bồi đắp cộng với mực nước biển đang dâng cao, các nhà nghiên cứu từ Đại học & Nghiên cứu Wageningen và Đại học Utrecht dự đoán rằng vào năm 2050 phần lớn của đồng bằng sẽ giảm xuống dưới mực nước biển nếu không có thay đổi sớm. Việt Nam có thể làm gì để ở trên mặt nước?
(Nguồn: Dunn & Minderhoud 2022)
Mực nước biển dâng tương đối
Sử dụng các mô hình máy tính mới, các nhà nghiên cứu đã xem xét vùng châu thổ sẽ phát triển như thế nào trong 30 năm tới, có tính đến các dự đoán về sụt lún đất, mực nước biển dâng và tình trạng thiếu trầm tích. Frances Dunn, nhà nghiên cứu tại Đại học Utrecht và là một trong hai tác giả của nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Communications Earth and Environment đầu tuần này cho biết: “Chúng tôi thấy rằng vùng châu thổ có thể sẽ chìm xuống rất nhanh so với mực nước biển".
Philip Minderhoud, trợ lý giáo sư tại Đại học Wageningen và tác giả thứ hai của nghiên cứu cho biết: “Đồng bằng chìm xuống như một quá trình tự nhiên, nhưng trong những năm gần đây, sự sụt lún đất đã được con người thúc đẩy nhanh hơn do việc khai thác nước ngầm không bền vững”. "Sự kết hợp giữa sụt lún đất và mực nước biển dâng này được chúng tôi gọi là 'mực nước biển dâng tương đối', và đây là điều mà người dân vùng đồng bằng đang trải nghiệm".
Dunn cho biết thêm, "Đối với tương lai của những người cư ngụ và mưu sinh ở đó, tỷ lệ mực nước biển dâng tương đối cao này thật đáng lo ngại".
Cần chiến lược bồi đắp phù sa tại chỗ
Một chiến lược để bù lún đất và nâng cao đồng bằng là tích tụ phù sa tại một số vị trí nhất định trong đồng bằng. Dunn minh họa: “Ví dụ, chúng tôi đã xem xét điều gì sẽ xảy ra nếu bạn tập trung vào việc bồi lấp xung quanh thành phố Cần Thơ. "Ngay cả khi đó, bạn chỉ có thể bảo vệ một bên của thành phố bằng trầm tích bởi vì có một con sông ở phía bên kia của thành phố, và phần còn lại của đồng bằng chìm nhiều hơn vì nó sẽ không nhận được bất kỳ trầm tích sông nào".
Bồi lắng cục bộ dường như không phải là giải pháp cứu cánh cho Việt Nam. Minderhoud nói: “Chỉ đơn giản là có quá ít phù sa để bù đắp cho tốc độ chìm xuống của đồng bằng so với mực nước biển”.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nói rằng một chiến lược bồi lắng như vậy có thể được kết hợp với các biện pháp khác để ngăn chặn sự sụt lún đất do con người gây ra và các chiến lược để giữ lại vật chất hữu cơ từ nông nghiệp ví dụ như lúa gạo, bù đắp trầm tích phù sa thất thoát. Bằng cách này, Việt Nam có thể trì hoãn đáng kể mực nước biển dâng tương đối trong tương lai, tạo cho đồng bằng có thời gian quan trọng để thích ứng.
Từng có nhiều cảnh báo
Trước đó, nghiên cứu của các nhà khoa học Climate Central công bố trên tạp chí Nature Communications năm 2019 đã đưa ra nhận định về nguy cơ ngập bởi nước biển dâng do biến đổi khí hậu cho các đồng bằng trên thế giới.
Tại Việt Nam, nghiên cứu đưa ra giả định, nước biển dâng do biến đổi khí hậu có thể “xóa sổ” Đồng bằng sông Cửu Long trong vòng 30 năm tới, gây ảnh hưởng nặng nề tới khoảng 20 triệu dân của vùng. Ngoài ra, phần lớn diện tích trung tâm kinh tế ở TP.HCM cũng sẽ biến mất hoàn toàn vào năm 2050.
Khi đó, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định “đây là thông tin chưa đủ cơ sở khoa học và chỉ dựa trên các giả định cực đoan”. Tuy nhiên, đây cũng là một thông điệp cần quan tâm để khi xây dựng các phương án quy hoạch, các cơ quan thực hiện cần chú ý đến sự sụt lún, nước biển dâng và ngập lụt do triều cường để đề xuất phương án hợp lý giải quyết.
Trước đó, năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố kịch bản Biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tại kịch bản này, số liệu địa hình được sử dụng để xây dựng bản đồ nguy cơ ngập do nước biển dâng cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được lấy từ: Mô hình số địa hình kích thước ô lưới là 2mx2m của 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, do Cục Viễn thám Quốc gia thực hiện năm 2008; Bản đồ số địa hình do dự án bay chụp Lidar của Cục Đo đạc Bản đồ và Thông tin Địa lý Việt Nam thực hiện.
Do vậy, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nghiên cứu của Climate Central, các tác giả sử dụng kịch bản nước biển dâng 2m kết hợp với triều cường trong xây dựng bản đồ nguy cơ ngập. Thực tế, đây là sự chồng chập của hai giả định rất cực đoan nên tất yếu sẽ dẫn đến tình trạng nguy cơ rủi ro rất cao.
Anh Tú
(Một Thế Giới)
- Việt Nam chi gần 6,5 tỷ USD cho vấn đề biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2016 - 2020
- Các nhà khoa học Anh công bố kỳ tích về năng lượng hạt nhân
- Nghiên cứu thành lập Trung tâm năng lượng tái tạo
- Ban hành Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia
- Năng lượng tái tạo: Xu hướng áp đảo trong tương lai
- Ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến 2,5 tỷ cư dân thành phố
- Dữ liệu số về đất đai và tài nguyên môi trường là tài nguyên quan trọng cho phát triển
- Doanh nghiệp chật vật vượt “rào cản” gia nhập thị trường năng lượng tái tạo
- Chuyện cũ kể lại: Biến đổi khí hậu có làm sụp đổ các xã hội?
- "Điện sạch" sẽ chiếm 75% công suất hệ thống điện