Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Tín chỉ carbon - “tài nguyên” mới nổi

Tín chỉ carbon - “tài nguyên” mới nổi

Viết email In

Việt Nam đang sở hữu một nguồn tài nguyên vô cùng dồi dào nhưng chưa được khai phá, đó là tín chỉ carbon (các-bon) quy đổi khi thực hiện các hoạt động cắt giảm phát thải hoặc hấp thụ khí nhà kính. Loại “tài nguyên xanh” dành cho “thị trường xanh” này đang trở nên hấp dẫn trên thế giới, nhất là trong bối cảnh các quốc gia sẽ áp dụng các loại thuế các-bon trong thời gian sắp tới.


Việc thương mại hóa tín chỉ các-bon được coi là hướng đi mới trong bối cảnh Việt Nam và nhiều quốc gia đề ra mục tiêu phát thải ròng bằng 0

“Tài nguyên” sẽ vô tận, nếu…

Khác với tài nguyên không tái tạo như dầu khí, than đá hay vàng bạc, kim cương… chỉ có một trữ lượng giới hạn, tín chỉ các-bon (carbon credit) là loại tài nguyên vô tận nếu con người liên tục thực hiện các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính. Trên thị trường hiện nay, một tín chỉ các-bon được tính bằng 1 tấn CO2 (hoặc quy đổi tương đương từ các loại khí nhà kính khác như NO2, CH4…) mà chúng ta thực hiện cắt giảm hoặc hấp thụ thành công.

Vậy ai sẽ mua - bán để biến loại tài nguyên này thành hàng hóa? Có thể hình dung, mỗi quốc gia, nhà máy, mỗi công ty có một hạn mức thải CO2 nhất định. Nếu muốn vượt qua ranh giới này, họ cần phải mua thêm hạn mức, tín chỉ các-bon từ các quốc gia hay các tổ chức có khả năng giảm phát thải. Các tín chỉ các-bon mua được dùng vào mục đích bù đắp hoặc bù trừ một phần lượng phát thải của chính họ.

Hầu hết các quốc gia phát triển công nghiệp đều đang thiếu hạn mức phát thải CO2. Yêu cầu giảm phát thải đã trở thành tiêu chuẩn, hàng rào thuế quan đối với hàng hóa, buộc nhà sản xuất phải có trách nhiệm giảm phát thải hoặc phải mua thêm hạn mức giảm phát thải.

Những quốc gia như Việt Nam có tiềm năng hấp thụ khí nhà kính trong hoạt động trồng rừng và giảm phát thải nhờ chuyển đổi năng lượng, xanh hóa phương thức sản xuất ở nhiều lĩnh vực. Việc cam kết đạt mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050 càng thúc đẩy Việt Nam triển khai mạnh mẽ các hoạt động cắt giảm khí nhà kính. Từ đó chúng ta tạo ra ngày càng nhiều tín chỉ các-bon, mang đến tiềm năng rất lớn về “nguồn cung” cho thị trường này.

Khai thác đúng cách sẽ đem lại nguồn lợi lớn

Hiện trên thế giới tồn tại 3 hình thức thị trường các-bon. Một là thị trường trao đổi, bù trừ tín chỉ theo các công ước quốc tế, hiện đang tạm chững lại trong khi chờ Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đưa ra các quy định chi tiết về triển khai giao dịch. Dạng thứ hai là thị trường nội địa của từng quốc gia mà tại Việt Nam dự kiến sẽ vận hành vào năm 2028.

Hiện, việc giao dịch tín chỉ các-bon chủ yếu trên dạng thị trường thứ ba - thị trường tự nguyện. Đây là nơi các doanh nghiệp mua tín chỉ từ các giải pháp phát thải các-bon thấp bên ngoài chuỗi giá trị của họ. Theo Ecosystem Marketplace, giá trị giao dịch thị trường các-bon tự nguyện đã vượt mốc 2 tỷ USD từ năm 2021. Mức độ sôi động tăng theo từng năm, khi ngày càng nhiều doanh nghiệp, quốc gia hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon.

Ở Việt Nam, ngành lâm nghiệp đang đi đầu trong việc trao đổi, giao dịch tín chỉ các-bon. Do triển khai Sáng kiến Giảm phát thải thông qua việc hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (REDD+) từ sớm với sự hỗ trợ tích cực từ quốc tế, lượng tín chỉ cacbon thu được đến nay và trong tương lai là không nhỏ.

Hai thương vụ lớn của Bộ NN&PTNT với Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tăng cường tài chính lâm nghiệp (Emergent) có tổng giá trị hơn 100 triệu USD, được ký kết năm 2020 và 2021, hứa hẹn mang lại động lực cho các hoạt động trồng rừng trên khắp cả nước. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu tính chung diện tích rừng trên cả nước, mỗi năm, Việt Nam có thể cung cấp 57 triệu tín chỉ các-bon rừng, thu về hàng trăm triệu đô-la.


Trồng rừng, phát triển năng lượng tái tạo hay bất cứ biện pháp giảm phát thải nào đều có thể tạo ra tín chỉ các-bon

Sau lâm nghiệp, sản xuất lúa gạo tiếp tục trở thành nguồn tín chỉ tiềm năng. Tháng 10/2022, đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết sẽ chi trả cho tín chỉ các-bon từ các hợp tác xã sản xuất lúa giảm phát thải ở Đồng bằng sông Cửu Long. Mức chi dự kiến là 150 USD/ha, bắt đầu từ năm 2024. Theo đánh giá của WB, vùng ĐBSCL có tiềm năng tạo ra khoảng 10 triệu tín chỉ các-bon từ sản xuất lúa gạo.

Ngoài ra, các nhà máy điện mặt trời Việt Nam cũng đang bán Chứng chỉ năng lượng tái tạo quốc tế (IREC) - một loại tín chỉ của ngành năng lượng - sang thị trường các-bon của Singapore và Thái Lan thông qua các tổ chức quốc tế.

Điểm chung của những thương vụ trên là nếu được các tổ chức quốc tế hướng dẫn kỹ thuật một cách kỹ càng, người trồng rừng, người nông dân hay người sản xuất điện mặt trời… đều có thể thu được tiền từ sản xuất tín chỉ các-bon - giá trị gia tăng ngoài mong đợi sau đã thu được lợi ích từ hoạt động canh tác, bảo về rừng, chuyển đổi năng lượng.

Xây dựng chỗ đứng trên bản đồ thế giới

Trong Báo cáo đóng góp do quốc gia tự quyết định 2022 (NDC 2022) vừa gửi Liên Hợp Quốc, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ giảm 403,5 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2030 nếu có sự hỗ trợ từ quốc tế. Như vậy, chúng ta có tiềm năng sản xuất tới hơn 400 triệu tín chỉ các-bon. Với mức giá trung bình khoảng 5 USD/tín chỉ, khoản thu này có thể lên tới 2 tỷ USD, bổ sung nguồn lực đáng kể cho các hành động giảm phát thải.

Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), chúng ta có tới 5 ngành chính có thể thực hiện giảm phát thải và tạo ra tín chỉ cacbon. Đó là: năng lượng, nông nghiệp, hấp thụ khí nhà kính từ lâm nghiệp và sử dụng đất (LULUCF), chất thải và các quá trình công nghiệp. Đây cũng chính là lực hấp dẫn lớn nhất với các đối tác quốc tế, các tổ chức tài chính có nhu cầu đầu tư tạo ra tín chỉ các-bon trên khắp thế giới.

Dư địa khai thác nguồn tài nguyên mới này ở Việt Nam còn rất nhiều, vấn đề là làm sao để khai thác đúng cách và tăng giá trị theo thời gian? Theo ông Vũ Trung Kiên - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu, đầu tiên là vấn đề nhận thức. Hiện các doanh nghiệp mới chỉ coi tín chỉ cacbon là khoản lợi nhuận phát sinh thêm trong quá trình vận hành nhà máy nên họ chưa thực sự chủ động tiếp cận thị trường, tìm kiếm đối tác và làm gia tăng lợi nhuận.

Bên cạnh đó, ông Kiên cho rằng, khi Việt Nam chuẩn hóa các tiêu chuẩn tạo tín chỉ, thị trường các bon đáp ứng yêu cầu của quốc tế, cũng như tăng vị thế “bên bán” thì giá bán tín chỉ có nguồn gốc từ Việt Nam có thể tăng cao hơn.

Khi đã hoàn thiện cơ chế chính sách và các cơ chế quản lý tài chính, nguồn thu từ tín chỉ các-bon sẽ quay lại hỗ trợ các dự án, tăng cường đổi mới công nghệ và tạo sự liên thông giữa thị trường trong nước với thị trường quốc tế. Làm được như vậy, chúng ta sẽ khai thác đúng cách nguồn tài nguyên mới này.

Khánh Ly

(Báo Tài nguyên & Môi trường)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo