Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres vừa nhấn mạnh, thế giới cần ưu tiên 5 hành động quan trọng ngay lúc này để chuyển đổi hệ thống năng lượng và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, bởi vì không có năng lượng tái tạo thì không thể có tương lai.
Các nguồn năng lượng tái tạo phát thải ít hoặc không phát thải khí nhà kính.
Biến công nghệ năng lượng tái tạo thành hàng hóa công toàn cầu
Để công nghệ năng lượng tái tạo trở thành hàng hóa công toàn cầu – nghĩa là dành cho tất cả mọi người chứ không chỉ dành cho người giàu – điều cần thiết là phải loại bỏ các rào cản đối với việc chia sẻ kiến thức và chuyển giao công nghệ, bao gồm cả các rào cản về quyền sở hữu trí tuệ.
Các công nghệ thiết yếu như hệ thống lưu trữ pin cho phép năng lượng từ năng lượng tái tạo, như năng lượng mặt trời và gió, được lưu trữ và giải phóng khi con người, cộng đồng và doanh nghiệp cần điện. Theo Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế, chúng giúp tăng tính linh hoạt của hệ thống năng lượng nhờ khả năng độc đáo là hấp thụ, giữ và cung cấp lại điện nhanh chóng.
Đồng thời, khi kết hợp với máy phát điện tái tạo, công nghệ lưu trữ pin có thể cung cấp điện đáng tin cậy và rẻ hơn trong các lưới điện bị cô lập và cho các cộng đồng không có lưới điện ở những địa điểm xa xôi.
Cải thiện khả năng tiếp cận toàn cầu với các thành phần và nguyên liệu thô
Một nguồn cung cấp mạnh mẽ các thành phần năng lượng tái tạo và nguyên liệu thô là rất cần thiết. Việc tiếp cận rộng rãi hơn tới tất cả các thành phần và vật liệu quan trọng – từ các khoáng chất cần thiết để sản xuất tua-bin gió và mạng lưới điện đến xe điện – sẽ là chìa khóa.
Sẽ cần tăng cường phối hợp quốc tế để mở rộng và đa dạng hóa năng lực sản xuất trên toàn cầu. Hơn nữa, cần đầu tư nhiều hơn để đảm bảo quá trình chuyển đổi công bằng, gồm đào tạo kỹ năng cho con người, nghiên cứu và đổi mới cũng như khuyến khích xây dựng chuỗi cung ứng thông qua các hoạt động bền vững nhằm bảo vệ hệ sinh thái và văn hóa.
Tạo sân chơi bình đẳng cho công nghệ năng lượng tái tạo
Bên cạnh hợp tác toàn cầu là rất quan trọng, các quốc gia cũng cần khẩn trương cải cách các khuôn khổ chính sách trong nước để hợp lý hóa và đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng tái tạo cũng như xúc tiến đầu tư khu vực tư nhân.
Công nghệ, năng lực và vốn cho quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo đã tồn tại, nhưng cần có chính sách và quy trình để giảm rủi ro thị trường, tạo điều kiện và khuyến khích đầu tư – bao gồm thông qua việc hợp lý hóa các quy trình lập kế hoạch, cấp phép và quản lý, cũng như ngăn ngừa quan liêu. Điều này có thể bao gồm việc phân bổ không gian để cho phép xây dựng quy mô lớn trong các Vùng năng lượng tái tạo đặc biệt.
Đóng góp do quốc gia tự quyết định, kế hoạch hành động về khí hậu riêng của các quốc gia nhằm cắt giảm khí thải và thích ứng với tác động của khí hậu, phải đặt ra các mục tiêu về năng lượng tái tạo phù hợp ở mức 1,5 độ C – và tỷ lệ năng lượng tái tạo trong sản xuất điện toàn cầu phải tăng từ 29% hiện nay lên 60% vào năm 2030.
Các chính sách rõ ràng và mạnh mẽ, quy trình minh bạch, sự hỗ trợ của cộng đồng và sự sẵn có của các hệ thống truyền tải năng lượng hiện đại là chìa khóa để thúc đẩy việc áp dụng các công nghệ năng lượng gió và mặt trời.
Chuyển trợ cấp năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo
Trợ cấp nhiên liệu hóa thạch là một trong những rào cản tài chính lớn nhất cản trở sự chuyển đổi của thế giới sang năng lượng tái tạo. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), khoảng 5,9 nghìn tỷ USD đã được chi để trợ cấp cho ngành nhiên liệu hóa thạch chỉ riêng trong năm 2020, bao gồm thông qua các khoản trợ cấp rõ ràng, giảm thuế và các thiệt hại về sức khỏe và môi trường không được tính vào chi phí nhiên liệu hóa thạch, khoảng 11 tỷ USD một ngày.
Trợ cấp nhiên liệu hóa thạch vừa không hiệu quả vừa không công bằng. Theo IMF, tại các nước đang phát triển, khoảng 50% nguồn lực công được sử dụng để hỗ trợ tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch mang lại lợi ích cho 20% dân số giàu nhất.
Chuyển trợ cấp từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo không chỉ cắt giảm khí thải mà còn góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững, tạo việc làm, sức khỏe cộng đồng tốt hơn và bình đẳng hơn, đặc biệt đối với người nghèo và các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.
Đầu tư gấp ba vào năng lượng tái tạo
Đến năm 2030, cần đầu tư ít nhất 4 nghìn tỷ USD mỗi năm vào năng lượng tái tạo – gồm cả đầu tư vào công nghệ và cơ sở hạ tầng – để cho phép chúng ta đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Mặc dù không cao bằng trợ cấp nhiên liệu hóa thạch hàng năm, khoản đầu tư này sẽ mang lại kết quả. Chỉ riêng việc giảm ô nhiễm và tác động của khí hậu có thể tiết kiệm cho thế giới tới 4,2 nghìn tỷ USD mỗi năm vào năm 2030.
Nguồn vốn đã có – điều cần thiết là cam kết và trách nhiệm giải trình, đặc biệt từ các hệ thống tài chính toàn cầu, bao gồm các ngân hàng phát triển đa phương và các tổ chức tài chính công và tư khác, phải điều chỉnh danh mục cho vay của họ theo hướng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo.
Theo ông Guterres, năng lượng tái tạo là con đường duy nhất dẫn đến an ninh năng lượng thực sự, giá điện ổn định và cơ hội việc làm bền vững.
Mai Đan (Tổng hợp từ UN)
(Báo Tài nguyên & Môi trường)
- [Infographics] Những con số báo động về rác thải đô thị trên toàn cầu
- Thụy Điển cách mạng hóa tái chế nhựa với nhà máy tự động lớn nhất thế giới
- TP.HCM và "lỗ hổng" làm điện rác
- Nhà đầu tư khí hậu nhìn thấy cơ hội lớn từ công nghệ xử lý nước
- Công trình xanh không phải “cuộc chơi” riêng của các nhà phát triển bất động sản
- [NhanDanTV] Bài toán giảm phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam
- Thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy giao thông xanh
- Năm Rồng - Luật hóa chính sách đất đai, tạo đà cho Chuyển đổi Xanh “cất cánh”
- Phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen
- EU nỗ lực giảm thiểu rác thải công nghệ