Chi tiêu toàn cầu cho quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch đạt mức cao kỷ lục gần 1.800 tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái. Tuy nhiên con số đó vẫn chưa đủ để đạt tốc độ tăng trưởng đầu tư cần thiết giúp thế giới hướng đến mục tiêu đưa lượng phát thải carbon về zero (Net-Zero) vào năm 2050.
Trung Quốc, Mỹ, Đức là ba nước dẫn đầu thế giới về đầu tư năng lượng sạch trong năm ngoái, với các con số lần lượt là 675,9 tỉ đô la, 303,1 tỉ dô la, và 95,4 tỉ đô la. (Ảnh: Inside Climate News)
Theo báo cáo mới phát hành của Công ty tài chính năng lượng mới Bloomberg (BNEF), tổng chi tiêu đầu tư vào chuyển đổi năng lượng trên toàn cầu năm 2023 tăng 17% lên gần 1.800 tỉ đô la. Đây là con số tăng trưởng hàng năm cao nhất trong lịch sử. Tổng chi tiêu này bao gồm các khoản đầu tư để lắp đặt năng lượng tái tạo, điện hóa giao thông, xây dựng hệ thống sản xuất nhiên liệu hydro và triển khai các công nghệ sạch khác. Nếu tính thêm các khoản đầu tư xây dựng chuỗi cung ứng năng lượng sạch, nguồn tài trợ tổng cộng 900 tỉ đô la thì tổng vốn rót vào năng lượng sạch trong năm 2023 đạt khoảng 2.800 tỉ đô la.
Khoản chi tiêu kỷ lục trên cho thấy tính cấp thiết của hành động chống lại biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan trên toàn cầu. Tuy nhiên BNEF cho rằng, thế giới cần đầu tư nhiều hơn gấp đôi vào công nghệ sạch để đạt được mục tiêu Net-Zero vào giữa thế kỷ này.
“Cơ hội rất lớn và chi tiêu cho năng lượng sạch đang tăng tốc, nhưng chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa”, Albert Cheung, phó giám đốc điều hành của BNEF nói.
Tổng chi tiêu cho quá trình chuyển đổi năng lượng năm ngoái thấp hơn nhiều so với mức hơn 4.800 tỉ đô la Mỹ mà BNEF ước tính sẽ cần hàng năm trong giai đoạn 2024- 2030 để đưa thế giới hướng đến mục tiêu Net-Zero.
Do vậy, BNEF kêu gọi các chính phủ cần hành động mạnh mẽ hơn nữa trong những năm tới. Theo tính toán của ông Cheung, các khoản đầu tư cho năng lượng sạch toàn cầu trong năm ngoái phải tăng khoảng 170% mới có thể đạt được tốc độ cần thiết hướng đến mục tiêu Net-Zero.
Ông nhìn nhận, tốc độ chi tiêu hàng năm cho năng lượng sạch đang trên đà tăng mạnh. Tuy vậy, thế giới có đang đi đúng lộ trình để đạt được mục tiêu Net-Zero hay không vẫn là một câu hỏi khó trả lời.
Trạm sạc xe điện ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Các khoản đầu tư cho điện hóa giao thông đóng góp gần một nửa tổng chi phí đầu tư vào năng lượng sạch của Trung Quốc hồi năm ngoái. (Ảnh: Getty)
Hiện nay, Trung Quốc vẫn là thị trường năng lượng sạch lớn nhất với 676 tỉ đô la chi tiêu vào lĩnh vực này hồi năm ngoái. Tuy nhiên, con số đó chỉ đánh dấu mức tăng 6% so với năm 2022. Riêng đầu tư vào năng lượng tái tạo ở Trung Quốc giảm 11% vào năm 2023. BNEF cho rằng mức giảm này chủ yếu là do chi phí các thiết bị năng lượng gió và mặt trời rẻ hơn.
Năm 2023 chứng kiến các khoản đầu tư của Mỹ, Anh và châu Âu vào năng lượng sạch tăng ít nhất 22% lên tổng cộng 718 tỉ đô la. Tốc độ đầu tư tăng nhanh, một phần nhờ các ưu đãi trong Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ. Doanh số bán xe điện mạnh mẽ ở Anh và nhu cầu năng lượng tái tạo đang bùng nổ trên khắp châu Âu cũng giúp thúc đẩy tổng chi tiêu cho năng lượng sạch.
Theo BNEF, chi tiêu cho xe điện trên toàn cầu tăng 36%, lên 634 tỉ đô la Mỹ trong năm 2023. Với kết quả này, xe điện trở thành lĩnh vực nhận được khoản đầu tư lớn nhất, vượt qua năng lượng tái tạo vốn chỉ tăng 8% lên 623 tỉ đô la trong năm ngoái.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng đầu tư vào năng lượng tái tạo chậm hơn nhiều với năm 2022 và 2021 khi chỉ đạt lần lượt 24% và 25%. BNEF lý giải điều này là do chi phí đầu tư cho các mô-đun năng lượng mặt trời trên toàn cầu và đầu tư vào tuốc-bin gió của Trung Quốc suy giảm giảm.
Dù vậy, tổng đầu tư vào năng lượng gió trên toàn cầu đạt mức cao nhất mọi thời đại là 217 tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái. Lĩnh vực điện gió xa bờ chứng kiến nguồn vốn đầu tư kỷ lục 77 tỉ đô la, bất chấp môi trường kinh tế vĩ mô đầy thách thức.
Các nhà đầu tư cũng rót 310 tỉ đô la vào các lưới điện trên toàn cầu trong năm ngoái. Lưới điện đóng vai trò quan trọng để cung cấp năng lượng sạch được tạo ra từ các trang trại điện gió và và mặt trời sắp đưa vào hoạt động.
Một số công nghệ mới nổi cũng cho thấy sự tăng trưởng nhanh chóng. Đơn cử như dòng vốn đầu tư vào các hệ thống sản xuất nhiên liệu hydro đã tăng gấp ba lần lên 10,4 tỉ đô la. Đây là dấu hiệu cho thấy sự quan tâm ngày càng tăng đối với công nghệ này dù vẫn chưa được chứng minh trên quy mô lớn.
BNEF cho biết, đầu tư vào chuỗi cung ứng năng lượng sạch toàn cầu, bao gồm các nhà máy sản xuất thiết bị và sản xuất kim loại pin, đạt kỷ lục mới ở mức 135 tỉ đô la vào năm ngoái. Công ty này dự báo đầu tư trong lĩnh vực này sẽ tăng mạnh hơn nữa trong hai năm tới.
Chánh Tài
(KTSG Online /Theo Bloomberg, Recharge News)
- [NhanDanTV] Bài toán giảm phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam
- Thành phố Hồ Chí Minh thúc đẩy giao thông xanh
- Năm Rồng - Luật hóa chính sách đất đai, tạo đà cho Chuyển đổi Xanh “cất cánh”
- Phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen
- EU nỗ lực giảm thiểu rác thải công nghệ
- Ai thụ hưởng nguồn thu từ tín chỉ carbon rừng?
- Điện hạt nhân trỗi dậy, góp phần giảm khí thải nhà kính
- Sức ép giá rẻ từ Trung Quốc khiến công nghiệp năng lượng xanh châu Âu khó khăn
- Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đối mặt nhiều thách thức trong năm 2024
- Xe máy điện – Một giải pháp cho sự tin dùng