Tiến sỹ Trần Duy Khanh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thái Bình cho biết dự án Quy hoạch năng lượng địa phương được triển khai lần đầu tiên tại Việt Nam.
Dự án do Liên minh hợp tác về phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam và vùng Mekong gồm Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID), Trung tâm tài nguyên nước và biến đổi khí hậu (CEWAREC), Tổ chức năng lượng bền vững (SE) Đan Mạch và Hội bảo tồn thiên nhiên Thụy Điển (SSNC) phối hợp tổ chức.
Dự án chọn Thái Bình là địa phương đầu tiên ở Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thái Bình là đối tác để triển khai thực hiện dự án.
Dự án sẽ được triển khai trong thời gian 5 năm (2012-2016) với mục tiêu nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng bền vững ở Việt Nam và vùng Mekong, sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng gió, năng lượng mặt trời...), năng lượng sinh khối, năng lượng khí sinh học từ chất thải, rác thải sinh hoạt... và sử dụng tiết kiệm năng lượng trong từng hộ gia đình và cộng đồng dân cư, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.
Theo tiến sỹ Trần Duy Khanh, trong bối cảnh nguồn cung cấp năng lượng ngày càng khó khăn, không đáp ứng kịp nhu cầu tăng trưởng thì việc lựa chọn năng lượng tái tạo, năng lượng sinh hoạt, năng lượng sinh khối... để thay thế một phần năng lượng từ than đá, dầu mỏ... là sự lựa chọn phát triển bền vững cho tương lai.
Trong hai năm 2012-2013, Liên minh năng lượng sẽ triển khai dự án gồm các hợp phần thiết lập và tăng cường năng lực cho Liên minh năng lượng; điều phối thực hiện quy hoạch năng lượng địa phương tại các cấp ở Việt Nam nhằm sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên ở Thái Bình; thúc đẩy và đóng góp việc xây dựng chính sách năng lượng bền vững.
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ Thuật Thái Bình đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân huyện và Hội Phụ nữ huyện Tiền Hải lựa chọn sáu xã là Nam Cường, Nam Hưng, Đông Hải, Đông Phong, Phương Công và Bắc Hải ở huyện Tiền Hải (Thái Bình) để khảo sát tiềm năng triển khai thực hiện thí điểm dự án.
Hợp phần 1 của dự án triển khai từ tháng 5/2012 đến cuối năm 2013 bao gồm các giai đoạn từ tháng 5-8/2012 chuẩn bị cho quy hoạch năng lượng địa phương; tháng 9/2012-8/2013 tiến hành thực hiện quy hoạch năng lượng địa phương ở hai xã được chọn (ứng dụng ít nhất 8 công nghệ năng lượng bền vững) và chuẩn bị kế hoạch năng lượng cấp huyện; tháng 8-9/2013 đánh giá và rút ra các bài học sau quá trình thực hiện và đến tháng 9/2013 quy hoạch năng lượng địa phương sẽ được áp dụng tại các xã, huyện khác và liên kết với quy hoạch năng lượng cấp tỉnh./.
Thanh Phú
- Sông Sài Gòn ô nhiễm do nước thải sinh hoạt
- Đồng bằng sông Cửu Long tìm giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu
- Việt Nam thiếu hụt năng lượng 10% vào năm 2015
- Các giải pháp cho ngôi nhà thân thiện môi trường
- Giảm khí thải carbon giúp phát triển du lịch đô thị
- UNDP đề xuất biện pháp để châu Á-Thái Bình Dương giảm nhanh lượng khí thải
- Xây dựng đề án quản lý kinh doanh tín chỉ cácbon
- Ngày hội Tái chế chất thải TP.HCM lần thứ 5 - năm 2012
- Giải pháp xử lý chất thải cho bệnh viện ở Việt Nam
- JICA hỗ trợ việc giảm thiểu phát thải khí nhà kính tại Việt Nam