Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường VEA: Quy hoạch năng lượng đang làm ngược

VEA: Quy hoạch năng lượng đang làm ngược

Viết email In

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam(VEA), ông Trần Viết Ngãi cho rằng từ quy hoạch than, quy hoạch điện và quy hoạch dầu khí hiện được làm ngược theo quy luật. Điều này ảnh hưởng lớn đến tình hình triển khai các dự án nguồn điện thuộc Tổng sơ đồ VII, dự kiến đi vào vận hành thương mại giai đoạn 2010-2020.  
 

Rà soát lại các dự án nguồn điện 

Theo thống kê của VEA, được công bố tại Diễn đàn năng lượng và dầu khí, đầu tư và phát triển bền vững, do Bộ Công Thương và VEA tổ chức tại Hà Nội ngày 9/5, duy nhất đến thời điểm này chỉ có một dự án Nhà máy thủy điện Sơn La (2400 MW) vượt tiến độ 3 năm so với kế hoạch đề ra trong Quy hoạch điện VII. Ba dự án đạt tiến độ vận hành thương mại (Thủy điện Đồng Nai 4, Nhiệt điện Mạo Khê và Nhiệt điện Quảng Ninh II). Các dự án chắc chắn chậm tiến độ, không đưa vào vận hành năm 2012 như kế hoạch là Nhiệt điện Vũng Áng I, Nhiệt điện An Khánh I và không thể vận hành thương mại cả Thủy điện Sông Tranh. 

Hàng chục dự án các nguồn điện quan trọng, công suất lớn của Tập đoàn Điện lực (EVN), Tập đoàn Dầu khí (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản (TKV) và các nhà đầu tư BOT, IPP khác đã xuất hiện khả năng chậm tiến độ hoặc chắc chắn không thể vận hành trong giai đoạn 2011-2015, nếu không có các biện pháp tích cực và quyết liệt. Một số dự án như Nhiệt điện Quảng Trị, Nhà máy điện chu trình hỗn hợp Ô Môn II …chưa xác định được chủ đầu tư. Dự án nhiệt điên Kiên Lương mới đây Bộ Công Thương đã yêu cầu tỉnh Kiên Giang có văn bản đề nghị Chính phủ tìm chủ đầu tư thay thế Tập đoàn Tân Tạo, vì không đủ năng lực tài chính. 

Theo ông Trần Viết Ngãi, hiện nay tổng công suất nguồn điện cả nước là 27.000 MW, điện lượng 100 tỉ kWh. Bình quân đầu người hơn 1000 kWh/năm. Đến năm 2020 là 330 tỉ kWh, năm 2030 là 695 đến 834 tỉ kWh. Từ mốc 100 tỉ kWh hiện hành đến mốc xấp xỉ 700 tỉ kWh không hề đơn giản. “Do vậy tôi gọi quy hoạch điện Tổng sơ đồ VII là viển vông”, ông Ngãi nói. Sự viển vông này được ông phân tích do tư liệu, số liệu phục vụ quy hoạch thiếu thống nhất, thiếu tin cậy và thiếu thẩm định. Cơ cấu, tỷ lệ đầu tư chưa hợp lý giữa các phân ngành, giữa các giai đoạn của quy hoạch và khi thực hiện thì mạnh ai nấy làm.

Cũng theo ông Ngãi, nền kinh tế đang suy giảm do sản xuất công nghiệp suy giảm bằng một nửa so với những năm trước nên nguy cơ thiếu hụt điện năng có giảm đi. Trường hợp sản xuất công nghiệp tăng trưởng 14% đến 15% thì nguy cơ thiếu điện là hiện hữu, trong khi các nhà máy điện mới không thể vận hành đúng tiến độ.

Ông Đỗ Hữu Hào, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, nay là Chủ tịch Hội Sử dụng năng lượng tiết kiệm, bổ sung rằng: “Năm 2007, khi phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020 , Thủ tướng lúc đó còn yêu cầu đặt tăng trưởng điện năng mỗi năm thêm 20%. Chúng ta chưa lường hết được những diễn biến kinh tế khó khăn như hiện nay”. 
 

Quy hoạch ngược 

Theo ông Ngãi, quy hoạch điện có trước rồi đến quy hoạch than, quy hoạch khí là ngược, vì muốn có quy hoạch điện hợp lý phải sau thời gian phê duyệt quy hoạch phát triển phân ngành năng lượng sơ cấp như than, dầu khí mới đồng bộ.

Cụ thể, năm 2011 có quy hoạch điện VII, nhưng đến đầu năm 2012 mới có quy hoạch ngành than. Còn quy hoạch dầu khí 2011-2020, chỉ có quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí đến 2015 được phê duyệt năm 2011.

Ngành than hiện nay đang đứng trước khó khăn. Không chỉ khó khăn trong nước là việc khai thác các mỏ lộ thiên hầu như đã cạn kiệt và phát triển các mỏ mới thì không có vốn. Theo ông Ngãi, năm 2011, Chính phủ giao cho TKV khai thác 55 triệu tấn than sạch, 28 mỏ mới và mở rộng khai thác 61 mỏ cũ. Mỗi mỏ cần đến 6-7 năm mới ra sản phẩm và đầu tư khoảng 400 triệu đô la Mỹ/mỏ thì làm sao TKV có đủ vốn và năng lực khai thác trong một khoảng thời gian ngắn. Điều đó dẫn tới Tổng sơ đồ điện VII, muốn thực hiện, thì các nhà máy nhiệt điện than thiếu than.

Nhu cầu than riêng cho ngành điện theo quy hoạch như sau: Năm 2020, công suất các nhà máy điện than là 36.000 MW, sản xuất được 154 tỉ kWh, tiêu thụ than là 67,3 triệu tấn. Năm 2030 con số tương tự là 75.000MW, sản xuất được 391 tỉ kWh, tiêu thụ than lên tới 171 triệu tấn.

Với tình hình khai thác hiện nay, dự báo từ năm 2014 ,khi các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân II, Duyên Hải I của EVN đi vào vận hành, ngành điện phải nhập than. Việc nhập than với số lượng ngày càng lớn là dành cho các nhà máy điện than có địa điểm xây dựng từ Hà Tĩnh trở vào.

Điện khí cũng đang mắc vì đường ống Lô B- Ô Môn được phê duyệt sẽ đưa vào vận hành năm 2014, nay công trình đang gặp khó khăn trong đàm phán với nhà thầu nước ngoài về chương trình đầu tư mỏ, giá khí, nên nhanh nhất đến 2016 mới có thể hoàn thành. Điều này ảnh hưởng đến việc phát triển Trung tâm điện lực Ô Môn.

Việc chậm tiến độ dự án Lô B Ô Môn cũng đồng nghĩa với việc không thể hòa khí đúng tiến độ dự án Lô PM3- Cà Mau, để hình thành lưới khí miền Tây Nam bộ nối mạng với lưới khí miền Đông Nam bộ, nhằm giảm giá thành khí. 

Ngọc Lan 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo