Ashui.com

Thursday
Apr 25th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường sống - Bài học từ vịnh Thái Lan

Cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường sống - Bài học từ vịnh Thái Lan

Viết email In

Trong suốt hành trình dọc vùng vịnh Thái Lan, nơi có đặc điểm sinh thái tương đối gần với Việt Nam, chúng tôi có nhiều trải nghiệm về những thách thức môi trường và sự phát triển. Ở đó, vai trò của người dân tham gia bảo vệ môi trường gần như có tính quyết định thành bại cho việc gìn giữ thiên nhiên.  
 

Hoang tàn vùng biển Tha Sala 

Tha Sala cách Bangkok hơn 900km, giờ là một vùng biển hoang tàn. Từng rặng dừa ngã gục, những ngôi nhà lầu kiên cố nghiêng đổ theo sóng biển, khắp vùng vọng lại tiếng gầm gừ giận dữ của những đợt sóng lớn nối tiếp vào bờ, xoá tất cả những gì trên đường bờ biển dài hơn 80km. Diện tích hơn 10.000 hecta gồm nhà ở, làng mạc, đầm tôm, đường sá… đã bị nuốt chửng chỉ trong năm năm, và biển vẫn tiếp tục ngày đêm lấn vào bờ.  

Thảm hoạ từ biển khơi 


Biển đang lấn dần vào bờ với cấp độ dữ dội ở Tha Sala (Ảnh: Lam Phong) 

Hiện tượng xói mòn tại quận Tha Sala thuộc tỉnh Nakhon Si Thammarat ở vịnh Thái Lan bắt đầu xảy ra từ năm 2005 và ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Sóng lớn cứ dồn dập đổ vào bờ và kéo đi những phần đất, sạt lở nghiêm trọng cho toàn khu vực. Trước khi nhà chức trách và các chuyên gia vào cuộc, cư dân trong vùng từng ngày sống trong thấp thỏm, và liên tục dọn nhà vào sâu trong đất liền để tránh sóng lớn. Gia đình Suchart gồm vợ và ba con nhỏ đã phải dọn nhà đến lần thứ năm mà đến nay những con sóng dạt vào chỉ còn cách nền nhà chưa đầy 5m. Suchart cho biết: “Các thế hệ trước của gia đình tôi đều sống trong vùng biển này, nhưng chưa bao giờ chứng kiến hay nghe kể về hiện tượng xói mòn. Nhà cũ ở ven biển và biển lúc đó cách ngôi nhà hiện tại hơn 500m. Rồi sóng lên đến đâu thì dọn nhà lấn vào đất liền đến đó. Năm nào cũng phải dọn nên cũng mệt mỏi, giờ đây, Suchart làm nhà tạm bợ che mưa nắng chứ không thể làm kiên cố được vì làm vững mấy cũng bị sóng cuốn trôi hết cả”. Không đủ tiền để làm đầm nuôi tôm, cả gia đình Suchart sống nhờ vào nghề đi biển. Anh nói thêm: “Mình là ngư dân, biển có lấn đến đâu thì cuộc đời cũng chỉ biết hướng ra biển”.

Phải gánh chịu sự xâm thực dữ dội của biển, Nakhon Si Thamarat những ngày qua lại đang chìm ngập trong mưa lũ. Nước lũ có nơi cao đến 2m đã phá huỷ hơn 250 ngôi nhà, cô lập hơn 1.000 dân, con số thương vong tính đến nay đã là 21 người. Dự báo những ngày tới tình hình mưa lũ ở cả khu vực miền nam Thái Lan vẫn diễn ra rất phức tạp, gây trở ngại nhiều cho công tác cứu hộ cứu nạn. 

Những người già trong vùng kể lại khu vực bị xói mòn ngày xưa là rừng ngập mặn. Khi phong trào nuôi tôm phát triển, diện tích rừng này bị xoá dần. Tôm đã đem lại một nguồn lợi lớn về kinh tế cho toàn vùng, biến ngôi làng hẻo lánh trở thành một thị tứ sầm uất, đường sá mở rộng, nhà cửa khang trang. Nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn, sóng biển tàn phá đi tất cả, với cấp độ ngày càng dữ dội hơn. Đứng trước vùng biển xác xơ, nhà cửa điêu tàn vì sóng dữ, Ukrit – một ngư dân ở làng Tampon Thapaya ngao ngán: “Tôi ở đây hơn 20 năm, nhà nằm ngay vùng rừng đước và nông trại dừa, sau phá đi làm đầm tôm, khoảng sáu năm trước thì sóng đánh bể đầm tôm, cuốn bay hết nhà cửa rồi”. 

Có không ít những nỗ lực lấy sức người để chống chọi với thiên nhiên như trường hợp của già Noi – một ngư dân ở làng Sra Boua của quận Tha Sala quyết tâm sống chết để bảo vệ phần đất chỉ rộng khoảng 120m2 của mình. Già Noi ngày ngày dùng cây rừng đóng cừ, nhặt đá, bọc lưới xếp quanh mảnh đất nhỏ ấy để ngăn chặn các đợt sóng xô vào. Năm năm rồi như thế, vùng đất của già Noi trước nằm sâu trong đất liền, giờ trơ như một cái mũi chĩa ra biển. Chẳng biết sự cầm cự của già Noi được bao lâu, già cố sức giữ đất, chỉ vì đó là phần đất từ mấy đời của cha ông để lại. 

Những cảnh báo… 

Những cảnh báo về sự sạt lở nghiêm trọng của vùng biển Tha Sala lại được phát hiện một cách tình cờ từ vị giáo sư Noppara của trường đại học Walailak khi ông làm một chuyến đạp xe địa hình – môn thể thao mà ông yêu thích – đến vùng biển này từ năm năm trước. Kinh ngạc khi nhìn thấy biển đang lấn dần vào đất liền, từ đó ông bắt đầu nghiên cứu về hiện tượng xói mòn, làm những chuyến thực địa để cảnh báo cho ngư dân và kêu gọi những tổ chức, những nhà khoa học nhập cuộc. 


Già Noi bên phần đất đang bị biển ăn dần
 (Ảnh: Lam Phong) 

Giáo sư Noppara kể lại: “Khi thấy ngư dân trong vùng đang khốn đốn vì bị biển lấn bờ, nhìn những ngôi nhà, những bàn thờ thiên của người dân đặt ngoài sân ngập chìm trong từng đợt sóng lớn, những đầm tôm cày nát tung, những rặng dừa bị xới tung gốc, tôi từ ngạc nhiên, đến giựt mình và sợ hãi vì chưa ai nói cho tôi biết, cũng chưa nghe qua một báo cáo hay tin tức gì về hiện tượng này. Và tôi hiểu, đó không chỉ là vấn đề nghiêm trọng của vùng Tha Sala mà còn là thảm hoạ của cả đất nước. Từ đó tôi liên tục cập nhật những nghiên cứu, bằng số liệu và hình ảnh để kêu gọi sự tham gia của các nhà khoa học, cùng tìm ra những giải pháp để ngăn chặn. Nhưng năm năm trôi qua, mọi biện pháp kháng cự lại thảm hoạ này rất chậm chạp. Đã có hơn năm tổ chức từ trung ương đến địa phương vào cuộc nhưng không đem lại kết quả, một phần do thiếu kinh phí, kế hoạch triển khai chậm, việc hợp tác giữa các bên không đồng nhất. Hoàng gia Thái Lan cũng đã công bố trong chương trình nghị sự về vấn đề này vào năm ngoái để đưa ra các biện pháp giải quyết nạn xâm thực của biển, nhưng cũng không mấy thành công. Gần như không một lời lý giải nào khả quan về việc ngăn chặn hiện tượng xói mòn này cả”. 

Theo suốt lộ trình hơn 80km ấy, giáo sư Noppara đưa tôi tiếp đến kênh điều nước mặn thuộc dự án Hoàng Gia được xây dựng từ hơn hai năm trước ở Preak Muang, nhưng nay cũng đã bị sóng đánh tan tành, con đường bờ kè đầy kiên cố rộng như một đường cao tốc cũng bị sóng đánh sạt lở nham nhở đến mức không thể sử dụng được nữa. Những ngôi nhà 2 – 3 tầng, với giá trị xây dựng gần 4 tỉ tiền Việt cũng không trụ nổi với sóng biển, tất cả đang bị nhận chìm dần theo từng ngày. 
 

Trông người mà nghĩ đến ta 

Theo nghiên cứu của viện Hải dương học Nha Trang và khoa địa lý đại học Khoa học tự nhiên: “Bờ biển Việt Nam với chiều dài 3.444km, có 29 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương nằm ven bờ biển. Bờ biển của tất cả các địa phương này đều đang bị xói lở ở các quy mô rất khác nhau… Qua xử lý ảnh vệ tinh, từ năm 1990 đến nay, hầu như toàn bộ đường bờ biển nước ta đều đang bị xói lở”. Những vùng bờ biển, hải đảo từ Phú Quốc, Cà Mau, Nha Trang, Phú Quý, Quảng Ninh… cũng đang ngày phải gồng mình những vấn đề tương tự ở vịnh Thái Lan. Dễ thấy những mối lợi trước mắt từ việc nuôi cá bè tràn ngập ở đảo Phú Quý, Quảng Ninh, việc bùng nổ du lịch lặn biển ngày ngày ngoài khơi vịnh Nha Trang, triệt hạ rừng đước để phục vụ du lịch ở mũi Cà Mau... Thế nhưng, đổi lại là hậu quả lâu dài: thảm san hô ngày bị thu hẹp, tình trạng sạt lở tràn lan. Trong khi đó, ý thức người dân trước các vấn đề môi trường… lại ít được đề cập. 

Bài học từ sạt lở 

Phá rừng ngập mặn làm đầm nuôi tôm, để đất bạc màu, bỏ trơ trọi không khai thác, tạo điều kiện thuận lợi cho biển xâm thực vào bờ là câu chuyện xảy ra ở Tha Sala của tỉnh Nakhon Si Thammarat (Thái Lan). Việt Nam đã và đang gặp tình trạng tương tự khi từ mười năm trước, những nhà môi trường đã lập một dự án về bản đồ sạt lở khu vực miền Trung bởi cấp độ biển xâm thực đất liền ngày một gia tăng đáng báo động. Ở miền Tây Nam bộ, những vùng bờ biển như Cà Mau, Trà Vinh cũng đang bị biển xâm thực từng ngày. 


Biển lấn bờ ở Tha Sala – câu chuyện tương tự với vùng biển Việt Nam
(Ảnh: Lam Phong) 

Mũi Cà Mau – vùng đất được đầu tư phát triển du lịch, từ năm 2000 đã xuất hiện những công trình bêtông với vốn đầu tư 9 tỉ đồng, ngân sách làm đường nội bộ 2,6 tỉ đồng và cái thấy được là những ngôi nhà bêtông mọc lên như Vọng Hải Đài, rồi con đường rộng 5m, dài 800m phục vụ du lịch… Những công trình này triệt hạ đáng kể lượng cây đước, con đường cũng biến thành đập chắn thuỷ triều khiến vùng cây đước xung quanh tàn lụi dần. Chưa kể những dự án thu hẹp rừng đước xây nhà nghỉ phục vụ du lịch. Và kết cục là khi bêtông hoá, rừng bị triệt hạ nên sóng biển lấn dần đất phù sa khiến mũi Cà Mau đang mất dần.

Theo một công bố của ông Nguyễn Long Hoai – chi cục trưởng chi cục Thuỷ lợi tỉnh Cà Mau, thì: “Tình hình sạt lở đã và đang diễn ra trên nhiều nơi ở các tuyến bờ biển của Cà Mau, và khu vực mũi Cà Mau chỉ là điển hình”. Giải pháp xử lý thì sao? Người ta loay hoay xây kè giữ đất, rồi cũng bị sóng biển cuốn trôi. Sau đó, cắm thân dừa dày đặc rồi đổ đất bên trong, cũng bị sạt lở. Tương tự như cách giải quyết vấn đề sạt lở ở Tha Sala, hàng núi tiền với những dự án xây kè chắn sóng của chính phủ, của hoàng gia, đều tan tành trước sức mạnh của biển. Ở Cà Mau người ta cũng đang đi theo lối của Thái Lan, còn người dân thì bất lực nhìn sóng biển mỗi ngày liếm dần đất mũi. Các công trình xây kè chắn sóng không mấy khả thi mà nguyên do chính được báo cáo là chủ yếu do thời tiết. Đã từng có một dự toán làm kè ước tính 90 tỉ đồng/km và mới đây nhất, vào trung tuần tháng 4/2011, một dự án thiết kế bờ kè tại mũi Cà Mau với ước tính kinh phí xây dựng khoảng 30 tỉ đồng. 

Nguyên do của sạt lở ở Việt Nam thường dồn cho thiên tai, tác động của con người lại ít được nhắc đến. Việc tàn phá rừng ngập mặn (Cà Mau), khai thác cát biển làm vật liệu xây dựng, lấy sa khoáng (bờ biển miền Trung, Thanh Hoá), việc xây đập thuỷ điện tại các dòng sông cũng làm giảm lượng trầm tích đổ ra biển, khiến cho năng lượng sóng giải phóng và dồn thẳng vào bờ gây sạt lở nghiêm trọng.

Ý thức từ cộng đồng 

Những vấn đề môi trường gặt hái được thành công như câu chuyện dân chài Na Thab dùng đước lấn biển, người dân Chumphon dùng dự án nuôi sò móng cọp ngăn chặn việc xây dựng nhà máy sản xuất năng lượng hạt nhân, việc bảo tồn cây hành nước ở Ranong… đều có chung điểm nhấn nổi bật, đó là sự chung sức từ chính người dân địa phương. Khi đối diện với những vấn đề thực tại về môi trường gây ảnh hưởng đến cộng đồng, người dân tự đứng ra bảo vệ môi trường sống cho họ trước khi những vấn đề ấy được nhà chức trách quan tâm. 

Người dân ở vùng vịnh Thái Lan không phải ai cũng hiểu biết những kiến thức sách vở về môi trường. Trước những nguy cơ xâm hại đến môi sinh, họ tự tìm cách khắc phục. Chỉ người dân mới hiểu được họ đang cần gì, muốn gì từ môi trường sống của họ. Rừng đước Na Thab từng bị tận diệt, việc lấn biển thành công hôm nay nhờ kết quả từ chính cộng đồng của làng suốt 20 năm qua. Sò móng cọp ở Chumphon từng là thực đơn khoái khẩu trong các nhà hàng địa phương, khi có dự án năng lượng hạt nhân thì người dân biết chung tay bảo tồn và nhân rộng giống sò quý hiếm để giữ an toàn cho phần đất của họ. 

Việc khai thác vẻ đẹp và môi trường sống trong sạch của cây hành nước làm du lịch sinh thái ở Ranong gắn liền với việc bảo tồn cây hành nước, cũng chính người dân địa phương tự làm. Khác với kiểu khai thác du lịch một chiều, tức là chỉ khai thác, xây dựng những dịch vụ trên vùng đất có tiềm năng du lịch để thu lợi trước mắt mà quên đi ý thức bảo tồn. Hậu quả lâu dài sẽ khó khắc phục, câu chuyện mũi Cà Mau là ví dụ điển hình. Những bài học thành công từ sự góp sức của cộng đồng ở vịnh Thái Lan nghe đơn giản, nhưng không dễ áp dụng vào những vùng tương tự ở Việt Nam khi mà ý thức cộng đồng về môi trường sống của chính mình còn nhiều thụ động và hạn chế. 

Lam Phong (Sài gòn Tiếp thị - tiêu đề do Ashui.com đặt) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo