Nâng cao đập hồ Dầu Tiếng, xây thêm đê bao, cống lớn, cống nhỏ ngăn triều, nạo vét kênh, xây hồ điều hòa … là các giải pháp được đề xuất để giảm lũ lụt cho hạ du sông Sài Gòn. Tuy nhiên tổng vốn thực hiện các công trình này là quá lớn, lên đến hàng trăm ngàn tỉ đồng.
Tại hội thảo về hỗ trợ kỹ thuật phòng chống lũ hạ du sông Sài Gòn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng 26/7, đại diện Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam cho biết chỉ riêng xây dựng hệ thống 19 cống ngăn triều để chống ngập cho khu vực kẹp giữa sông Sài Gòn – Vàm Cỏ Đông và khu vực kẹp giữa sông Sài Gòn – Đồng Nai thì phải cần đến gần 59.000 tỉ đồng.
Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam thì vấn đề lớn nhất hiện nay chính là nguồn vốn cần triển khai các giải pháp chống ngập cho hạ du sông Sài Gòn quá lớn và trình tự triển khai các giải pháp này ra sao khi nguồn vốn còn hạn chế cũng là vấn đề đáng quan tâm.
Theo ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng quản lý thoát nước thuộc Trung tâm chống ngập nước TPHCM, theo quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho TPHCM được Chính phủ phê duyệt năm 2008 thì khối lượng công trình đầu tư rất lớn gồm 146 km đê bao, 10 cống kiểm soát triều lớn, cải tạo 9 trục tiêu thoát nước dài 109 km với tổng mức đầu tư đến 48.440 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Long, đến nay sau 5 năm mới chỉ hoàn thành 27 km đê bao, đang thi công cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc – Thị Nghè và nạo vét kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên với chiều dài 22 km, các công trình còn lại vẫn đang chờ đầu tư và hiện rất khó tìm kiếm nguồn vốn để xây dựng.
Cũng theo ông Long, đến năm 2020 thành phố phải cần xây dựng hoàn chỉnh 6.000 km cống, mương thoát nước mới hy vọng giải quyết triệt để tình trạng ngập úng khi xảy ra triều cường, mưa và xả lũ. Đến nay mới xây được 3.200 km cống, mương, còn lại gần 2.800 km cống, mương chưa đầu tư xây dựng và bài toán còn lại vẫn là kinh phí thực hiện.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, trong những năm gần đây với tình hình thời tiết diễn biến khó lường thì những trận mưa có lưu lượng lớn trên 100 mm xuất hiện nhiều hơn, mưa lớn kết hợp triều cường trên sông Sài Gòn cộng với xả lũ ở các hồ thượng nguồn đã gây ngập úng nhiều khu vực ven sông Sài Gòn.
Một số dự án thoát nước, giảm ngập, công trình thủy lợi vẫn còn chậm thi công do khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Nhiều dự án nạo vét kênh rạch chưa thể triển khai … và một trong những nguyên nhân chính là hạn chế về nguồn lực, kinh phí.
Không chỉ khu vực TPHCM mà nhiều khu vực ven sông Sài Gòn thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương cũng chịu ảnh hưởng lũ lụt khi hồ Dầu Tiếng xả lũ.
Tại hội thảo sáng nay, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương cho rằng có thể khả năng tải nước trên sông Sài Gòn bị suy giảm rất nhiều; bằng chứng là trước năm 2000 hồ Dầu Tiếng xả lũ 500 m3/giây Bình Dương vẫn không hề hấn gì, thế nhưng lần xả lũ hồ Dầu Tiếng tháng 10-2012 với lưu lượng 200 m3/giây chỉ trong vài giờ mà 320 héc ta huyện Dầu Tiếng đã bị ngập nặng.
Trong khi đó, tuyến đê bao An Tây – Phú An và Tân An Chánh Mỹ đã được xây từ những năm 1995 nay đã xuống cấp, thường bị tràn do triều cường, xả lũ hồ Dầu Tiếng đã gây ngập úng cho xã An Tây, Phú An và thành phố Thủ Dầu Một.
Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Dương đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm đầu tư sửa chữa, nâng cấp tuyến đê này. Ngoài ra, phía Bình Dương còn đề nghị xây thêm 33 km đê bao để chống ngập cho 925 héc ta đất nông nghiệp ven sông Sài Gòn khi hồ Dầu Tiếng xả lũ.
Trước những đề xuất trên, ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng phải thừa nhận rằng trong điều kiện hiện nay, một trong những vấn đề khó nhất để triển khai các giải pháp chống lũ lụt cho hạ du sông Sài Gòn vẫn là kinh phí, cần phải huy động từ rất nhiều nguồn.
Cũng tại hội thảo, Viện Quy hoạch thủy lợi Miền Nam đưa ra phương án ứng phó cho khu vực hạ du sông Sài Gòn trong trường hợp sự cố vỡ đập hồ Dầu Tiếng.
Theo đó, khi hồ Dầu Tiếng xả lũ trên 500 m3/giây thì mực nước sông Sài Gòn tại Thủ Dầu Một và Phú An vượt báo động 3; khi xả lũ mức 2.800 m3/giây (mức xả để bảo vệ đập hồ Dầu Tiếng) thì có khoảng 26.000 héc ta thuộc 111 xã phường tại Bình Dương và TPHCM với khoảng 620.000 dân bị ngập úng. Còn ứng với mức xả lũ do vỡ đập thì khoảng 34.000 héc ta thuộc 125 xã phường với khoảng 650.000 dân bị nguy cơ ngập úng (chủ yếu phía thượng lưu Rạch Tra).
Qua trao đổi với phóng viên tại hội thảo, ông Lê Xuân Bảo, Phó Giám đốc Đại học Thủy lợi cho biết qua nghiên cứu thì rất khó xảy ra khả năng sự cố vỡ đập hồ Dầu Tiếng, xác suất 10.000 năm xảy ra một lần.
Mặc dù vậy, theo ông Lê Văn Công, một chuyên gia ngành thủy lợi tại TPHCM sự cố tại hồ Dầu Tiếng là rất khó nói trước, bằng chứng là cửa đập hồ Dầu Tiếng cũng đã từng bị vỡ một lần hồi năm 1986 gây ngập cho nhiều khu vực hạ du sông Sài Gòn.
Do vậy, để giảm áp lực lũ lụt cho hạ du khi hồ Dầu Tiếng xả lũ lớn, Viện quy hoạch thủy lợi đề xuất phương án nâng cao đập hồ Dầu Tiếng thêm 1 mét để nâng dung tích chứa của hồ Dầu Tiếng 395 triệu m3 với tổng kinh phí 1.972 tỉ đồng.
Song song với việc nâng cao trình đập hồ Dầu Tiếng, phải thực hiện thêm giải pháp nâng cao đê cả 2 bờ ven sông Sài Gòn với cao trình đê từ 2,6 đến 8 mét với tổng kinh phí 20.384 tỉ đồng. Chưa kể cần phải nạo vét kênh phân lũ qua sông Vàm Cỏ Đông và các tuyến kênh khác cũng mất thêm gần 20.000 tỉ đồng.
Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay thì việc sớm đầu tư các công trình để giảm ngập úng, chống lũ lụt cho hạ du sông Sài Gòn là cần thiết. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, với những khoản vốn đầu tư khổng lồ được đề xuất như trên liệu không biết bao giờ các công trình chống lũ lụt này mới có thể triển khai được?
Văn Nam
- Báo động ô nhiễm không khí
- TPHCM thích ứng với biến đổi khí hậu: Thách thức và thời cơ
- Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường còn nhiều kẽ hở
- Cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường sống - Bài học từ vịnh Thái Lan
- Việt Nam khởi đầu Chương trình UN-REDD giai đoạn II
- An toàn bức xạ là tiêu chí với nhà máy điện hạt nhân
- Quy hoạch sử dụng đất tại TPHCM: Những khuyến nghị thích ứng với biến đổi khí hậu
- Đề nghị chi không dưới 2% ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường
- Áp dụng công cụ tài chính giảm thiểu rủi ro thiên tai
- Chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường: Khó đạt chỉ tiêu