Người dân Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) đang hàng ngày, hàng giờ sống chung với hàng trăm loại mùi hôi thối, hàng trăm ngàn tấn rác thải đang ùn ứ tại cửa biển nơi này.
Sống chung với rác
Nhiều người biết đến Ngư Lộc bởi nơi đây nổi tiếng với Lễ hội cầu ngư làng Diêm Phố (xã Ngư Lộc ngày nay), nổi tiếng bởi cả một xã chỉ có diện tích 0,46km2 nhưng có tới gần 17.000 nhân khẩu với 3.200 hộ cùng sinh sống, nổi tiếng bởi đây là một trong những địa phương có mật độ dân số cao nhất Việt Nam, khoảng 36.000 người/km2, với diện tích trung bình chỉ có 22m2 đất/người.
Ở Ngư Lộc phổ biến là những căn nhà rộng chừng hơn 30m2 cho 6 nhân khẩu sinh sống. Bên cạnh đó, cũng có không ít những ngôi nhà chỉ rộng hơn 20m2, thậm chí chỉ rộng chưa đầy 10m2.
Không có đất nông nghiệp nên gần 17.000 con người ấy sống bằng nghề khai thác hải sản trên biển, hậu cần nghề cá và dịch vụ thương mại. Toàn xã hiện có 315 tàu thuyền đánh bắt hải sản ngoài khơi, thu hút trên 2.500 lao động trực tiếp. Kéo theo đó là các dịch vụ hậu cần nghề cá, dịch vụ thương mại phát triển, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân, các nghề này sử dụng một lượng lớn túi nilông, bao bì, thùng xốp, chất rắn... đựng các mặt hàng nên lượng rác thải, nước thải hàng ngày là rất lớn.
Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân xã Ngư Lộc, mỗi ngày người dân nơi đây thải ra môi trường trên dưới 7 tấn rác thải. Do không có đất để quy hoạch thành bãi rác, nên toàn bộ số rác này được tống ra biển, gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng. Hàng nghìn m3 rác thải dồn ứ, chất thành đống dọc theo mép biển.
Loay hoay tìm giải pháp
Trước thực trạng trên, hết năm này đến năm khác, chính quyền xã Ngư Lộc đã nhiều lần đề nghị các cấp, các ngành hỗ trợ, tạo quỹ đất để xã xây dựng một bãi rác, nhưng chưa được.
Bà con trong xã Ngư Lộc cho biết chỉ còn trông chờ vào nhà máy xử lý rác thải dự kiến đặt tại xã Minh Lộc (xã biển nằm kế bên Ngư Lộc), tuy nhiên, dù năm 2010 Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt "Dự án Xây dựng công trình xử lý rác và chất thải ở các xã vùng biển của huyện Hậu Lộc" với mức kinh phí lên tới 9 tỷ đồng đặt tại xã Minh Lộc, nhưng hiện tại, công trình này chưa được xây dựng.
Chính quyền và người dân Ngư Lộc cũng đã nhiều lần đề nghị cấp trên điều chỉnh quy hoạch, cắt một phần đất của các xã lân cận cho Ngư Lộc làm đất ở, làm bãi rác, hoặc mạnh dạn quai đê lấn biển để tạo quỹ đất cho địa phương. Nhưng mọi kiến nghị của Ngư Lộc đều rơi vào im lặng...
Ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ngư Lộc cho biết thời gian gần đây, Ủy ban Nhân dân xã đã thực hiện phương án thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trong nhân dân về nơi tập kết rác theo quy định. Mỗi nhân khẩu trong xã đồng ý đóng 7.000 đồng/người/tháng để thuê xe chở rác đi nơi khác tiêu hủy, đồng thời xã cũng vận động người dân không đổ rác thải ra biển nữa. Tuy nhiên, số tiền 7.000đồng/người/tháng này mới chỉ đủ để hàng ngày nạo vét các tuyến đường, rãnh thoát nước trong xã, 2 cống qua đê, thu gom và vận chuyển rác sinh hoạt hàng ngày ra khỏi địa phương. Còn khó khăn lớn nhất hiện nay chính là kinh phí dành cho việc thu gom, xử lý và vận chuyển rác tồn đọng tại tuyến đê biển đi nơi khác xử lý.
Cũng đã nhiều lần Ủy ban Nhân dân xã Ngư Lộc đã có công văn gửi Ủy ban Nhân dân huyện Hậu Lộc xin mức kinh phí xử lý, vận chuyển rác tuyến đê biển khoảng 450 triệu đồng và hỗ trợ kinh phí xử lý môi trường hàng năm nhưng vẫn chưa có phúc đáp của Ủy ban Nhân dân huyện.
Hiện nay, mong mỏi lớn nhất của người dân cũng như chính quyền xã Ngư Lộc là mau chóng có sự chung tay giúp sức, sự vào cuộc kịp thời của các cấp chính quyền cao hơn để giải tỏa đống rác hơn 1.000m3 dọc ven biển nơi đây, trả lại cho Ngư Lộc một môi trường sống trong lành./.
Hoa Mai
- Tiết giảm chi phí năng lượng cho các nhà cao tầng
- Hòa cùng thiên nhiên với GDP xanh
- Tăng trưởng GDP 1%, ô nhiễm môi trường làm thiệt hại 3% GDP
- Nan giải quản lý rác dân lập
- Vĩnh Phúc đứng trước nguy cơ "ngập" trong rác thải
- Cần thống nhất ứng phó biến đổi khí hậu ở ĐBSCL
- Doanh nghiệp và trách nhiệm với môi trường
- Hài hòa lợi ích để phát triển bền vững
- Kiến nghị rà soát lại dự án thủy điện Đồng Nai 6, 6A
- Miền Trung - Bức tử những dòng sông