Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Nan giải quản lý rác dân lập

Nan giải quản lý rác dân lập

Viết email In

Tại TPHCM, có khoảng 7.000 tấn rác thải sinh hoạt phải tiếp nhận và xử lý hàng ngày. Thế nhưng, có đến 60% tổng lượng rác này do lực lượng thu gom rác dân lập thu gom. Điều này đã tồn tại từ rất lâu và gây ra nhiều hệ lụy.

Việc cá nhân sở hữu các đường dây rác đã không đảm bảo được điều kiện lao động tối thiểu cho người lao động, không có sự phân công hợp lý để đảm bảo việc thu gom thông suốt, liên tục. Hơn nữa, chất lượng vệ sinh trên địa bàn TP cũng không được đảm bảo.

Rối như tơ vò

Không biết người thuê mình

Theo chân chị Nguyễn Thị Tươi, công nhân thu gom rác dân lập trên địa bàn quận 10, TPHCM, chúng tôi mới hiểu được phần nào công việc khó khăn mà vợ chồng chị đang đeo đuổi. Chị Tươi là người phụ nữ gom rác “đặc biệt” được nhiều người chú ý. Lý do là  tại thời điểm đó, dù bụng bầu vượt mặt (tháng thứ 7), chị vẫn thoăn thoắt leo 3 tầng lầu chung cư Ấn Quang, gom rác trên tuyến đường Lê Hồng Phong (quận 10). Trông cảnh bà bầu đẩy xe rác nặng gần 700kg, người dân đều lắc đầu lè lưỡi. Hiện chị Tươi vẫn tiếp tục công việc này, trung bình mỗi ngày đẩy khoảng 6 xe.

  • Ảnh bên: Thu gom rác dân lập tại quận Gò Vấp (Ảnh: Cao Minh)

Chỉ vào chiếc xe đẩy xộc xệch, chị Tươi nói: “Tôi tự bỏ tiền túi sửa nhiều lần rồi. Mỗi lần sửa cũng hết vài trăm ngàn đồng. May thì được chủ đường dây rác thanh toán tiền, còn không thì phải tự gánh”. Được biết, thu nhập mỗi tháng của chị Tươi khoảng 2 triệu đồng, không có phụ cấp nào khác. Còn các chế độ như bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, bệnh tật… hoàn toàn không có. Thậm chí, chị còn không biết người chủ thực sự đang thuê và trả lương hàng tháng cho mình là ai.

Đó cũng là tình cảnh của rất nhiều người thu gom rác dân lập đang làm việc cho các chủ đường dây rác trên địa bàn TP. Phần lớn họ được giới thiệu và làm việc qua một người môi giới khác. Đến tháng, sẽ có người tìm đến họ để đưa số tiền như đã thỏa thuận bằng… miệng. Trường hợp người lao động gặp rủi ro, tai nạn hay bệnh nghề nghiệp đều phải tự chịu.

Ông Trần Thanh Son, Chủ tịch LĐLĐ quận 10 TPHCM, cho biết: Thực trạng người thu gom rác không được đảm bảo các quyền lao động không phải chuyện lạ. Chính quyền địa phương đã biết nhưng việc giải quyết lại không dễ. Phần lớn những người này tự thỏa thuận làm việc cho các chủ đường dây rác mà không đòi hỏi chế độ cơ bản như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Họ cũng biết mình thiệt thòi nhưng vẫn chấp nhận vì đó là chén cơm manh áo của gia đình. Hiện nay, vào các dịp lễ, tết, chúng tôi chỉ biết chia sẻ với họ bằng cách tổ chức thăm hỏi, tặng quà các hộ công nhân thu gom rác dân lập.

Thực hiện “chuyển nhượng”

Trên thực tế, tình trạng trên tồn tại hàng chục năm qua. Các đường dây thu gom rác do một đầu nậu nắm giữ. Việc chuyển nhượng qua lại đường dây rác luôn diễn ra nhưng các đầu nậu rác không thực hiện kê khai hoặc đăng ký. Đại diện một công ty thu gom xử lý môi trường cho biết, để được sở hữu và khai thác đường dây rác tại quận Tân Phú, họ đã phải mua lại. Hình thức mua được tính là cho phép chủ đường dây rác cũ thu tiền rác của người dân khu dân cư trong vòng 2 năm. Còn rác sẽ do công ty thu gom. Sau 2 năm, đường dây rác đó mới được chuyển giao hoàn toàn cho công ty thu gom xử lý môi trường quản lý, thu tiền. Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh thêm, hoạt động này chỉ là sự thỏa thuận giữa hai bên. Một số ý kiến cho rằng, trước đây chủ đường dây rác nhận chuyển nhượng với mức giá khá cao, nên việc hoàn lại vốn mua cho họ là hợp lý.

Đồng thuận với ý kiến này, bà Nguyễn Kim Hoa, Chủ nhiệm Hợp tác xã Vệ sinh môi trường liên minh quận Thủ Đức cho biết, hợp tác xã có 67 thành viên, đa số họ là chủ của các đường dây rác và những người đang được thuê để thu gom rác trong khu dân cư. Để sở hữu một đường dây rác, đa phần các chủ đường dây rác đều phải mua lại từ các chủ khác. Họ không biết những người chủ trước kia tồn tại khi nào, chỉ biết rằng từ trước khi miền Nam hoàn toàn giải phóng thì đã có các chủ đầu nậu quản lý và thu gom rác tại các khu dân cư. Vì đã “mua” nên đường dây rác được xem như tài sản riêng của họ. Vậy khi có bất kỳ sự thay đổi nào liên quan ảnh hưởng đến tài sản này của họ, cơ quan chức năng nên xem xét yếu tố lịch sử. Nếu cơ quan quản lý đưa lực lượng chính quy vào thu gom rác mà không có sự thương thảo sẽ dễ xảy ra mâu thuẫn. Còn nếu nhà nước mua lại đường dây rác với giá thỏa thuận hợp lý, sẽ tạo điều kiện hỗ trợ lực lượng thu gom rác dân lập có một chỗ làm mới như tại Công ty Dịch vụ công ích, các chủ đường dây rác sẽ chuyển nhượng.

UBND quận 12 vừa buộc ngưng hoạt động thu gom rác thải sinh hoạt của tổ thu gom rác dân lập do bà Nguyễn Thị Chắt làm chủ. Nguyên nhân là trong quá trình hoạt động, tổ thu gom rác của bà Nguyễn Thị Chắt đã liên tục để xảy ra nhiều sai phạm. Cụ thể, tổ thu gom rác đã không hợp tác với UBND phường Thạnh Lộc, Thạnh Xuân và An Phú Đông trong việc thống kê, phân loại, báo cáo và ký hợp đồng với các chủ nguồn thải đang thu gom; thu gom rác không đảm bảo thời gian biểu, chậm trễ gây tồn đọng rác, ô nhiễm môi trường khu dân cư; tự ý thu mức phí sai với quy định mức phí do TP ban hành; không nộp phí đầy đủ cho chính quyền địa phương. Hiện tại, UBND quận 12 đã đình chỉ hoạt động thu gom rác tại các phường Thạnh Lộc, Thạnh Xuân và An Phú Đông của tổ thu gom rác dân lập này; đồng thời, giao Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 12 tổ chức thu gom thay thế.

 

Chuyển dần lên chính quy

Không chỉ không đảm bảo yêu cầu về vệ sinh môi trường, 100% lực lượng thu gom rác dân lập hiện nay sử dụng trang thiết bị lạc hậu. Muốn cải thiện chất lượng vệ sinh và đồng bộ hóa trang thiết bị thu gom rác, nhất thiết phải chuyển đổi lực lượng này theo hướng chính quy. Tuy nhiên, việc thực hiện lại không đơn giản.

Phân loại đường dây rác

Theo bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Giám đốc Tổ chức hành động vì môi trường và phát triển Việt Nam, để có thể quản lý được lực lượng thu gom rác dân lập, cần phải công nhận quyền chuyển nhượng đường dây rác và phân loại hình thức hoạt động của các đường dây rác để chuyển hóa tổ chức quản lý. Cụ thể, đối với việc công nhận sang nhượng đường dây rác, đây là cách nhà nước công nhận công sức gây dựng lên đường dây rác như một tài sản vô hình của người thu gom rác dân lập. Việc công nhận này cần bổ sung luôn vào văn bản “quy định quản lý và tổ chức hoạt động lực lượng thu gom chất thải rắn thông thường tại nguồn trên địa bàn thành phố” mà Sở TN-MT TPHCM đang trình HĐNDTP phê duyệt. Cách làm này sẽ là cơ sở để chủ đường dây rác đăng ký chính thức với chính quyền để được bảo vệ quyền lợi và cũng dễ dàng cho chính quyền quản lý khi họ thực hiện sang nhượng.

  • Ảnh bên: Phương tiện thu gom rác dân lập cần được đầu tư nhiều hơn. (Ảnh: Cao Minh)

Đối với việc phân loại hình thức hoạt động, hiện có loại hình chủ yếu như hợp tác xã, nghiệp đoàn, tổ thu gom rác, công ty tư nhân thu gom rác và chủ đường dây rác hoạt động tự do. Trong đó, chủ đường dây rác hoạt động tự do chiếm đa số. Từ cơ sở này, trước hết có thể chọn những đường dây rác có quy mô lớn, đủ khả năng tài chính liên kết hoặc tự thành lập công ty tư nhân. Công nhân được thuê làm tại công ty sẽ được đảm bảo điều kiện chính sách lao động. Về phía chính quyền sẽ hỗ trợ họ bằng những giải pháp kinh tế như miễn giảm thuế, hỗ trợ thủ tục hành chính và tài chính để mua lại đường dây rác và tái đầu tư trang thiết bị phù hợp. Riêng với những chủ đường dây rác quy mô nhỏ hoặc vừa, không có khả năng lập công ty thì có thể định hướng để chuyển đổi sang những hình thức như tổ hợp tác, tổ tự quản, hợp tác xã, nghiệp đoàn… dưới sự quản lý của chính quyền địa phương.

Ông Ngô Thông Định, Chủ tịch Hợp tác xã dịch vụ thương mại Thông Hiệp Phát cho biết, bản thân những người hoạt động trong lĩnh vực thu gom rác dân lập cũng rất mong các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội quan tâm hỗ trợ để được chuyển đổi lên lực lượng chính quy. Bởi xét cho cùng, đây là một ngành nghề khó nhọc, nhiều nguy hiểm và nếu không dần chuyển sang chính quy thì thiệt thòi vẫn là người thu gom rác dân lập. Tuy nhiên, ngoài các chính sách hỗ trợ thiết thực như trên, kiến nghị cơ quan chức năng nâng mức phí thu gom lên cao hơn so với mức phí thực tại là 15.000-20.000 đồng vì mức phí này đã lỗi thời, nhất là khi giá cả tăng.

Gỡ khó từng bước

Ông Lê Trung Tuấn Anh, Trưởng phòng Quản lý chất thải rắn, Sở TN-MT cho biết, sở đang thí điểm chính quy hóa từng bước lực lượng thu gom rác dân lập bằng cách thành lập mô hình hợp tác xã và nghiệp đoàn rác. Hiện đã hình thành 15 hợp tác xã và 5 nghiệp đoàn rác. Tuy nhiên, bước đầu do chính sách còn nhiều bất cập nên các hợp tác xã thành lập không được hỗ trợ chi phí thành lập là 30 triệu đồng như các hợp tác xã nông nghiệp. Một số hợp tác xã vừa mới hình thành nhưng đang có nguy cơ giải thể vì không đảm bảo chi phí thực hiện. Có những hợp tác xã thời gian đầu còn đóng bảo hiểm y tế cho xã viên nhưng về sau chỉ hỗ trợ hoặc không đóng luôn vì nguồn thu phí quản lý không đủ.

Hiện ban quản lý hợp tác xã chỉ được giữ lại 2% trong 10% phí quản lý, số còn lại phải đóng cho phường. Đến nay đã có 3/15 hợp tác xã và 3 nghiệp đoàn rác đã giải thể. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ chính quy hóa lực lượng thu gom rác dân lập. Về phía sở đã trình UBND TP chính sách hỗ trợ vốn cho các xã viên thay đổi trang thiết bị thu gom rác. Đồng thời cho phép thay đổi mức phí thu gom rác vốn đã lạc hậu, tạo điều kiện tăng nguồn phí quản lý cho các hợp tác xã hoạt động. Tuy nhiên, đến nay những chính sách hỗ trợ trên chưa được thông qua.

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền nhấn mạnh thêm, ngoài việc khắc phục những bất cập trên, cần chuẩn hóa vai trò và trách nhiệm của UBND phường xã, quận và thành phố trong công tác quản lý, thống nhất hoạt động thu gom rác trên địa bàn. Trong đó, vai trò UBND phường xã là quan trọng nhất. UBND phường xã thực hiện giám sát việc thực hiện hợp đồng, chất lượng và mức phí thu gom rác giữa chủ đường dây rác và hộ gia đình. Đồng thời, giải quyết tốt tranh chấp giữa các tổ chức, cá nhân thu gom rác trên địa bàn mình quản lý.

Với cấp quận huyện cần đảm bảo cơ chế phối hợp giữa công ty công ích quận huyện và các lực lượng thu gom rác dân lập. Từng bước giảm dần đầu mối quản lý thu gom rác dân lập và chuyển sang hoạt động chính quy thông qua chính sách hỗ trợ kinh tế nêu trên. Về phía thành phố sớm có chính sách hỗ trợ để các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực này được đầu tư, cải tạo trang thiết bị, tăng nguồn thu để bù đắp chi phí hoạt động. Nếu có sự phối hợp đồng bộ như vậy thì mới mong có thể chuyển đổi dần mô hình thu gom rác thải tự phát sang có tổ chức và quản lý của cơ quan chức năng. Từ đó, nâng chất lượng quản lý, thu gom và xử lý rác thải.

Minh Xuân - Thi Hồng


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo