Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Công trình xanh - Rất cần tiếp liệu cho bệ phóng

Công trình xanh - Rất cần tiếp liệu cho bệ phóng

Viết email In

Nhìn ra nước ngoài: Xu hướng tất yếu 

Hiện nay, xu hướng thiết kế về bền vững và tiết kiệm năng lượng đang trở thành một con đường tất yếu của các quốc gia trên thế giới khi bài toán tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường cho các thế hệ mai sau trở thành vấn đề mang tính sống còn, đặc biệt khi các nguồn năng lượng sinh ra bởi điện hạt nhân, đập thủy điện, hay nhiên liệu dầu mỏ hay than đá sẽ bị cắt giảm do cạn nguồn hay quá ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người. Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ (USGBC) thành lập năm 1993, và Hội đồng công trình xanh thế giới (World GBC) thành lập năm 1999 với tôn chỉ cổ súy và phát triển các công trình tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.  

Ngày nay, với hơn 77 phân bang khu vực và hơn 13,000 tổ chức thành viên, USGBC được xem là một trong những nhà tiên phong trong lĩnh vực này. Tác động của tổ chức này, thông qua liên kết với GBCI (Green Building Certification Institute), đã thiết lập nên một hệ thống đào tạo và đánh giá công trình xanh phổ biến trên thế giới, với tên gọi Leadership in Energy and Environmental Design (LEED) rating systems. Hệ thống này hệ thống một loạt các tòa nhà các loại, bao gồm cả các tòa nhà thương mại, nhà ở, khu dân cư, các trung tâm thương mại, bán lẻ, y tế và trường học, cũng như tất cả các giai đoạn của vòng đời xây dựng, bao gồm thiết kế, xây dựng, vận hành và bảo trì. Các dự án có thể đạt được một trong bốn cấp độ chứng nhận LEED (chứng nhận, bạc, vàng hoặc bạch kim) bằng cách đạt được một số lượng điểm cơ bản nhất định (POINTS) trong hệ thống đánh giá. Đối với Hoa Kỳ, hệ thống này đã được đề cập rõ ràng trong chương trình đào tạo kiến trúc sư. Một kiến trúc sư Mỹ gần như phải được công nhận song song bởi AIA (Hiệp hội Kiến trúc Mỹ) và USGBC (Hội đồng công trình xanh Hoa Kỳ) bởi chứng chỉ LEED AP with Specialty (Chuyên viên về LEED- gọi tắt là LEED AP) hoặc thấp hơn là LEED Green Associates (Liên kết xanh). Song song đó, chính phủ Hoa Kỳ đã đưa các yêu cầu về Thiết kế bền vững và thân thiên môi trường vào các tiêu chí xây dựng, cụ thể, Cơ quan Hành chính dịch vụ công ích Hoa Kỳ (GSA), cơ quan quản lý các hoạt động của các tòa nhà liên bang đã yêu cầu các tòa nhà liên bang phải đạt chứng chỉ Certified (Chứng nhận) của LEED từ 2003 và phải đạt chứng chỉ Vàng (LEED Gold Ceritificate) từ năm 2010 trở lên (nguồn: www.leeddaily.com) , còn các công trình phi chính phủ hay dạng khác đều được khuyến khích đạt từ chứng chỉ LEED Certified (Chứng nhận LEED). Các dự án sản xuất đạt chứng chỉ LEED cũng được qui định hưởng được những ưu đãi đặc biệt về thuế, về xuất nhập khẩu hay phân phối tùy theo từng tiểu bang. Ở các quốc gia phát triển khác cũng phát triển các hệ thống đánh giá tương tự như LEED, chẳng hạn như BREEAM (Anh), DGNB (Đức), HQE ( Pháp) hay Green Star (Úc) cũng với mục đích như vậy. Chính vì có cả nguồn lực và yêu cầu thực tế, nên kiến trúc xanh phát triển ngày càng rõ rệt và liên tục cập nhật các yêu cầu mới của thời đại. 

Ngày càng nhiều quốc gia đưa Yêu cầu về Thiết kế bền vững và thân thiện với môi trường vào các tiêu chuẩn xây dựng quốc gia để tạo thành các hành lang pháp lý cần thiết và thúc đẩy phát triển. Thậm chí, các tổ chức, hiệp hội kiến trúc sư trên thế giới còn nhìn xa hơn, họ tiên phong tổ chức các chiến lược , tầm nhìn dài hạn vì mục tiêu bảo vệ môi trường . Một ví dụ điển hình là Mục tiêu không sử dụng năng lượng hóa thạch (net zero fossil energy goal) của Tổ chức Kiến trúc 2030 (với sự tham gia của AIA- Hiệp hội kiến trúc sư Hoa Kỳ, RAIC- Viện Kiến trúc Hoàng Gia Canada, ASHRAE- Hiệp hội các kỹ sư Nhiệt - Lạnh - Điều hòa không khí Hoa Kỳ và các tổ chức khác). 


(nguồn: www.architecture2030.org

Nhìn lại chúng ta… 

Mặc dù chính phủ đã ban hành Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả từ năm 2010, nhưng thật sự chỉ đang tập trung vào các công trình lớn để chống lãng phí năng lượng chứ chúng ta thật sự chưa bắt buộc áp dụng đại trà giải pháp tiết kiệm năng lượng – một bước cao hơn của chống lãng phí - cho mọi công trình lớn hay nhỏ. Việt Nam cũng đã thành lập Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam (VGBC) và bộ đánh giá LOTUS nhưng cho đến nay, các cố gắng của tổ chức này với tiêu chí nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực về phát triển công trình xanh ở Việt Nam cũng chưa được quảng bá ,lan truyền rộng rãi và được sự hỗ trợ hết mình của các ban ngành đoàn thể. Con số gần 100 hội viên của VGBC (nguồn: vgbc.org.vn ) so với suýt soát 500,000 doanh nghiệp hoạt động trong cả nước là một con số vô cùng khiêm tốn và đòi hỏi các Hội đồng và các hội viên phải nổ lực phấn đấu vì mục tiêu xanh hơn nữa.

Về nguồn lực, chúng ta cũng thiếu rất nhiều. Truy cập thư viện của LEED Professional, hiện nay số lượng chuyên viên LEED ở Việt Nam chỉ có 32 người, trong đó chỉ có 5 người Việt có chứng chỉ LEED AP, 14 người Việt có chứng chỉ LEED Green Associates còn lại là các chuyên viên nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. (nguồn: GBCI- LEED Professional Directory). Với lực lượng vô cùng mỏng, lại rời rạc như vậy, việc đẩy mạnh xu hướng kiến trúc xanh gần như bắt đầu từ số 0, đòi hỏi chúng ta càng phải cố gắng định hướng các sinh viên ngành Kiến trúc, Xây dựng, năng lượng vào lĩnh vực xây dựng thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng hơn nữa bằng việc lập các chương trình thỉnh giảng về Kiến trúc xanh trong chương trình chính, hoặc chí ít là các bài giảng ngoại khóa để tạo một bệ phóng rộng lớn cho kiến trúc xanh nước nhà. Vẫn biết chủ đầu tư là người quyết định, nhưng người kiến trúc sư cũng là những người đầu tiên có tiếng nói định hướng cho chủ đầu tư về tác dụng tích cực của vòng đời dự án do thiết kế bền vững mang lại. Nếu có một số lượng thành viên hiểu biết nhiều về kiến trúc xanh để tư vấn, chúng ta không ngại sau 4-5 năm nữa, chúng ta có thể bước đi những bước đi mạnh mẽ về lĩnh vực này. Song song đó, chúng ta cần hướng sinh viên và cộng đồng vào những công trình xanh thực tế đã xây dựng để phân tích ưu điểm của từng dự án thực tế. Thật may mắn khi truy cập thư viện LEED thấy tại Việt Nam chúng ta hiện có khoảng 15 công trình đã được chứng nhận LEED, thậm chí trong đó có đến 6 chứng nhận GOLD và 4 chứng nhận SILVER (nguồn: GBCI- LEED Professional Directory). Mặc dù đa phần trong đó là các dự án vốn đầu tư nước ngoài, nhưng thiết nghĩ, chúng ta có thể mời tổ chức các triển lãm, hội thảo kiến trúc của các công trình đạt chứng chỉ như vậy, hoặc cung cấp những đoạn phim tài liệu nói về tư duy của chủ đầu tư và giải pháp của kiến trúc sư, kỹ sư năng lượng trong những dư án đó và những lợi ích thiết thực do giải pháp đó mang lại để phổ cập cộng đồng. Thiết nghĩ các chủ đầu tư cũng được rất nhiều khi giới thiệu về mình, mà cộng đồng xã hội cũng sẽ thấy được Kiến trúc xanh thật ra cũng chẳng có gì cao siêu và xa rời, nó vẫn tồn tại quanh mình. Nâng cao ý thức của người dân cũng sẽ góp phần tiếp thêm nhiên liệu cho bệ phóng trước khi chúng ta đòi hỏi cải thiện những điều bất cập khác./. 

Lê Thạnh Trị - Leed AP 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo