Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Sông Sài Gòn - Đồng Nai đang “chết”: Cách nào cứu?

Sông Sài Gòn - Đồng Nai đang “chết”: Cách nào cứu?

Viết email In

Thời điểm năm 2003 được xem là dấu mốc quan trọng khi hai dòng sông Nhuệ và Đáy (khu vực phía Bắc) chính thức bị khai tử vì ô nhiễm. Lo ngại tình trạng tương tự sẽ diễn ra trên sông Sài Gòn - Đồng Nai, một hội nghị tập hợp 12 tỉnh thành đã được tổ chức tại TPHCM. Chủ trì hội nghị là nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) Mai Ái Trực và đặc biệt là sự có mặt của 12 phó chủ tịch 12 tỉnh thành dọc lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai. Hội nghị đã đạt được sự đồng thuận và thống nhất cao khi các tỉnh thành cùng ký vào bản cam kết thực hiện 7 giải pháp cấp bách nhằm cứu lấy sông Đồng Nai. 7 giải pháp này cho đến nay vẫn rất “đương thời”. Chỉ có điều, quá trình thực hiện 7 giải pháp này còn chưa đồng bộ giữa các tỉnh thành.  

7 giải pháp đương thời 

12 tỉnh thành tham gia vào thời điểm năm 2003 là TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận, Tây Ninh, Long An. Hiện nay chỉ còn 11 tỉnh thành sau khi tỉnh Đắk Lắk xin rút tên ra khỏi danh sách vì không nằm trong lưu vực có sông Đồng Nai chảy qua. 

  • Ảnh bên: Sông Đồng Nai đoạn gần trạm bơm Hóa An. (Ảnh: Cao Thanh) 

7 giải pháp mà các tỉnh thành cam kết thực hiện cụ thể là phải xử lý xong các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong danh mục quy định xử lý đến năm 2007; đánh giá tình hình môi trường các cơ sở trên địa bàn, lập danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và có kế hoạch xử lý xong, chậm nhất là đến năm 2010; không cho xây dựng các cơ sở có ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và có nguy cơ gây sự cố môi trường; các cơ sở đầu tư mới hoạt động mở rộng bắt buộc phải có đánh giá tác động môi trường và bản đăng ký đạt chuẩn môi trường theo quy định; 70% các KCN có hệ thống nước thải, bảo đảm đầu ra đạt tiêu chuẩn môi trường; xác định vị trí xây dựng khu xử lý chất thải nguy hại tập trung và tiến hành các thủ tục chuẩn bị đầu tư để có thể xây dựng vào năm 2007; tăng cường năng lực cán bộ quản lý môi trường, đáp ứng nhu cầu bảo vệ môi trường trên từng địa bàn và tăng cường mức đầu tư cho bảo vệ môi trường ít nhất là 15% so với năm 2005.

Thế nhưng cho đến nay, ngoại trừ TPHCM đã cơ bản đã kiểm soát được tình hình gây ô nhiễm tại các khu công nghiệp và số ít tại các quận huyện. Còn lại các tỉnh thành khác, thực trạng gây ô nhiễm vẫn còn rất đáng lo ngại. Nhiều chuyên gia môi trường đã ví von, chất lượng nguồn nước sông Đồng Nai và GDP như một đường thẳng. Chất lượng nguồn nước ngày càng xấu đi, sẽ kéo theo GDP của các tỉnh phía Nam giảm xuống.

Cấp bách thực hiện giải pháp trong tầm tay 

Trao đổi về giải pháp nào nhằm cứu lấy sông Đồng Nai, ông Phùng Chí Sỹ, Phó viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường khẳng định, để có thể cứu lấy sông Sài Gòn cần thống nhất một số yếu tố cơ bản: Quy hoạch tổng thể về quản lý sử dụng, khai thác nguồn nước và hệ thống thảm thực vật dọc hai bên bờ sông; thống nhất thông tin chung về khối lượng nước thải xả ra sông và nồng độ chất thải quan trắc được trong nguồn nước. Thông tin này cần được xây dựng và sử dụng chung cho các tỉnh thành thay vì mỗi tỉnh thành tự quan trắc và tự công bố chất lượng nguồn nước hệ thống lưu vực sông, gây bất đồng về nhận định liên quan đến chất lượng nguồn nước sông.

Đây sẽ là cơ sở để Ủy ban lưu vực hệ thống sông Đồng Nai áp dụng những giải pháp sát với thực tế và có tính khả thi cao nhằm cải thiện và bảo vệ chất lượng nguồn nước sông; cân hòa lợi ích kinh tế cho các vùng từ thượng nguồn đến hạ nguồn. Và muốn làm được điều này, cần có cấp cao đủ để có thể điều phối hoạt động kinh tế cũng như nguồn ngân sách thu được giữa các vùng. 

Không dừng lại đó, ông Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện TN-MT, nhấn mạnh, trong khi chờ các giải pháp có tính vĩ mô trên, mỗi tỉnh trong khả năng của mình có thể làm ngay biện pháp ngăn chặn xả thải ô nhiễm từ hoạt động sản xuất công nghiệp ra sông Sài Gòn - Đồng Nai. Đặc tính của sông là có khả năng tự làm sạch nhưng chỉ trong một mức độ ô nhiễm nhất định. Nếu ngay từ bây giờ có thể ngăn chặn triệt để nguồn thải ô nhiễm ra sông Sài Gòn - Đồng Nai thì con sông vẫn có thể sẽ tự cứu mình được. Còn lại, các cơ quan chức năng sẽ có thêm thời gian để triển khai những giải pháp mang tính dài hơi và bền vững hơn. 

Vẫn tắc lối ra cho giải pháp tổng quan 

Trao đổi về việc làm thế nào để cấp bách cứu lấy sông Sài Gòn - Đồng Nai cũng như có thể triển khai ngay những giải pháp ngắn hạn và dài hạn, ông Dương Hoàng Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Bảo vệ môi trường, Bộ TN-MT khẳng định, vẫn rất khó để làm. Bởi ngay trong hệ thống quản lý về môi trường còn chưa thống nhất được chức năng nhiệm vụ cụ thể thì làm sao có thể triển khai hiệu quả giải pháp ngăn chặn ô nhiễm môi trường nói chung. Đơn cử như ở cấp bộ hiện nay, có đến 6 bộ đều có chức năng quản lý về môi trường. Bộ nào cũng có thể thực hiện thanh kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính đối tượng có hành vi vi phạm môi trường.

Ngay cả Bộ TN-MT - một trong những bộ được xem là chủ quản quản lý vấn đề này cũng chỉ có cùng chức năng tương tự như những bộ khác. Do vậy, đến khi xảy ra hậu quả thì không có bộ nào chịu nhận trách nhiệm về mình. Và mọi chỉ trích của dư luận lại tập trung vào Bộ TN-MT. Bản thân bộ đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp cần phân rõ trách nhiệm của từng bộ liên quan. Chức năng và trách nhiệm tham gia cụ thể của từng bộ ngành liên quan đến đâu. Có như vậy mới giảm được chồng chéo trong thanh kiểm tra môi trường hiện nay, Bộ TN-MT làm tốt hơn chức năng và nhiệm vụ của mình. Quan trọng hơn, để doanh nghiệp có điều kiện để cải tạo tốt hơn chất lượng môi trường sản xuất của mình.

Riêng ông Nguyễn Thái Lai, Thứ trưởng Bộ TN-MT cho biết thêm, việc xử lý doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường vào thời điểm này cũng được cân nhắc rất nhiều. Bởi nếu “siết” mạnh sẽ ảnh hưởng đến khả năng phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế. Do vậy, theo tôi, chưa cần phải áp dụng biện pháp xử lý mạnh hơn, các tỉnh chỉ cần thực hiện tốt vai trò quản lý, trong đó siết chặt yêu cầu các doanh nghiệp xả thải phải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường là có thể cơ bản cải thiện và bảo vệ chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn - Đồng Nai.

Còn về lâu dài, hiện bộ đang đề xuất Chính phủ phân công một phó thủ tướng tham gia vào Ủy ban Bảo vệ hệ thống lưu vực sông Sài Gòn - Đồng Nai với vai trò chỉ đạo. Có như vậy mới tập hợp ý kiến và sự đồng thuận cao giữa 11 tỉnh thành. Tôi cũng hy vọng đề xuất này sớm thông qua để tạo tiền đề đẩy nhanh những giải pháp có tính bền vững để bảo vệ nguồn nước sông của 20 triệu người dân khu vực phía Nam. 

Ái Vân 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo