Ashui.com

Thursday
Jan 23rd
Home Chuyên mục Năng lượng - Môi trường Điện gió khó vì quy hoạch!

Điện gió khó vì quy hoạch!

Viết email In

Phê duyệt dự án đầu tư vào điện gió vẫn khó do thiếu quy hoạch điện gió cấp tỉnh lẫn quy hoạch điện gió cấp quốc gia. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư vẫn tìm đến Sóc Trăng, Bạc Liêu và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đăng ký đầu tư dự án điện gió.

Trước trên bờ, giờ xuống biển

Trao đổi với phóng viên hôm 26/12, ông Ngô Minh Trạng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng cho biết qua khảo sát Sóc Trăng có tiềm năng điện gió xấp xỉ 1.800 MW khai thác đến năm 2022.

Hiện đang có 7 nhà đầu tư đăng ký tham gia đầu tư dự án điện gió trên biển tại Sóc Trăng; một số nhà đầu tư khác mặc dù biết chưa có quy hoạch điện gió vẫn tiền hành khảo sát, nộp hồ sơ đăng ký chờ sẵn để hy vọng được phê duyệt đưa vào quy hoạch phát triển điện gió của tỉnh.

Toàn bộ các dự án điện gió “xếp hàng” đăng ký đầu tư đều là dự án điện gió trên biển, ông Trạng cho hay.


Thi công dự án điện gió Bạc Liêu
(Ảnh: Văn Nam)

Tuy nhiên, cho đến nay do chưa có quy hoạch phát triển điện gió cấp quốc gia lẫn quy hoạch điện gió cấp tỉnh nên rất khó cho tỉnh. Hiện nay Sóc Trăng đang hoàn chỉnh quy hoạch điện gió cấp tỉnh trình Bộ Công Thương phê duyệt; hy vọng đầu năm 2014 sẽ được phê duyệt.

“Bây giờ tỉnh khắc phục cái khó này bằng cách dự án nào đăng ký thấy hiệu quả thì tỉnh sẽ tập hợp, gởi Bộ Công Thương thẩm định, đối với dự án nào dưới 30 MW nếu bộ phê duyệt đưa vào quy hoạch phát triển điện quốc gia thì tỉnh sẽ cấp giấy chứng nhận đầu tư. Bằng cách này thì khả năng năm 2014 Sóc Trăng có hai dự án điện gió trên biển được khởi động, một dự án công suất 28 MW và một dự án công suất 100 MW”, ông Trạng cho hay.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có 8 địa phương có đường bờ biển dài trên 700 km rất thuận lợi phát triển điện gió. nhưng đến nay khu vực này mới có một dự án điện gió Bạc Liêu hòa lưới điện quốc gia vào tháng 4-2013 với công suất 16 MW, còn lại vẫn còn đang “xếp hàng” chờ được đưa vào quy hoạch.

Các nhà đầu tư muốn thực hiện các dự án điện gió trên biển do gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận nâng giá mua điện đối với các dự án điện gió trên biển cao hơn giá mua điện gió trên đất liền.

Qua trao đổi với phóng viên ngày 27/12, đại diện Công ty TNHH Thương mại – Xây dựng – Du lịch Công Lý (chủ đầu tư dự án điện gió trên biển Bạc Liêu) cho biết, thực tế dự án điện gió Bạc Liêu – dự án điện gió trên biển đầu tiên tại khu vực ĐBSCL đang bán điện cho EVN với giá 9,8 xu Mỹ/kWh, với công suất phát điện giai đoạn đầu 16 MW. Trong khi từ tháng 6/2011 đến nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được Chinh phủ giao mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện gió với giá mua điện là 1.614 đồng/kWh (tương đương 7,8 xu Mỹ/kWh). Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/đô la Mỹ.

Trong đó, Nhà nước hỗ trợ giá điện cho EVN đối với toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện gió là 207 đồng/kWh (tương đương 1 xu Mỹ/kWh) thông qua Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Ngoài ra, các dự án điện gió cũng sẽ được hưởng nhiều hỗ trợ phát triển như ưu đãi về vốn đầu tư, thuế, phí, hạ tầng đất đai, hỗ trợ giá điện đối với dự án điện gió nối lưới.

Việc ban hành khung giá điện gió theo hướng ưu đãi này đã giúp thu hút thêm nhiều doanh nghiệp nhảy vào đầu tư điện gió, đặc biệt là các vùng ven biển các tỉnh Nam Trung bộ. Riêng tại tỉnh Bình Thuận nơi có tiềm năng điện gió khoảng 5.000 MW hiện cũng đang có hai dự án phát điện nối lưới với công suất 30 MW và khoảng 12 dự án khác đã được chính quyền Bình Thuận chấp thuận triển khai.

Tiếp tục chờ quy hoạch

Theo ông Nguyễn Ngọc Tân, một chuyên gia điện gió từ Cộng hòa liên bang Đức, hiện các nước châu Âu như Đức, Anh, Đan Mạch, Thủy Điển có khoảng 40 "cánh đồng gió" trên biển. Tuy nhiên, kết quả khảo sát ở Đức mới đây cho thấy nhiều trụ gió trên biển sau một năm hoạt động đã bị dịch chuyển 1 mét do sự chuyển động đáy biển, chưa kể bị muối biển ăn mòn thiết bị, chi phí bảo trì thiết bị khá cao.

Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ diễn ra đầu tuần này, ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã thẳng thắn kiến nghị Bộ Công Thương sớm phê duyệt quy hoạch phát triển điện gió cấp tỉnh, đồng thời tham mưu Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt quy hoạch điện gió cấp quốc gia để tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương kêu gọi đầu tư điện gió.

Ông Hiếu cho rằng Sóc Trăng có bờ biển dài 73 km với diện tích khoảng 53.000 héc ta đất bồi ven biển rất thuận lợi phát triển điện gió góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

Lãnh đạo tỉnh Trà Vinh tại hội nghị đầu tuần qua cũng nêu kiến nghị tương tự và cho rằng Trà Vinh cũng là địa phương có sức gió rất tốt, cũng rất có tiềm năng triển khai điện gió với hàng chục nhà đầu tư đang muốn đầu tư điện gió. Tuy nhiên cái vướng lớn vẫn là chờ quy hoạch.

Trả lời các kiến nghị của địa phương tại hội nghị đầu tuần nay, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết hiện Bộ Công Thương đang soạn thảo để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển điện gió cấp quốc gia. Theo đó, giá mua điện gió trên biển được tính toán với mức cao hơn giá mua điện gió trên đất liền để khuyến khích các dự án điện gió đầu tư trên biển, giảm dịch tích đất khai thác trên đất liền.

Trong khi đó, qua trao đổi với phóng viên, ông Phạm Mạnh Thắng, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng thuộc Bộ Công Thương cho biết đến giớ phút này, bộ đã hoàn tất dự thảo quy hoạch phát triển điện gió cấp quốc gia, đã trình lên Thủ tướng Chính phủ đang chờ phê duyệt.

Về giá điện gió thế nào để đủ khuyến khích các nhà đầu tư bỏ tiền đầu tư phát triển nguồn năng lượng sạch này, ông Thắng cho rằng nhà đầu tư nào cũng muốn giá mua điện cao hơn, có lãi nhiều hơn. Nhưng cơ cấu giá mua điện sắp tới sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng bởi nếu giá mua điện quá cao, chủ đầu tư có lãi nhưng cuối cùng giá bán điện ra cao thì người tiêu dùng sẽ là người gánh chịu./.

Văn Nam (Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...