Ashui.com

Thursday
Oct 31st

Điện gió vẫn khó

Viết email In

Tiềm năng vô tận, nhưng nhà đầu tư phải gánh lỗ từ 10-15 năm. Điện gió tiếp tục là thách thức lớn đối với các quỹ đầu tư tư nhân đang mon men đặt chân vào lĩnh vực lời ít, lỗ nhiều này.

Hội thảo đầu tư điện gió mới đây tại TP.HCM trở nên nóng hừng hực khi 2 quan điểm ngược chiều nhau được nêu ra tại phiên thảo luận cuối ngày. Một bên là đại diện Hiệp hội Điện gió Bình Thuận và Viện Năng lượng Việt Nam; bên kia là đại diện Bộ Công Thương.

Đất vàng điện gió

“Việt Nam có nguồn năng lượng gió dồi dào nhất tại khu vực ASEAN”, ông Peter Cowling, Giám đốc Năng lượng tái tạo, châu Á – Thái Bình Dương của Công ty GE, nhận xét. Còn theo Bản đồ Nguồn Gió Việt Nam 2011 của Indochina Capital thì “Việt Nam có nguồn gió tốt có khả năng xây dựng khoảng 27.000 MW điện gió theo quy mô công nghiệp”.

Về mặt chính sách, Chính phủ cũng đã ban hành các quy định hỗ trợ phát triển điện gió như miễn thuế nhập khẩu cho trang thiết bị trong nước chưa có điều kiện sản xuất. Nhà đầu tư được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm đầu, giảm 50% cho 9 năm tiếp theo. Thời hạn trích khấu hao nhanh hơn các dự án thông thường 1,5 lần và được miễn thuế sử dụng đất, miễn phí bảo vệ môi trường.

Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa như vậy, nhưng cũng chỉ có 3 trong 45 dự án đăng ký đi vào hoạt động. Đó là điện gió Bình Thạnh của Công ty REVN (30 MW) tại Bình Thuận, điện gió trên đảo Phú Quý, Bình Thuận (6 MW) do Tổng Công ty Điện lực Dầu khí đầu tư và Điện gió Bạc Liêu của Công ty Công Lý (16 MW) tại Bạc Liêu. Và các công ty này vẫn lỗ dài dài. Lý do họ đưa ra tại Hội thảo là giá mua điện của Nhà nước hiện vẫn quá thấp.

Thách thức

Mặc dù đầu tư vào ngành năng lượng sạch vẫn chưa mang lại lợi nhuận nhưng trong tình hình bất động sản đóng băng, chứng khoán bất thường thì ngành này có vẻ khả quan nhất, trở thành mục tiêu mới của các nhà đầu tư.

Năm 2011, Quỹ Đầu tư Năng lượng Tái tạo Mê Kông (MRRF) được Indochina Capital thành lập với tổng vốn 150 triệu USD nhằm tư vấn và đầu tư vào các công ty và dự án hạ tầng, nhất là trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Địa bàn đầu tư của MRRF là khu vực hạ Mê Kông gồm 7 quốc gia Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam là thị trường trọng điểm, chiếm hơn 50% vốn hoạt động.

“Chúng tôi nhắm vào các công ty tư nhân có dự án đầu tư trong ngành năng lượng tái tạo, lâm nghiệp và dịch vụ môi trường với giá trị 5-10 triệu USD/dự án. Thời gian hoạt động có thể lên tới 10 năm. Mục tiêu là tỉ suất hoàn vốn nội bộ khoảng 15%”, ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Công ty Quản lý Cơ sở Hạ tầng thuộc Indochina Capital, cho biết.

Tuy nhiên, ông cho rằng hiện đầu tư vào năng lượng tái tạo, cụ thể là điện gió tại Việt Nam vẫn còn khá rối rắm vì 2 nguyên nhân: thiếu thông tin và hiệu quả đầu tư thấp.

Theo ông, để triển khai một dự án điện gió hiệu quả, cần đảm bảo 3 yếu tố: nguồn gió tốt, công nghệ tốt và vốn đầu tư tốt. Trong đó, thông tin về nguồn gió và địa hình là khá quan trọng. Những thông tin này tuy đã được Bộ Công Thương công bố, nhưng cần được kiểm chứng và đánh giá thêm từ nhiều nguồn khác nhau, ít nhất trong 6 tháng trước khi có thể đưa ra thông tin xác thực sau cùng.

Đối với hiệu quả đầu tư dự án điện gió, 2 rào cản lớn nhất hiện nay là giá mua điện của EVN và lãi vay.

Một dự án điện gió khoảng 30 MW có vốn đầu tư gần 65 triệu USD. Trong đó, tới 80-85% là vốn vay. Với giá 7,8 cent/kWh (khoảng 1.700 đồng) thì để dự án có hiệu quả, nhà đầu tư phải vay được vốn với lãi suất thấp hơn 1,1%/năm - mức lãi suất này là rất khó tiếp cận hiện nay.

Ông Bùi Văn Thịnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận, cho rằng: “Dù Chính phủ có chính sách nâng giá mua điện gió lên 7,8 cent/kWh (đối với điện gió trên đất liền), giá điện gió Việt Nam hiện vẫn thấp nhất thế giới”.

Ông Tô Hoài Dân, Tổng Giám đốc Công ty Công Lý, chủ đầu tư Dự án điện gió Bạc Liêu giai đoạn 1, cho biết: “Giá mua điện gió trên biển phải ở mức 13,5 cent/kWh. Với giá 9,8 cent/kWh như hiện nay thì thời gian hoàn vốn sẽ kéo dài trên 15 năm”. Tuy nhiên, Công Lý vẫn là nhà đầu tư may mắn vì đã được Ngân hàng Phát triển Việt Nam tài trợ vốn với lãi suất ưu đãi.

Quỹ MRRF cho biết đã tiếp xúc với hơn 20 công ty tư nhân đang có dự án đầu tư điện gió, nhưng họ sẽ không thể thực hiện được dự án trong năm nay. Như vậy, sau gần 3 năm thành lập, MRRF vẫn chưa giải ngân cho dự án điện gió nào tại Việt Nam.

Một quỹ đầu tư tư nhân khác thuộc Dragon Capital là Mekong Brahmaputra Clean Development Fund (MBCDF) được thành lập từ tháng 7.2010 đã dành nguồn vốn 40 triệu USD cho các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Chiến lược của MBCDF là rót khoảng 5 triệu USD cho mỗi dự án với thời gian đầu tư từ 5-7 năm cùng mục tiêu tỉ suất hoàn vốn nội bộ là 15% khi rút vốn.

Đến nay, quỹ này cũng chưa giải ngân cho bất kỳ dự án điện gió nào tại Việt Nam và chỉ giải ngân cho dự án thủy điện Tâm Long 29MW tại tỉnh Đắk Lắk. Ông Gavin Smith, Giám đốc MBCDF, cho rằng: “Giá mua 7,8 cent/kWh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam là khá thấp, không đảm bảo hiệu quả đầu tư. Chúng tôi kỳ vọng ở mức 10 cent/kWh”.

Vĩnh Bảo


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo