Nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường, sáng 28/2, Bộ tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Diễn đàn “Kinh tế xanh cho phát triển bền vững” hướng tới một Việt Nam giàu mạnh.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc nhấn mạnh, cùng với quá trình phát triển kinh tế, những năm gần đây Việt Nam cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn. Đáng lo ngại nhất là tình trạng ô nhiễm nguồn nước, không khí, chất thải đang ngày gia tăng và trở nên bức bối hơn.
Về các yếu tố tự nhiên, biến đổi khí hậu cũng đang là nguy cơ hiện hữu, đe dọa trực tiếp đến việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, đe dọa an ninh kinh tế-xã hội, quốc phòng của đất nước, cũng như các hoạt động phát thải khí nhà kính của con người.
Do vậy, để duy trì những thành quả tăng trưởng kinh tế, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cho rằng trong thời gian tới đòi hỏi đất nước ta phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng nâu (tăng trưởng kinh tế trước, giải quyết vấn đề môi trường sau) sang một mô hình tăng trưởng xanh (vừa tăng trưởng, vừa đảm bảo tạo việc làm và bền vững về môi trường).
“Theo tôi, mô hình tăng trưởng xanh là hướng phát triển nhanh và bền vững nhất đối với một Việt Nam đang đứng trước những cơ hội to lớn về hội nhập. Một Việt Nam giàu tài nguyên và được cộng đồng doanh nghiệp từ các nước phát triển sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ về hướng đi và kỹ thuật,” Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc nhấn mạnh.
Đồng tình quan điểm trên, ông Nguyễn Thế Chinh, Phó Viện trưởng-Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng, để rút ngắn khoảng cách tiếp cận với một nền kinh tế hiện đại, Việt Nam cần hướng tới một nền “kinh tế xanh" bền vững về lâu dài.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Chinh, hiện nay mô hình phát triển kinh tế xanh vẫn còn khá mới mẻ đối với Việt Nam. Trong khi đó, đối với chính sách phát triển “kinh tế xanh,” Việt Nam chưa có một văn bản chính thức, để góp phần định hướng bước tiến hợp lý.
“Theo tôi, để phát triển đất nước theo mô hình kinh tế xanh, Việt Nam cần phải lựa chọn những con đường phù hợp trên cơ sở tuyên truyền, chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Cùng với đó, chúng ta cần xây dựng môi trường pháp lý, thúc đẩy đổi mới công nghệ, phát triển nguồn năng lượng sạch và đặc biệt là nguồn lực con người,” ông Chinh nhấn mạnh.
Ở góc độ cơ quan nghiên cứu về kinh tế, bà Vũ Xuân Nguyệt Hồng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội to lớn để chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, đó là thực hiện tăng trưởng xanh hướng tới kinh tế xanh.
“Vấn đề còn lại là chúng ta phải sớm chớp lấy cơ hội, nhanh chóng chuyển chính sách đã ban hành có liên quan thành hành động cụ thể, để chủ trương đúng đắn về kinh tế xanh và phát triển bền vững được thực thi, tạo ra chuyển biến trong những năm tới,” bà Hồng chia sẻ.
Đại diện Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cũng lưu ý, mặc dù nước ta có khả năng hướng tới nền kinh tế xanh bền vững, song trong quá trình này, Việt Nam cũng phải trải qua những thách thức đang đặt ra là nhận thức của nhiều cơ quan Nhà nước, cộng dồng và doanh nghiệp còn hạn chế và chưa thống nhất.
Hơn nữa, quá trình chuyển từ nhận thức tới hành động, từ thói quen và cách thức sản xuất, tiêu dùng từ "nâu" sang "xanh" cũng đòi hỏi một quãng thời gian nhất định để thích nghi.
Từ những nhận định nêu trên, bà Hồng cho rằng để xây dựng Việt Nam thành một đất nước phát triển bền vững, giàu mạnh, Việt Nam cần sớm ban hành và triển khai thực hiện chương trình hành động thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh.
"Trước mắt, phải tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức toàn xã hội về tăng trưởng xanh; tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện các văn bản pháp luật, học tập cách thức tiến hành của các quốc gia đã thực hiện trước đó để có lộ trình và bước đi phù hợp từ mô hình tăng trưởng nâu sang mô hình tăng trưởng xanh," bà Hồng nhấn mạnh./.
Hùng Võ
- Cấp thiết cải thiện ô nhiễm không khí
- “Thảm họa” sức khỏe từ ô nhiễm không khí
- Hơn 390 triệu USD giúp ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu
- Biến đổi khí hậu có thể hủy hoại nhiều cột mốc văn hóa
- Điện gió vẫn khó
- 100 tổ chức dân sự tham gia ứng phó biến đổi khí hậu
- Việt Nam cần 8,3 tỷ USD để xử lý nước thải đô thị
- Thay đổi tư duy chống biến đổi khí hậu
- Các đô thị lớn ứng phó với biến đổi khí hậu
- Điện gió khó vì quy hoạch!