Quy hoạch và phát triển đô thị cảng Hiệp Phước như thế nào để thích nghi và giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu - mực nước biển dâng? Các chuyên gia đến từ Hội đồng vành đai Thái Bình Dương về phát triển đô thị (PRCUD) đã trả lời câu hỏi này bằng... rất nhiều câu hỏi khác!
Di dân về phía biển
Nằm cuối huyện Nhà Bè, vùng đất Hiệp Phước từ lâu đã được xác định là cửa ngõ phía Nam của TPHCM thông thương ra biển Đông. Vì thế nên, mười hai năm trước, khi quyết định di dời hệ thống cảng biển nằm sâu trong nội thành, UBND TPHCM đã chọn Hiệp Phước để xây dựng hệ thống cảng biển mới.
Theo ông Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, ban đầu vùng đất trũng và nền móng yếu này được xác định chỉ dành cho việc xây dựng hệ thống cảng biển và các khu công nghiệp. Và, mới đây chính quyền lại muốn phát triển Hiệp Phước thành một đô thị vệ tinh của đô thị trung tâm TPHCM.
Trong quy hoạch chung xây dựng khu đô thị cảng Hiệp Phước vừa được lập (ảnh bên), ngoài 334,28 héc ta xây dựng hệ thống cảng biển, 1.380 héc ta phát triển công nghiệp và logistics... có đến 1.238,5 héc ta dành cho phát triển đô thị. Và, với dự báo quy mô dân số đến 180.000 (hiện tại chỉ khoảng 13.000), chính quyền thành phố cũng hy vọng đô thị cảng Hiệp Phước sẽ giúp giãn dân cho đô thị trung tâm.
Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó chủ tịch UBND TPHCM, nói: “Phát triển một khu đô thị gắn với cảng biển, các khu công nghiệp và dịch vụ logistics ở Hiệp Phước là để mở rộng không gian đô thị TPHCM ra biển; đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho thành phố cũng như cả vùng kinh tế phía Nam”.
Để hướng tới một nơi mà con người có thể sống, làm việc, vui chơi và hòa đồng với thiên nhiên, Công ty Nikken Seikkei, đơn vị được thuê lập đồ án quy hoạch chung cho đô thị Hiệp Phước, đã đưa ra tầm nhìn cho Khu đô thị cảng Hiệp Phước: (i) xây dựng đô thị có môi trường giàu đẹp - phát huy mặt nước và cây xanh phong phú; (ii) hình thành trọng điểm nhộn nhịp mới của TPHCM; (iii) tạo ra không gian sinh hoạt an toàn và tiện nghi.
Nhiều câu hỏi đặt ra...
Tại Diễn đàn bàn tròn PRCUD TPHCM hồi tuần rồi, kỹ sư Thomas Zearley, Chủ tịch PRCUD, và các chuyên gia trong và ngoài nước đều thừa nhận việc di dời các cảng từ nội thành ra Hiệp Phước là hợp lý và tất yếu. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là có nên phát triển một đô thị vệ tinh quy mô tại đây hay không?
Mô hình ý tưởng thiết kế đô thị cảng Hiệp Phước đoạt giải Nhất
Giáo sư Eric J. Heikkila, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến quốc tế, trường Chính sách quy hoạch và Phát triển, Đại học Nam California, Mỹ, cho rằng có khu công nghiệp, có dịch vụ cảng biển thì tất nhiên phải có đô thị để người ta sống và làm việc. Nhưng theo vị giáo sư này, quy mô đô thị Hiệp Phước như thế nào rất cần phân tích, xem xét từ nhiều yếu tố và góc độ mới có thể đưa ra kết luận.
Ví dụ, chi phí đền bù giải tỏa ở vùng đất sình lầy như Hiệp Phước có thể thấp, nhưng với nền đất “không chân” và trũng (cao độ trung bình 0,4-1 mét) như thế, liệu việc xây dựng đô thị có đem lại hiệu quả kinh tế? Đó là chưa xét đến các chi phí khổng lồ có thể phát sinh trong tương lai như phải đầu tư chống ngập, chống lún... và những trả giá về môi trường rất có thể sẽ xảy ra, theo Giáo sư Kosta Mathey, Đại học Technische Universitat Darmstadt, CHLB Đức.
Ông Lê Văn Năm, nguyên KTS trưởng TPHCM, cũng nói: “Tôi tham gia quy hoạch Hiệp Phước ngay từ đầu nhưng còn nhiều băn khoăn, như: Kiến trúc đô thị ở đây phải như thế nào? Làm sao giữ được cảnh quan đặc trưng vùng sông nước? Nên nhấn mạnh đô thị cao tầng hay phát triển kiến trúc thấp tầng xen kẽ cảnh quan thiên nhiên?... Và có nên tập trung dân số quá nhiều ở khu vực này?”.
Tại diễn đàn, nhiều câu hỏi từ các chuyên gia cho thấy cái nhìn về vấn đề phát triển đô thị Hiệp Phước đa chiều hơn. Từ quy mô đô thị đến phương án kết nối hạ tầng với trung tâm thành phố và khu vực; từ quy mô dân số đến khả năng xây dựng nhà ở và các dịch vụ đô thị; từ cách tiếp cận các phương án tài chính như nguồn đầu tư, chính sách thuế đến việc bảo vệ đô thị khỏi những ảnh hưởng của thủy triều và nước biển dâng... được mổ xẻ.
Mô hình ý tưởng thiết kế đô thị cảng Hiệp Phước đoạt giải Nhất (nguồn: hochiminhcity.gov.vn)
Đô thị bị “nhấn chìm”?
Giáo sư Douglas Webster, Đại học Arizona State, Mỹ, cho rằng việc phát triển đô thị ở Hiệp Phước cần phải hết sức thận trọng. “Mỗi héc ta đất tại đây được xây như thế nào để thích nghi với sự biến đổi khí hậu - mực nước biển dâng - và sự sụt lún của vùng đất yếu là điều cần chú ý. Phải tính toán khu vực nào phát triển, khu vực nào dự trữ phòng vệ nước...”, ông nói.
Nếu phát triển đô thị Hiệp Phước bằng cách san lấp kênh rạch như cách phát triển đô thị “truyền thống” lâu nay - san lấp toàn bộ sau đó quy hoạch xây dựng trên nền đất mới - can thiệp vào tự nhiên, làm thay đổi cảnh quan, cây trồng thì vấn đề tiêu thoát nước của cả TPHCM sẽ là bài toán hóc búa phải giải bằng hàng tỉ đô la Mỹ trong tương lai. Khi đó, với mức nước biển dâng, triều cường không chỉ gây ngập cho Hiệp Phước mà cho cả TPHCM.Vì vậy, các chuyên gia đến từ PRCUD về phát triển đô thị khuyến nghị Chính quyền TPHCM nên xây đê bao để bảo vệ cảng Hiệp Phước. Đồng thời muốn phát triển đô thị tại Hiệp Phước thì phải dựa vào tự nhiên - sống chung với lũ bằng các loại nhà nổi, thấp tầng và mật độ dân số thấp.
Tiến sĩ Cees Veerman, Chủ tịch Ủy ban châu thổ Hà Lan, nói: “Cần cân nhắc việc xây bờ bao cũng như việc giữ lại hệ sinh thái rừng ngập mặn khi phát triển đô thị Hiệp Phước. Nếu không, những tác động của biến đổi khí hậu có thể khiến không chỉ đô thị cảng Hiệp Phước mà cả đô thị TPHCM sẽ bị “nhấn chìm” trong vòng 50 năm tới”.
Khu đô thị cảng Hiệp Phước rộng 3.911,99 héc ta (trong đó có hơn 1.000 héc ta mặt nước, 1.238,5 héc ta đất đô thị, 334,28 héc ta đất cảng, 416,59 héc ta đất dịch vụ cảng, gần 1.000 héc ta đất công nghiệp, 150 héc ta đất dự trữ và cây xanh...), bao gồm toàn bộ xã Hiệp Phước và một phần xã Long Thới, huyện Nhà Bè. Khu đô thị cảng Hiệp Phước được xây dựng thành ba giai đoạn: (i) Giai đoạn 1 đầu tư vào các khu công nghiệp - đã đầu tư hơn 10 năm qua; (ii) giai đoạn 2 đầu tư vào hệ thống cảng và dịch vụ cảng - đang được đầu tư; (iii) giai đoạn 3 phát triển một khu đô thị với quy mô gần 200.000 dân. UBND TPHCM đã giao nhiệm vụ cho Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) lập quy hoạch chung Khu đô thị cảng Hiệp Phước. Công ty IPC đã tổ chức cuộc thi ý tưởng quy hoạch khu đô thị cảng Hiệp Phước. Đầu năm 2008, ý tưởng của Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering được tuyển chọn. Hiện nay, Nikken Sekkei đang thực hiện việc lập quy hoạch chi tiết cho khu đô thị cảng này. |
Quang Chung
>>
- Bàn luận chuyện xây monorail
- Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 tại TPHCM: Bước đột phá phát triển hạ tầng
- Hạ tầng Thành phố Hồ Chí Minh: "Mẹ nghèo đông con đi chợ"
- Sơn Trà - diện mạo đô thị mới
- Thành phố Đà Nẵng - một đô thị phát triển bền vững và hội nhập
- Bình Dương: Lợi thế hạ tầng
- Bài toán nhà cao tầng
- Cần nhìn nhận các khu công nghiệp là đô thị trong tương lai
- Tạo dựng môi trường văn hóa trong "đô thị đại học"
- Các mô hình quy hoạch: Thành phố tươi sáng