Tại buổi tọa đàm “Quy hoạch đô thị để thu hút đầu tư” vừa được tổ chức tại TPHCM, các chuyên gia quy hoạch đô thị nước ngoài cho rằng, quy hoạch phát triển chung của TPHCM đến năm 2020 rất tốt nhưng chưa thực sự hoàn chỉnh để thu hút đầu tư nước ngoài một cách mạnh mẽ trong khi TPHCM hoàn toàn có thể phát triển như Thượng Hải của Trung Quốc.
Đầu tư cho quy hoạch không lãng phí
Các chuyên gia về quy hoạch đô thị cho rằng, nhu cầu về quy hoạch đô thị đang tăng cao khắp các vùng miền Việt Nam. Ông Paul James, Tổng Giám đốc Vina Projects, nhận định, Việt Nam đang có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, dự kiến sẽ đạt tỷ lệ 45% vào năm 2020 so với 28% vào năm 1999. Điều này có nghĩa, gần 40 triệu dân Việt Nam sẽ sinh sống tại khu vực đô thị. Quy hoạch đô thị chuyên nghiệp rất cần thiết nhằm đảm bảo những đô thị mới được quy hoạch một cách hợp lý.
Từ đó người dân Việt Nam mới có chất lượng sống tương tự như các nước đang phát triển và đảm bảo được những mục tiêu kinh tế - xã hội đặt ra. “Một quy hoạch tốt phải được tham vấn ý kiến không chỉ của các chuyên gia mà còn của người dân. Quy hoạch được cho là bền vững khi người dân được đảm bảo chất lượng sống” - ông Paul James nhận xét.
- Ảnh bên : Đường Lũy Bán Bích (quận Tân Phú) thuộc dự án nâng cấp đô thị (Ảnh: Đức Trí)
Ông James Chew, thành viên Viện Quy hoạch Singapore, cũng cho rằng, đầu tư để có một bản quy hoạch đô thị chất lượng không bao giờ lãng phí vì nó sẽ tạo ra những cơ hội thu hút đầu tư. Theo các chuyên gia, một bản quy hoạch chất lượng phải khả thi, minh bạch, có tầm nhìn; mô tả đầy đủ những thông tin liên quan đến tiềm năng và cơ hội phát triển của khu vực để có thể thuyết phục các nhà đầu tư quan tâm đến khu vực đó.
“Bất kỳ một kế hoạch quảng bá nào, dù đó là dự án xây dựng một thị trấn hay một thành phố mới, cũng cần phải dựa trên một bản quy hoạch đô thị hoàn chỉnh, nếu không sẽ rất khó thu hút đầu tư” - ông James Chew nói.
Không chỉ có kinh nghiệm làm quy hoạch ở nhiều nước trên thế giới mà qua 5 năm thực hiện các dự án quy hoạch đô thị tại Việt Nam, ông James Chew thấy rằng, “một quy hoạch tốt sẽ tự nó kiếm được tiền”. Vấn đề phải làm thế nào để các nhà đầu tư nước ngoài chấp nhận đầu tư. Ông cũng nhận xét rằng, khu đô thị mới Thủ Thiêm tại quận 2, TPHCM, nhờ có quy hoạch tổng thể hoàn chỉnh đã thu hút nhiều nhà đầu tư.
Phát triển chưa cân đối
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia quy hoạch đô thị nhận xét, TPHCM nằm ở vị trí địa lý đặc biệt, có mối quan hệ chặt chẽ với các vùng lân cận, có thể định hướng phát triển như TP Thượng Hải (Trung Quốc). Quy hoạch chung của TPHCM rất tốt, trong đó có việc tổ chức quy hoạch khu trung tâm và khu mở rộng; quy hoạch những khu đô thị vệ tinh; hệ thống giao thông được định hướng phát triển cơ bản với những đường vành đai kết nối giao thông trong khu vực thuận lợi… Tuy nhiên quy hoạch này chưa thực sự hoàn chỉnh để thu hút đầu tư.
Góp ý về quy hoạch chung của TPHCM đến năm 2020, ông James Chew cho rằng, quy hoạch này có thể làm tốt hơn nữa ở 2 điểm. Đó là tầm nhìn và phân chia các giai đoạn phát triển của TP một cách hợp lý từ đây đến năm 2020. Ông cũng nhận xét rằng, đô thị TPHCM phát triển chưa cân đối. Cụ thể là sự phát triển không đồng đều giữa phía Đông và phía Tây, khi đa số các dự án bất động sản đều tập trung ở phía Đông TP (quận 2, quận 9…).
Bên cạnh đó, dân số tại khu vực trung tâm phát triển quá nhanh và cơ sở hạ tầng không theo kịp sự phát triển của kinh tế - xã hội. Ông đưa ra ví dụ điển hình, một tòa cao ốc 68 tầng nằm ngay khu vực trung tâm, trong khi con đường ngang qua đó chỉ rộng chừng 8m. Nếu có một hội thảo quốc tế với hàng ngàn người tham dự, phải mất cả giờ gửi xe và di chuyển.
Các chuyên gia còn lưu ý, TPHCM nên chú trọng đến việc giãn dân để nâng cao chất lượng sống người dân. Trong đó, nên ưu tiên việc xây dựng các khu đô thị vệ tinh xung quanh một cách hoàn chỉnh và đồng bộ. “Việc hình thành các đô thị vệ tinh không chỉ kéo giãn dân mà còn tạo điều kiện để công dân trẻ của TP có cơ hội sở hữu nhà riêng thay vì phải sống chung trong căn hộ chật hẹp cùng gia đình ở khu vực trung tâm như hiện nay” - ông James Chew khẳng định.
* Không chỉ ở TPHCM mà thực tế nhiều đô thị trên thế giới cũng phát triển lệch về một phía. Tuy nhiên, theo ý kiến các chuyên gia tại buổi tọa đàm, TPHCM nên đánh giá vì sao phía Tây chưa phát triển, do chưa có cơ sở hạ tầng hay do chưa được đánh giá đúng tiềm năng, để từ đó có cách giải quyết tốt hơn. Chẳng hạn như có thể bổ sung và đầu tư thêm cho quy hoạch khu vực này để TP phát triển cân đối hơn. |
Hạnh Nhung
>>
- Bảo tồn phố cổ bằng những công trình trùng tu mẫu mực
- Quản lý phát triển đô thị bền vững - Một số bài học kinh nghiệm
- Thủ đô Hà Nội: Sắp có những đô thị mới nào?
- Quy hoạch khu trung tâm TP.HCM: Bước đột phá về hạ tầng, giao thông
- Học Trung Quốc quy hoạch đô thị
- Bàn luận chuyện xây monorail
- Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 tại TPHCM: Bước đột phá phát triển hạ tầng
- Hạ tầng Thành phố Hồ Chí Minh: "Mẹ nghèo đông con đi chợ"
- Sơn Trà - diện mạo đô thị mới
- Thành phố Đà Nẵng - một đô thị phát triển bền vững và hội nhập