Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Tính chuyện “thay áo” cho Đà Lạt

Tính chuyện “thay áo” cho Đà Lạt

Viết email In
Ngay sau khi tìm thấy Đà Lạt vào giữa năm 1893, người Pháp nhanh chóng thiết kế quy hoạch vùng đất này khá bài bản với những kiến trúc độc đáo, hài hòa với thiên nhiên. Tuy vậy, một Đà Lạt năm xưa đang đứng trước nguy cơ biến mất trước cơn lốc đô thị hoá như hiện nay. 

Bùng nổ dân số đe dọa kiến trúc

Hơn 100 năm sau khi được người Pháp phát hiện ra Đà Lạt, sự bùng nổ dân số khiến thành phố non trẻ với những nét độc đáo, hiện đại theo kiến trúc phương Tây này đang đứng trước nguy cơ bị phá vỡ. 

Khi mới được người Pháp phát hiện, dân cư bản địa sinh sống ở Đà Lạt rất thưa thớt, chủ yếu là các dân Kơ ho, Mạ, Chu ru, Lạch, Chil… tiếp đó là tù chính trị bị đày lên Đà Lạt và các quan chức người Pháp đã chọn nơi đây làm chốn định cư. 
  • Ảnh bên : Một góc khu trung tâm TP Đà Lạt
Cuối năm 1923, đồ án thiết kế đầu tiên của người Pháp về Đà Lạt được hoàn thành. Cũng trong thời gian này, một loạt các công trình kiến trúc theo kiểu miền Trung và Đông Nam nước Pháp được xây dựng tại Đà Lạt.

Lúc bấy giờ Đà Lạt có khoảng 1.500 dân. Từ những năm 1930 trở đi, người Pháp đã có chủ trương xây dựng Đà Lạt trở thành một thiên đường nghỉ dưỡng ở Đông Dương. Cũng từ đây, dân số của thành phố này bắt đầu tăng lên. Vào cuối năm 1954 dân số Đà Lạt là 52.000 người. 45 năm sau đó (1999), dân số thành phố này mới chỉ trên 100.000 dân thì hơn 10 năm sau (5/2010) Đà Lạt đã có 301.243 dân, với mật độ 469 người/km2. 

Điều đáng nói, tuy có diện tích tự nhiên là 393,29 km2 nhưng chiếm phần lớn tổng số diện tích này là đồi núi. Trong khi tiến hành xây dựng những công trình giao thông cũng như thiết kế, quy hoạch Đà Lạt, người Pháp đã không san ủi tạo ra mặt bằng mà dựa theo địa hình đồi núi để xây dựng những công trình phù hợp. Từ đó tạo ra nét hài hòa giữa các kiến trúc và thiên nhiên mà không nơi nào trên đất nước ta có được. 

Tuy vậy, với sự bùng nổ dân số đã kéo theo cơn lốc đô thị hóa ở Đà Lạt., hiện nay thành phố này chỉ còn giữ được chất khiêm tốn nét “hoang sơ” vốn có. Gần như trong một thời gian dài, quỹ đất ở Trung tâm thành phố này bị thả nổi, mạnh ai nấy làm. 

Chính sự quy hoạch yếu kém và chưa xác định được “tầm nhìn” của các cơ quan chức năng đã khiến cho những khu phố nơi đây trở nên lộn xộn. Trung tâm thành phố xuất hiện ngày càng nhiều “điểm đen”. Đó là sự xuống cấp của chợ Đà Lạt, hệ thống giao thông, nhiều khu dân cư trở nên tồi tệ, nhơ nháp. Việc ùn tắc giao thông thường xuyên diễn ra trong những dịp lễ hội. 

Ông Nguyễn Hữu Tâm – Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng cho biết: “Trước sự “già” đi của thành phố, đã đến lúc chúng ta phải đi tìm một diện mạo mới cho Đà Lạt hôm nay…”. 

Bao giờ Đà Lạt "thay áo" mới?

Thời gian gần đây, những người yêu Đà Lạt đã tỏ ra khá sốt sắng khi hay tin, UBND tỉnh Lâm Đồng đang tính chuyện mời Viện Thiết kế quy hoạch đô thị Paris cùng một công ty thiết kế quy hoạch uy tín khác của Pháp “vẽ” lại bức tranh toàn cảnh Đà Lạt, giai đoạn 2020 – 2050. 

Tin trên được lan truyền chưa lâu thì mới đây, Sở Xây dựng Lâm Đồng lại đưa tin đang tổ chức cuộc thi “Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị khu Trung tâm Hòa Bình và Chợ Đà Lạt để chọn ra một “mẫu” tốt nhất rồi triển khai thực hiện. 
  • Ảnh bên : Bản đồ nghiên cứu quy hoạch và thiết kế đô thị trung tâm TP Đà Lạt
Theo nội dung quy hoạch của Sở Xây dựng Lâm Đồng, toàn bộ khu Hòa Bình và chợ Đà Lạt rộng khoảng 29ha sẽ được “lột xác” bằng những tòa nhà hiện đại, đa chức năng. Đó là khu Trung tâm Hòa Bình với diện tích đất dự kiến xây dựng khối cao tầng Trung tâm dịch vụ, thương mại khoảng 4.000m2, có chiều cao tối đa là 45m (không kể khối tầng hầm). 

Riêng khu chợ C Đà Lạt, diện tích đất giao cho nhà đầu tư xây dựng là 5.032,40m2, có chiều cao kiến trúc tối đa là 49m. Đẩy mạnh các hoạt động thương mại – dịch vụ cao cấp, hạn chế mô hình kinh doanh mang tính đơn lẻ, quy mô nhỏ, quy hoạch hệ thống chợ lân cận gắn với khu dân cư tập trung trong thành phố. 

Giám đốc Sở Xây dưng Lâm Đồng – Nguyễn Hữu Tâm cho biết: “Toàn bộ những khu nhà lụp xụp dọc đường Phan Bội Châu (phía giáp chợ), một phần giáp đồi Dinh Tỉnh trưởng cũ, chợ bán quần áo, rạp Hòa Bình, khối nhà đối diện khu triển lãm Hòa Bình cùng toàn bộ dãy ki ốt trên đường Nguyễn Thị Minh Khai sẽ được giải tỏa. Nơi đây phải mọc lên một Trung tâm thương mại – dịch vụ hiện đại cho xứng tầm một thành phố đô thị loại I”. 

Tuy nhiên, trước câu hỏi của PV là: UBND tỉnh Lâm Đồng đã có chủ trương mời Viện Thiết kế quy hoạch đô thị Paris, cùng một công ty thiết kế quy hoạch uy tín khác của Pháp quy hoạch lại Đà Lạt, giai đoạn 2020 – 2050, khi Sở Xây dựng triển khai thực hiện ý tưởng này rồi mà người Pháp vào quy hoạch Đà Lạt lại không cùng quan điểm với cách quy hoạch của Sở Xây dựng thì sao? Chúng ta lại phá bỏ chăng? 

Đến lúc này ông Nguyễn Hữu Tâm mới “giật mình” cho biết: “Quả thật chúng tôi thiếu sót trong tính toán chỗ này. Nếu vậy, trước khi triển khai thực hiện, Sở Xây dựng sẽ mời các KTS người Pháp phản biện lại quy hoạch của chúng tôi để tìm ra sự thống nhất trong cách quy hoạch chung của Đà Lạt”. 

Tất nhiên, trên đây mới chỉ là “Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị khu Trung tâm Hòa Bình và Chợ Đà Lạt” của Sở Xây dựng Lâm Đồng, còn Đà Lạt bao giờ mới được “thay áo mới” và chiếc “áo mới” được thay đó như thế nào thì chúng ta hãy chờ!... 

Khắc Lịch
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo