Sự biến đổi khí hậu đang làm thay đổi sâu sắc diện mạo các đô thị, đặt chính trị và xã hội trước những thánh thức mới. Với chủ đề Biến đổi khí hậu và phát triển đô thị bền vững, các chuyên gia cùng giới làm chính sách VN và Đức thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, vừa thảo luận về tác động của sự biến đổi khí hậu và những giải pháp khả dĩ cho việc phát triển đô thị bền vững.
Viễn cảnh vô cùng nguy hiểm đối với VN do bờ biển dài của đất nước và dân số cao tập trung tại những vùng có cao độ thấp của khu vực ven biển.Mặc dù VN chỉ góp phần rất nhỏ gây ra các vấn đề về biến đổi khí hậu, nhưng lại là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Các mối đe dọa tàn phá từ biến đổi khí hậu có lẽ sẽ gây nguy hại cho những tiến bộ rất lớn của đất nước đạt được trong hai thập kỷ qua.
Thảm họa là tiềm tàng
Một thời gian ngắn trước khi công bố bản báo cáo đánh giá thứ tư của Ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) vào cuối năm 2007, một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy VN là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên toàn cầu từ các hậu quả của hiện tượng biến đổi khí hậu: trong 84 quốc gia đang phát triển ven biển được điều tra về mực nước biển dâng (sea level rise - SLR), VN đứng đầu về những tác động đến dân số, GDP, khả năng mở rộng đô thị và khác khu vực đất ngập nước, cũng như xếp hạng 2 đối với các ảnh hưởng về quỹ đất (sau Bahamas) và khả năng mở rộng đất nông nghiệp (sau Ai Cập).
Cho đến nay, các tác giả nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới vẫn giữ nguyên ý kiến cho rằng hậu quả của SLR là “thảm họa tiềm tàng”. Cũng như vậy, bản đánh giá nổi tiếng về kinh tế học của hiện tượng biến đổi khí hậu xác nhận mức độ tổn thương cao của VN đối với các biến đổi khí hậu: VNxếp thứ 4 sau Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, nếu tính trên lượng người lớn nhất tuyệt đối sống ở các vùng ven biển có cao độ thấp và dễ bị tổn thương, (low elevation coastal zones - LECZ), được xác định là vùng tiếp giáp dọc theo bờ biển có cao độ thấp hơn 10 m trên mực nước biển. Khoảng 43 triệu người VNhoặc hơn 55% dân số cả nước (38% dân số đô thị Việt Nam) đang sinh sống tại những vùng LECZ. Đây là tỉ lệ phần trăm cao nhất trên toàn thế giới. Đặc biệt, sinh kế trong các vùng đồng bằng chủ yếu, tập trung đông dân cư của sông Cửu Long và sông Hồng đang bị ảnh hưởng. Ví dụ, tới 20.000 km2 của lưu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ngập sau mực nước biển tăng 1m (SLR) theo IPCC. Hiện nay, các khu vực này đã phải chịu dựng sự xâm thực của nước biển. Đương nhiên sau đó sẽ là hậu quả của sự mất mát dần dần của rừng ngập mặn vốn có lợi cho nuôi trồng thủy sản.
Di dân - mất đất - ngập lụt
Trong một nghiên cứu tại VN mới công bố của TS Michael Waibel, Đại học Hamburg (Đức) cho thấy, các đô thị trong khu vực đồng bằng châu thổ như Cần Thơ hay các đô thị nằm gần châu thổ sông Mekong như TPHCM không chỉ có nguy cơ bị đe dọa trực tiếp bởi SLR mà còn có thể phải chịu áp lực di cư lớn của người tị nạn biến đổi khí hậu từ các khu vực xung quanh. Chẳng phải nghi ngờ gì, tình trạng tan rã của dân cư và hệ quả di cư liên quan đến khí hậu sẽ là hậu quả của hiện tượng biến đổi khí hậu ở VN.
Cũng như vậy, các nguồn lực kinh tế - xã hội, chẳng hạn như tiến trình công nghiệp hóa liên tục và lối sống mới sẽ tiếp tục kéo dòng di cư từ các vùng nông thôn vào trong các đô thị VN. Tuy nhiên, hiện tượng biến đổi khí hậu đang làm hạn chế dần quỹ đất đai dự trữ cho sự tăng dân đó.
Hiện tượng biến đổi khí hậu cũng làm tăng những thiên tai ảnh hưởng đến sinh kế như lũ lụt, sóng nhiệt cũng như biến đổi dày hơn về nhiệt độ và lượng mưa. Đã có những chứng cứ về việc các cụm dân cư vùng thấp ven biển (như tại vùng đô thị TPHCM) cũng phải đối mặt với nguy cơ bão nhiệt đới. Những khả năng này sẽ nguy hiểm hơn nữa khi kết hợp với triều cường và (hoặc) dòng chảy mạnh. Chỉ cần thêm 50 cm chiều cao nước triều cường vào SLR với mực nước lụt khoảng 1,5 m - mà đã xảy ra ba lần tại TPHCM trong năm 2008 - sẽ có mực nước dâng lên đến +2.0 m. Điều này sẽ dẫn đến cơn lụt rộng 300 km2 tại TPHCM với 2 triệu cư dân do địa hình đặc thù của đô thị. Thực tế cũng đã cho thấy, những sự kiện ngập lụt trong thời gian qua đã gây khá nhiều hạn chế lên đô thị VN.
Khí hậu đô thị thay đổi
Biến đổi khí hậu và phát triển đô thị liên quan với nhau chặt chẽ và thường tương tác tiêu cực. Theo TS Michael Waibel, tiến trình kinh tế rộng lớn của đô thị VN đã chứng kiến đô thị - không gian đô thị tăng trưởng nhanh chóng - diễn ra chủ yếu trong vùng phụ cận và vùng ven đô thị. Chẳng hạn sự tăng trưởng đô thị đang diễn ra hiện nay tại khu vực Nam Sài Gòn hoặc các khu đô thị mới CIPUTRA tại Hà Nội dẫn đến việc phủ kín bề mặt các khu vực có giá trị thu nước. Điều này làm giảm khả năng thẩm thấu nước của đô thị trong trường hợp có mưa lớn. Nhìn chung, tiến trình đô thị hóa trong hai thập kỷ qua đã đống hành cùng với sự biến mất rộng lớn của các thực thể thu nước. Sự mất mát rộng khắp của các khu vực thu nước để dành đất cho xây dựng khiến cho các khu đô thị hiện hữu và các khu mới được quy hoạch tăng khả năng bị ngập lụt hơn do mưa lớn hơn, bão tràn vào và những con sông tràn nước. Đặc biệt mối hiểm họa càng gia tăng khi hạ tầng kỹ thuật không đầy đủ.
Hệ quả của biến đổi khí hậu cũng có thể là một động lực hoàn toàn mới trong tiến trình tái cấu trúc đô thị ở giai đoạn trung và dài hạn. |
Mất đi các thực thể nước và mảng xanh cũng như tăng môi trường xây dựng cũng gây ra các hậu quả trên khí hậu đô thị: Thủ phủ như Hà Nội và TPHCM càng ngày càng phải chịu ảnh hưởng từ hiệu ứng đảo nhiệt đô thị. Hiện tượng này dễ thấy tại các khu vực nội thành xây dựng dày đặc. Thậm chí hiện nay, nhiệt độ ở các khu vực này cao hơn 8-10 độ hơn nhiệt độ trung bình của các khu vực xung quanh. Các đảo nhiệt đô thị có thể quy trách nhiệm cho sự yếu kém trong quy hoạch đô thị. Ngăn chặn hoặc hạn chế tối thiểu hiện tượng đảo nhiệt đô thị, một hệ thống ở cấp độ thành phố của không gian mở cần được tổ chức nhắm thông gió và phát triển các khu vực tạo gió mát. Ví dụ, độ vươn cao thiếu phối hợp của các tòa nhà cao tầng trong lòng trung tâm đô thị có thể gây bất lợi cho hành lang thông gió và làm nghiêm trọng hơn các vấn đề đảo nhiệt đô thị. Đảo nhiệt đô thị góp phần gây áp lực lên sức khoẻ con người, đặc biệt người già và trẻ em. Điều này dẫn đến việc sử dụng gia tăng máy điều hòa nhiệt độ tương đương với nhu cầu năng lượng chung cao hơn.
Cơ hội cho các đô thị?
Các đô thị VN đang chứng kiến sự tăng tiêu thụ năng lượng không cân xứng của đô thị xuất phát từ việc thực thi chiến lược công nghiệp hóa xuất khẩu, tiến trình đô thị hóa ngoại ô và nâng chất lượng cuộc sống cũng như lối sống sử dụng nhiều nguồn tài nguyên hơn của người dân đô thị. Trong trường hợp của các đô thị trong thời kỳ quá độ như TPHCM hay Hà Nội, sự gia tăng này đã trở thành nguồn thải khí nhà kính lớn nhất trong phạm vi cả nước.
Biến đổi khí hậu và mực nước biển tăng đe dọa đường lối phát triển không gian đô thị nói chung của đô thị Việt Nam. Nguy cơ bất lợi có thể là tiềm tàng. Nhưng các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, hệ quả cũng có thể là một động lực hoàn toàn mới trong tiến trình tái cấu trúc đô thị ở giai đoạn trung và dài hạn. Biết đâu, điều này sẽ tạo nên các đô thị mới bền vững và thích ứng hơn với những biến đổi khôn lường của thiên nhiên. Song, đáng tiếc, với các thách thức (và cả cơ hội) to lớn này, hệ thống hiện tại của quy hoạch, hướng dẫn và thực thi phát triển đô thị ở VN dường như chưa được chuẩn bị!
Lý Ngọc Thanh
>>
- Quy hoạch đô thị cũ phải có sự đồng thuận của dân
- Zoning: công cụ của nhà quy hoạch
- Hạn chế phát triển nhà phân lô liền kề
- Hồn đô thị...
- Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Quảng Ngãi đến năm 2030
- Biến đổi khí hậu và bài toán quy hoạch đô thị - Bài 2
- Sức sống mới phía Đông (TPHCM)
- Kỳ tích đê sông Hồng
- Nhà cao tầng ở trung tâm và bài toán kẹt xe
- Biến đổi khí hậu và bài toán quy hoạch đô thị - Bài 1