Từ một vùng đất thấp trũng, lầy lội ven bờ sông Sài Gòn, quận 2 đã trở mình, vươn lên một cách mạnh mẽ và nay là một quận có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc phát triển của TPHCM trong tương lai. Ở đó không chỉ có đô thị mới Thủ Thiêm mà còn có khu cảng biển container lớn nhất Việt Nam.
Vươn mình
Sự thay da đổi thịt của một quận xưa kia là bưng biền, lau sậy um tùm sẽ thật bất ngờ với nhiều người khi thấy diện mạo của quận 2 ngày hôm nay. Hàng loạt dự án trọng điểm và công trình hạ tầng giao thông được đầu tư đã giúp cho quận 2 từ vùng quê đã trở thành một khu đô thị sầm uất. Đi qua quận 2 giờ đây không phải xuống phà Thủ Thiêm hoặc đánh một vòng ra mãi ngoài Thủ Đức mới tới được, mà từ trung tâm TP theo đường Nguyễn Hữu Cảnh, rồi đi qua cầu Thủ Thiêm, chỉ khoảng 10 phút đi xe máy là bạn đã có thể đặt chân tới quận 2.
Ông Lê Minh Bá, người dân sống lâu năm ở quận 2, nhớ lại: “Cách đây khoảng hơn chục năm, mặc dù chỉ cách nhau một con sông thôi nhưng giữa quận 2 và quận 1 là cả một khoảng cách rất lớn về mọi mặt”. Rồi ông Bá hồ hởi kể tiếp: “Khoảng 3 năm nay, khi cây cầu Thủ Thiêm đã hoàn thành, người dân chúng tôi thường hay gọi là “cây cầu mơ ước”, không chỉ nối liền hai bờ vui mà còn xóa luôn khoảng cách giữa một trung tâm sầm uất như quận 1 và một quận ven nông thôn như quận 2".
- Ảnh bên : Một khu chung cư tái định cư ở quận 2 (Ảnh: Cao Thăng)
Không chỉ có cầu Thủ Thiêm, năm ngoái người dân tại quận 2 cũng đã có thể chạy bon bon một mạch tới quận 7 trên cây cầu Phú Mỹ rất hiện đại. Sắp tới đây hầm Thủ Thiêm hoàn thành sẽ kéo quận 2 gần hơn với trung tâm hiện hữu của TPHCM. Cầu hay hầm Thủ Thiêm đều là những công trình giao thông trọng điểm của TPHCM được xây dựng nhằm tạo điều kiện cho đô thị mới Thủ Thiêm phát triển.
Gặp người dân tại đây, ai nấy đều phấn khởi: Khi cầu Thủ Thiêm hoàn thành hay lúc hợp long hầm Thủ Thiêm đều tác động rất tích cực đến đời sống của người dân và sự phát triển của quận.
Từ một khu ốc đảo, hiện nay quận 2 đã có những khu biệt thự, những dự án nhà ở cao cấp nằm ven sông Sài Gòn đẹp mê hồn. Trong tương lai, khi Khu đô thị mới Thủ Thiêm được hoàn thành, quận 2 trở thành trung tâm tài chính - dịch vụ - thương mại cao cấp, có hệ thống hạ tầng hiện đại với một không gian sống và làm việc rất lý tưởng.
Có thể nói, chưa có quận huyện nào trên địa bàn TPHCM lại hấp dẫn các nhà đầu tư phát triển đô thị như quận 2. Theo bà Trần Thị Hồng Nguyệt, Chánh Văn phòng UBND quận 2, hiện nay hơn 90% diện tích đất quận 2 đã “phủ kín” các dự án xây dựng khu dân cư mới với khoảng 300 dự án đang được thi công xây dựng. Trong đó, có nhiều công trình trọng điểm của TP như đường Vành đai phía Đông, Liên tỉnh lộ 25B giai đoạn 2, xa lộ Hà Nội giai đoạn 2, Khu đô thị mới Thủ Thiêm…
Từ cầu Thủ Thiêm để đến quận 2, chúng tôi thấy dọc tuyến đường Lương Định Của, người dân đã di dời, giao trả mặt bằng để giao cho các chủ đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Điều đáng nói, ngày càng nhiều người dân tự nguyện giao mặt bằng để cùng chung tay để phát triển một đô thị quận 2 đẹp hơn, đàng hoàng hơn.
Đáp đền bù lại sự hy sinh của người dân, dự án 12.500 căn hộ tái định cư cho người dân thuộc 5 phường trung tâm của Thủ Thiêm hiện cũng đang trong giai đoạn xây dựng. Bà Trần Thị Hồng Nguyệt cho biết, 3 công trình thuộc dự án 12.500 căn hiện nay đang được gấp rút xây dựng. Vào tháng 12-2010, 600 căn chung cư đầu tiên của 1.884 căn thuộc dự án 17,3 ha sẽ được chủ đầu tư bàn giao để bố trí cho người dân thuộc 5 phường trung tâm tại Thủ Thiêm, số còn lại sẽ được hoàn thành và bàn giao vào cuối năm 2011.
Thay đổi từng ngày
Cùng với quận Thủ Đức và quận 9, quận 2 là một trong những quận cửa ngõ phía Đông của TP, thông thương trực tiếp với các trung tâm công nghiệp ở miền Đông Nam bộ như Đồng Nai, Bình Dương… Không chỉ có thế, trên địa bàn quận 2 còn có khu cảng biển container Cát Lái, cho đến thời điểm hiện nay vẫn là khu cảng biển container lớn nhất Việt Nam, với tổng lượng container lưu thông chiếm 70% lượng container qua toàn bộ hệ thống cảng Việt Nam.
Do vậy, ở quận 2 không chỉ có Đô thị mới Thủ Thiêm mà còn có một trung tâm giao thương hàng hải quan trọng của TPHCM. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông cho quận 2 phục vụ cho việc đi lại của người dân và để lưu thông hàng hóa, vì thế luôn được Đảng bộ chính quyền TPHCM cùng Đảng bộ chính quyền quận 2 quan tâm.
Khoảng hơn một tháng trước, cầu Giồng Ông Tố mới đã được thông xe. Đây là cây cầu nằm trên tuyến Liên tỉnh lộ 25B-con đường huyết mạch nối khu cảng container Cát Lái với xa lộ Hà Nội, thông ra quốc lộ 1A để đi tới Đồng Nai, Bình Dương.
Trục đường này, trong thời gian gần đây liên tục bị kẹt xe do lượng hàng hóa lưu thông qua lại tăng cao. Cầu Giồng Ông Tố mới chỉ là một hạng mục của toàn bộ dự án mở rộng đường Liên tỉnh lộ 25B nhưng bước đầu cũng đã giúp cải thiện đáng kể tình trạng quá tải ở đây.
Ông Đinh Nam Dinh, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TPHCM, cho biết nhờ có cầu này thời gian lưu thông qua toàn bộ tuyến Liên tỉnh lộ 25B đã giảm khoảng 10% so với trước. Tất nhiên, mục tiêu cuối cùng của Đảng bộ, chính quyền quận 2 không dừng ở đây. Theo bà Trần Thị Hồng Nguyệt, quận đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thi công toàn bộ tuyến Liên tỉnh lộ 25B để nhà thầu có thể sớm triển khai dự án.
Bên cạnh dự án mở rộng Liên tỉnh lộ 25B, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội cũng đang được UBND quận 2 xúc tiến mạnh mẽ (phần giải phóng mặt bằng). Bà Trần Thị Hồng Nguyệt cũng cho biết thêm, quận 2 hiểu rằng, cùng với việc mở rộng Liên tỉnh 25B thì phải triển khai ngay việc mở rộng xa lộ Hà Nội vì hai tuyến đường này thông thương với nhau, có vậy hoạt động giao thương hàng hóa giữa khu cảng Cát Lái với các khu công nghiệp-khu chế xuất ở Đồng Nai, Bình Dương mới thông thoáng.
Hoạt động của các cảng biển, đặc biệt là các cảng biển ở Cát Lái, trung bình mỗi năm đóng góp cho ngân sách thành phố hàng chục ngàn tỷ đồng. Do vậy, quận 2 tự nhận thấy phải có trách nhiệm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cho 2 tuyến đường huyết mạch này.
HẠNH NHUNG - NGUYỄN KHOA
>>
- Hạn chế phát triển nhà phân lô liền kề
- Hồn đô thị...
- Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Quảng Ngãi đến năm 2030
- Cơ hội tái cấu trúc đô thị
- Biến đổi khí hậu và bài toán quy hoạch đô thị - Bài 2
- Kỳ tích đê sông Hồng
- Nhà cao tầng ở trung tâm và bài toán kẹt xe
- Biến đổi khí hậu và bài toán quy hoạch đô thị - Bài 1
- Tính chuyện “thay áo” cho Đà Lạt
- Bảo tồn phố cổ bằng những công trình trùng tu mẫu mực