Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM đang phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện nghiên cứu về các chính sách, biện pháp nhằm giải quyết nạn kẹt xe, nhất là tại khu trung tâm thành phố.
Hạn chế xe gắn máy tại trung tâm
Tại buổi trao đổi với hơn 80 đại diện các doanh nghiệp, tổ chức đang hoạt động tại Việt Nam do Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tổ chức ngày 29/9 tại TPHCM, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, ông Nguyễn Trọng Hòa cho biết viện đang nghiên cứu chính sách hạn chế xe hai bánh, liên quan đến việc thu phí xe tại khu vực trung tâm thành phố để giảm bớt tình trạng kẹt xe tại khu vực này.
Ông Hòa nói: “Chúng tôi đang tính bài toán làm sao hạn chế xe hai bánh vào khu trung tâm thành phố hoặc là tuyến đường nào ưu tiên cho xe buýt thì sẽ giảm xe gắn máy”. Ông cho biết có những con đường vừa ưu tiên xe buýt và cả xe gắn máy như hiện nay sẽ không giải quyết được vấn nạn ách tắc giao thông.
Ông Hòa cho rằng cần phải thực hiện những chính sách phù hợp, có thể một số người dân không đồng tình, nhưng cần phải được nghiên cứu thực hiện nếu những chính sách này đảm bảo sự phát triển bền vững cho thành phố.
Tại buổi trao đổi trên, ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc TPHCM, cho biết một trong những ưu tiên của chính quyền thành phố là phát triển hệ thống vận tải công cộng và đã đầu tư rất nhiều cho xe buýt trong thời gian qua. Nhưng, năng lực vận chuyển của các phương tiện giao thông công cộng chỉ mới đáp ứng khoảng 7% nhu cầu, mà mục tiêu là đưa tỷ lệ lên 20-30%.
Trong định hướng phát triển TPHCM, chính quyền thành phố sẽ ưu tiên phát triển hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hệ thống tàu điện ngầm (metro). Theo quy hoạch, thành phố sẽ có 6 tuyến metro và đã khởi công depot của tuyến metro dài hơn 19 km từ Bến Thành đi Suối Tiên và dự kiến tuyến này sẽ được đưa vào hoạt động năm 2015.
TPHCM cũng đã nhận được cam kết tài trợ vốn ODA từ châu Âu cho tuyến metro từ Bến Thành đi quận 12, và từ Tây Ban Nha cho tuyến metro số 5 từ quận 8 đến cầu Sài Gòn và tuyến số 6 từ Bà Quẹo, quận Tân Bình đi Phú Lâm, quận 6.
Xây cao ốc được xem xét kỹ
Ông Hòa cho rằng việc xây các tòa cao ốc tại trung tâm TPHCM trong thời gian qua là do áp lực đầu tư vì “có rất nhiều người muốn đầu tư, sẵn sàng bỏ tiền ra đầu tư và thành phố muốn phát triển kinh tế mà không cho đầu tư thì không được”. Nhưng, nếu chỉ quy hoạch từng công trình, hoặc một nhóm công trình thì không hợp lý.
- Ảnh bên : Các dự án nhà cao tầng sẽ tiếp tục được xây dựng tại khu trung tâm TPHCM nhưng sẽ được xem xét cẩn trọng hơn (Ảnh: Mộng Bình)
Theo ông Hòa, trong thời gian tới, việc xây dựng các nhà cao tầng tại trung tâm sẽ phải tuân thủ theo phần quy hoạch dành cho khu trung tâm. Mặc dù việc phát triển các công trình cao tầng tại khu trung tâm không phải không cho phép, nhưng sẽ được cân nhắc kỹ hơn và phải dựa vào quy hoạch tổng thể khu trung tâm này.
Vào thời điểm hiện tại, nếu các công ty xin đầu tư các dự án cao tầng ở khu trung tâm thì Sở Quy hoạch-Kiến trúc cũng khó quyết định khi quy hoạch khu trung tâm chưa thực hiện xong. Ông Dũng của Sở Quy hoạch-Kiến Trúc cho biết, có thể vào cuối năm nay quy hoạch chi tiết khu trung tâm sẽ được hoàn thành.
Ông Dũng nói trong quá trình nghiên cứu quy hoạch, có rất nhiều dự án cần thiết phải xây dựng do nhu cầu phát triển. Theo thông tin ban đầu thì hiện có hơn 255 dự án nhà cao tầng nhưng chỉ có hơn 100 dự án sẽ được thực hiện.
Tuy nhiên, việc xây dựng các nhà cao tầng rồi đây sẽ được thành phố xem xét cẩn trọng. Sở Quy hoạch-Kiến trúc và Hội đồng Kiến trúc Quy hoạch thành phố sẽ xem xét cụ thể từng dự án và sẽ báo báo với lãnh đạo thành phố để cùng tìm ra hướng giải quyết nhằm đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.
Ông Dũng nói nếu nghiên cứu các thành phố có quy mô tương ứng với TPHCM thì khu trung tâm TPHCM cũng chưa nhiều nhà cao tầng lắm, và bằng chứng là hệ số sử dụng đất chung cho khu trung tâm chưa đến 2 trong khi nghiên cứu sơ bộ của tư vấn nước ngoài thì hệ số hợp lý sẽ là khoảng 3,6. Điều này có nghĩa sẽ tiếp tục có những dự án nhà cao tầng được mọc lên. |
Ông Hòa nói toàn bộ khu vực xung quanh dinh Thống Nhất không được phép xây các tòa nhà cao tầng. Ví dụ như nhà đầu tư dự án tại khuôn viên của quán Ngon cũ trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa xin xây mấy chục tầng, nhưng không được phép nên phải xây thấp tầng.
Hiện Sở Quy hoạch-Kiến Trúc TPHCM đang quản lý cấp phép xây dựng chặt chẽ để bảo tồn không gian của thành phố. “Có những việc đáng lẽ chúng ta phải làm từ 10-20 năm trước đây… Thà rằng chúng ta làm bây giờ còn hơn là không làm gì cả”, ông nói.
Khống chế tăng dân số
Trong điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 đã được Chính phủ phê duyệt, dân số thành phố khoảng 10 triệu người, trong đó dân số tại khu vực nội thành sẽ 7-7,4 triệu người và dân số ngoại thành khoảng 2,6-3 triệu người. Số khách vãng lai và tạm trú (dưới 6 tháng) khoảng 2,5 triệu người.
Ông Hòa cho biết không gian TPHCM hiện không phát triển được thêm được vì có các khu bảo tồn, hệ thống sông rạch, do vậy phải cố gắng giữ dân số trong khoảng 10 triệu dân. TPHCM hiện đang “cầu cứu” đến quy hoạch của cả vùng, phát triển các vùng để kéo giãn dân ra khỏi thành phố, còn nếu dân số vượt mức 10 triệu thì TPHCM sẽ không chịu nổi, sẽ bị kẹt xe mãi mãi.
“Do vậy việc khống chế dân số TPHCM ở mức 10 triệu người là yếu tố quan trọng, vì đây là khả năng dung nạp, khả năng lưu thông tối đa mà thành phố có thể đáp ứng được. Khả năng này dựa vào hệ thống đường bộ, đường vành đai, cầu vượt, cầu cạn, trường học, bệnh viện, nhà ở trong quy hoạch", ông Hòa phân tích.
Ông Hòa cho biết cần phải khống chế tăng dân số tự nhiên vì đây là chủ chương chung của nhà nước. Gần đây cũng đã có dấu hiệu của giảm tăng dân số cơ học vì các doanh nghiệp hiện gặp khó khăn trong việc tuyển dụng công nhân. Trước đây, nguồn công nhân tại các khu công nghiệp tại TPHCM chủ yếu đến từ miền Trung và ĐBSCL, nhưng các vùng này hiện đang phát triển mạnh, do vậy bài toán phát triển cùng xung quanh đã có tác dụng.
Theo điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM, dự báo đất xây dựng đô thị đến năm 2025 khoảng 90.000-100.000 héc-ta, trong đó khu nội thành khoảng 49.000 héc-ta và khu vực ngoại thành khoảng 40.000-50.000 héc-ta. |
Bình Nguyên
>>
- Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Quảng Ngãi đến năm 2030
- Cơ hội tái cấu trúc đô thị
- Biến đổi khí hậu và bài toán quy hoạch đô thị - Bài 2
- Sức sống mới phía Đông (TPHCM)
- Kỳ tích đê sông Hồng
- Biến đổi khí hậu và bài toán quy hoạch đô thị - Bài 1
- Tính chuyện “thay áo” cho Đà Lạt
- Bảo tồn phố cổ bằng những công trình trùng tu mẫu mực
- Quản lý phát triển đô thị bền vững - Một số bài học kinh nghiệm
- Thủ đô Hà Nội: Sắp có những đô thị mới nào?