“Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” được Chính phủ báo cáo tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XII vừa qua, sau khi đã tiếp thu những ý kiến tham gia góp ý về định hướng phát triển không gian, về tổ chức thực hiện quy hoạch khi được phê duyệt... Chính phủ đã có Báo cáo số 79/BC-CP bổ sung một số nội dung trong “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”.
Mở rộng đô thị trung tâm, xây dựng các đô thị vệ tinh
Định hướng quy hoạch chung (QHC) của Thủ đô Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình chùm đô thị, gồm đô thị trung tâm hạt nhân và các khu đô thị vệ tinh được liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với hệ thống giao thông vùng Thủ đô và quốc tế. Theo đó, Thủ đô Hà Nội gồm 1 đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh cùng các thị trấn sinh thái và vùng nông thôn.
(click vào hình ảnh để xem lớn hơn - ảnh: SGTT)
Đô thị trung tâm được xác định tiếp tục mở rộng khu vực nội đô hiện nay về phía Nam sông Hồng đến đường vành đai 4 và phía Bắc sông Hồng (gồm Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh) nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại về hạ tầng đô thị và dân số.
Đô thị vệ tinh được phát triển dựa trên các đô thị hiện có như: Sơn Tây, Xuân Mai, Sóc Sơn, Phú Xuyên. Chỉ có Hoà Lạc là đô thị phát triển mới. Các đô thị vệ tinh, chủ yếu khai thác quỹ đất vùng gò, đồi, bán sơn địa phía Tây và phía Bắc Hà Nội, không ảnh hưởng đến đất nông nghiệp.
Dân số tăng, nhưng trung tâm sẽ được xây dựng?
Dự báo dân số Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 khoảng 9,4 triệu người. Dân số tăng, trong đó thành thị có khoảng 6,4 triệu và nông thôn khoảng 3 triệu người. Tỷ lệ đô thị hoá ước tính khoảng 68,8% kéo theo nhu cầu về nhà ở, văn phòng làm việc, cơ sở kinh doanh... cũng tăng nhanh. Do đó, phục vụ cho quá trình phát triển đô thị là bài toán sử dụng đất được dự báo đến năm 2030 là: Quỹ đất xây dựng tăng khoảng 125.500ha (chiếm 37,5% tổng diện tích đất tự nhiên toàn TP). Trong đó, đất xây dựng mới khoảng 113 triệu m2 nhà ở (vì, đến 2030, nhà ở đô thị phấn đấu đạt 18m2/người và nhà ở nông thôn đạt 15m2/người).
Đến năm 2020, quy mô đào tạo vùng đồng bằng sông Hồng là 1,8 triệu sinh viên, tập trung tại các đô thị vệ tinh như: Hoà Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên - Phú Minh, Chúc Sơn - Sóc Sơn. Dự kiến chỉ tiêu là 50 - 60m2/sinh viên.
Theo định hướng QHC, Thủ đô Hà Nội sẽ xây mới các trung tâm giao thương, tài chính - thương mại quốc tế (10 - 15ha) tại Tây Hồ Tây; hội chợ triển lãm thương mại quốc tế (10 - 15ha) tại Mỹ Đình, Đông Anh; trung tâm dịch vụ trung chuyển hàng hoá gắn với các mạng lưới chợ đầu mối nông sản tổng hợp cấp vùng (50-100ha) ở khu vực Mê Linh, Thường Tín, Phú Xuyên, Hoà Lạc, Thạch Thất, Gia Lâm; mạng lưới trung tâm buôn bán và mua sắm cấp vùng (20 - 50ha) gắn khu vực đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh và các đầu mối giao thông liên vùng Sóc Sơn, Thường Tín, Phú Xuyên, Hoà Lạc, Chúc Sơn, Gia Lâm.
Cũng theo QHC, đến năm 2030 Thủ đô Hà Nội hình thành 3 vùng công nghiệp, diện tích 800ha, gồm khu công nghiệp Sóc Sơn - Mê Linh, Đông Anh - Gia Lâm, Từ Liêm; dành khoảng 4.500ha phát triển công nghiệp nặng, kho tàng, dịch vụ tiếp vận trung chuyển hàng hoá gắn với sân bay quốc tế Nội Bài và hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng; khoảng 1.500ha phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp đa ngành với vùng nông nghiệp phía Nam Hà Nội và hành lang kinh tế Bắc Nam dọc Quốc lộ 1A; khoảng 2.000ha phát triển khu công nghệ cao Hoà Lạc, công nghiệp chế biến đa ngành tại Xuân Mai, Miếu Môn gắn kết đường Hồ Chí Minh và các tuyến hướng tâm Hà Nội. Ngoài ra, Hà Nội còn dành tới 200ha để xây dựng mạng lưới y tế.
Bài toán quỹ đất cho phát triển đô thị mới
Vấn đề đặt ra là quỹ đất để phát triển đô thị theo QHC sẽ là bài toán rất khó khăn! (Bởi thực tế cho thấy, với tổng diện tích đất sử dụng trên lên tới 3.324km2 và hàng nghìn dự án nằm trong QHC). Đơn cử, chỉ tính riêng năm 2003 (năm thực hiện Luật Đất đai 2003), Hà Nội quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất chỉ được 707ha (đạt 20% kế hoạch cả năm).
Theo tính toán của các nhà chuyên môn thì năng lực thực hiện quy hoạch chỉ có thể nhìn vào nguồn lực từ đất. Trong khi đó, chiến lược và các chính sách kiểm soát, quản lý đô thị hiện còn thiếu gây lãng phí tài nguyên đất đai và nguồn lực đầu tư; làm sao giải quyết được các áp lực đô thị hoá ngày càng gia tăng, ảnh hưởng tới quỹ đất nông nghiệp? Bài toán tìm kiếm và kêu gọi nguồn lực đầu tư cho phát triển đô thị Thủ đô Hà Nội quả là không dễ! Không những thế, hiện Hà Nội, các dự án khu đô thị mới (KĐTM) đang phân tán khắp nơi tuỳ theo đề án của các nhà đầu tư được chính quyền đô thị chấp nhận khiến cho việc kết nối các KĐTM với hệ thống hạ tầng cấp 1 của Thủ đô khó khăn và tốn kém.
Công tác trọng tâm, cấp bách hiện của Hà Nội cần tập trung hoàn chỉnh “Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050” để chính thức được phê duyệt, công bố công khai quy hoạch; xây dựng lộ trình, bước đi cụ thể để triển khai thực hiện; trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và 2030 để triển khai thực hiện QHC, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư phát triển các KĐTM, nhất là xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, đặc biệt là các công trình công cộng, phúc lợi để bảo đảm an sinh xã hội.
Trí Hải
[ Chuyên đề : Quy hoạch Hà Nội mở rộng ]
- Nhà cao tầng ở trung tâm và bài toán kẹt xe
- Biến đổi khí hậu và bài toán quy hoạch đô thị - Bài 1
- Tính chuyện “thay áo” cho Đà Lạt
- Bảo tồn phố cổ bằng những công trình trùng tu mẫu mực
- Quản lý phát triển đô thị bền vững - Một số bài học kinh nghiệm
- Quy hoạch khu trung tâm TP.HCM: Bước đột phá về hạ tầng, giao thông
- Học Trung Quốc quy hoạch đô thị
- Đô thị TP HCM: Chất lượng quy hoạch quyết định sức hút đầu tư
- Bàn luận chuyện xây monorail
- Xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 tại TPHCM: Bước đột phá phát triển hạ tầng