Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Các mô hình quy hoạch: Thành phố tươi sáng

Các mô hình quy hoạch: Thành phố tươi sáng

Viết email In

Mặc dù những thành tựu vĩ đại của Le Corbusier bao gồm một loạt các công trình kiến trúc phản ánh cá tính của ông như biệt thự Savoie tại Passy và nhà thờ Đức Bà tại Ronchamp, sự đóng góp lớn nhất của ông ở khía cạnh lý luận là về lĩnh vực quy hoạch đô thị. Và trong lĩnh vực này, Le Corbusier không chỉ để lại cho hậu thế mô hình Unité d’ Habitation mà ý tưởng về cả một mô hình thành phố mới và quan trọng hơn, ông còn dạy cho một thế hệ các nhà quy hoạch khả năng tư duy ở một phạm vi rộng lớn hơn những gì họ đã quen thuộc trước đó.


Mặt bằng minh họa ý tưởng Thành phố Tươi sáng của Le Corbusier
- Chú thích: A: Dân cư/Văn hóa; B: Công nghiệp nhẹ; C: Công nghiệp nặng; D: Thương mại; E/F: Nhà nước/Giáo dục
 

Những ý tưởng của Le Corbusier về quy hoạch được trình bày trong hai tác phẩm: The City of Tommorrow (Thành phố của tương lai, 1922) và La Ville radieuse (Thành phố tươi sáng, 1933). Trong những tác phẩm này, trước hết, Le Corbusier nhân định rằng hình mẫu đô thị truyền thống không còn phù hợp khi mà các thành phố ngày càng phình to và trở nên chật chội. Thứ hai, sự chật chội lại có thể giải quyết, một cách đáng ngạc nhiên, thông qua việc tăng hệ số sử dụng đất bằng việc tăng tầng cao xây dựng. đồng thời giảm mật độ xây dựng nhằm để lại một diện tích xanh đáng kể trên mặt đất. Le Corbusier nhấn mạnh rằng với những công trình cao tầng, 95% diện tích đô thị sẽ là không gian mở (công viên, quảng trường và đường giao thông). Mục tiêu của Le Corbusier là đạt được mật độ cao, khoảng 2.500 người/hecta đồng thời giành được một diện tích không gian xanh đáng kể. Thứ ba, Le Corbusier, với ý tưởng về những khu dân cư cao tầng và hệ thống đường sắt nội đô, đề xuất sự phân bố đều mật độ khắp thành phố thay vì chỉ tập trung vào trung tâm như trước kia. Cuối cùng, hình thức đô thị mới này, Le Corbusier lập luận, sẽ không chỉ giúp giảm áp lực lên khu trung tâm mà còn phân tán giao thông đều khắp đô thị thay vì tập trung vào hệ thống đường hướng tâm. Ông cũng cho rằng mô hình đô thị mật độ cao mà ông đề xuất sẽ phù hợp với hệ thống giao thông hiện đại bao gồm đường sắt nội đô và đường cao tốc trên cao so với mặt đất nhưng vẫn thấp hơn nhà ở của người dân. Vào những năm 1920, Le Corbusier được coi là cha đẻ của ý tưởng về hệ thống giao thông khác mức, rất lâu trước khi những hệ thống như thế ra đời tại Los Angles và trên khắp thế giới.

Những ý tưởng về đô thị của Le Corbusier, với cách trình bày tới công chúng tương đối cực đoan, không dễ dàng trở thành hiện thực, đặc biệt là vào những năm tháng chiến tranh của nửa đầu thế kỷ 20. Bản thân Le Corbuiser cũng cảm thấy sốt ruột và bối rối với thất bại của bản thân trong việc hiện thực hóa những ý tưởng. Tuy nhiên, ảnh hưởng của ông trở nên mạnh mẽ hơn vào thời kỳ hậu chiến khi châu Âu bước vào giai đoạn tái thiết quy mô lớn.

  • Ảnh bên : Phối cảnh minh họa ý tưởng 'thành phố tươi sáng'

Một điều quan trọng mà Le Corbusier nhấn mạnh rằng sự gia tăng mật độ dân số có thể hỗ trợ hệ thống giao thông công cộng hoạt động hiệu quả. Mặc dù từ “Thành phố vườn”, Howard đã đề xuất phát triển các khu đô thị mới xung quanh các nhà ga đường sắt, Le Corbusier mới là người nhìn thấy mật độ phát triển đô thị như là công cụ hỗ trợ giao thông công cộng để rồi tới cuối những năm 1980, Peter Calthorpe đặt tên và lý thuyết hóa mô hình này: transit-oriented development (phát triển hỗ trợ giao thông công cộng, TOD).

Tài liệu tham khảo:

- Evers, B. et al (2006). Architectural Theory: from the Renaissance to the Present. Koln:Taschen;
- Hall, P. (1992). Urban & Regional Planning (3rd). New York, NY: Routledge.

Nguyễn Đỗ Dũng (Tạp chí Xây dựng, số 04 – 2010) 

>> Thiết kế đô thị: sự tái sinh và ý niệm 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo