Không gian sống của con người là một định nghĩa rất rộng. Nó bao gồm các kiến tạo về môi trường sống do con người tạo ra, từ những loại không gian rộng lớn như đô thị, đến những không gian nhỏ hơn như nhà cửa, chung cư. Công viên cũng là một trong những không gian sống của con người…
Góc thư giãn trong công viên / Công viên, không gian để phát triển nhân cách và văn hóa con người
Bản thân định nghĩa về công viên cũng rất đa dạng. Có công viên rừng. Có công viên biển. Có những công viên trung tâm rộng lớn, nhưng cũng có những công viên “tí hon”. Có những công viên chỉ thuần túy là không gian xanh yên tĩnh, nhưng cũng có những công viên là không gian giải trí nhộn nhịp. Suy cho cùng, công viên, không chỉ là nơi để con người “vùng vẫy”, gặp gỡ và tương tác với nhau, mà còn là nơi có khả năng sản sinh ra giá trị gia tăng cho các khu đất và bất động sản lân cận.
Không nhằm mục đích đưa ra những diễn giải hàn lâm và chi tiết về loại hình không gian sống này, bài viết chỉ là những cảm nhận ngẫu nhiên của người viết về công viên tại TP. Hồ Chí Minh, dưới góc độ là một cư dân đô thị.
Công viên rừng
Những mảng xanh mở và rộng ở khu trung tâm TPHCM cần được nhân rộng
Đây là một loại hình công viên khá đặc biệt. Loại công viên này tồn tại ở TP. Hồ Chí Minh từ rất lâu, có thể đã hơn một thế kỷ, thường có diện tích lớn và giống cây phong phú. Những công viên này là những dấu tích lâu đời nhất của Sài Gòn. Có thể kể đến 3 đại diện, đó là công viên Tao Đàn, Thảo Cầm Viên và công viên Gia Định. Những công viên này là những quần thể sinh vật học còn lưu giữ được trong quá trình hình thành đô thị Sài Gòn, và may mắn, còn tồn tại đến ngày nay.
Ngoài những công viên rừng trong trung tâm, TP. Hồ Chí Minh còn có công viên rừng sác Cần Giờ, được mệnh danh là nơi dự trữ sinh quyển của thế giới với sự đa dạng sinh học.
Công viên giải trí
Những sắc thái văn hóa khác nhau giữa ngày và đêm, giữa các ranh giới khác nhau
Hình thành từ những mảng xanh ít ỏi và vụn vặt còn tồn tại trong quá trình đô thị hóa của Sài Gòn, qua sự thêm thắt của con người, công viên giải trí là những điểm vui chơi của người dân thành phố. Các đại diện của loại hình này có thể kể đến công viên Đầm Sen, công viên Văn Thánh, Khu du lịch Bình Quới, Suối Tiên hay công viên Kỳ Hòa.
Tuy nhiên, loại hình công viên vui chơi giải trí không phục vụ cho toàn bộ cư dân đô thị. Đây là hình thức kinh doanh không gian và cư dân phải trả tiền để được vào vui chơi.
Công viên “tí hon”
Các tổ hợp trò chơi thiếu nhi trong công viên cũng góp phần tạo nên vẻ đẹp thân thiện của không gian
Công viên “tí hon” hình thành và phát triển từ tư duy quy hoạch manh mún trong quá trình phát triển đô thị của thành phố. Đại đa số các công viên loại này không hình thành từ một tư duy không gian đúng nghĩa và đẹp đẽ. Chúng là những góc không gian “dư thừa” có quy mô nhỏ. Thêm vào đó, cách thức và tư duy thiết kế cảnh quan những công viên này mang tính “đại khái” rất cao. Cây trồng thấp, chiếu lệ, đơn điệu và hoàn toàn không tính đến các yếu tố ảnh hưởng bất lợi của thời tiết và mặt trời đối với không gian nghỉ ngơi của con người; vật liệu bề mặt xấu xí và rẻ tiền. Những điều này cộng với quá trình bảo dưỡng kém dẫn đến tình trạng xuống cấp nhanh chóng.
Những công viên loại này thực sự không đáp ứng được nhu cầu giao lưu, tương tác và nghỉ ngơi chuẩn mực của cư dân đô thị. Và hơn thế, nó hoàn toàn không cải thiện được chất lượng không khí và môi trường xung quanh.
Công viên trung tâm
Công viên, nơi các hoạt động văn hóa và giao lưu đô thị "chảy" trong lòng thành phố
TP. Hồ Chí Minh thực sự thiếu một công viên trung tâm thật xanh và hiện đại. Công viên Tao Đàn, công viên Thống Nhất hay Thảo Cầm Viên, mặc dù cũng thuộc khu vực quận 1, nhưng xét về vị trí thì chưa hoàn toàn trung tâm. Và đây đều là những công viên hình thành đã lâu, gắn liền với một cột mốc lịch sử.
Một công viên trung tâm thực sự phải là nơi đánh dấu được sự gìn giữ và phát triển mảng xanh cho thành phố, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của chính quyền đến không gian cộng đồng xanh tươi, để cư dân đô thị “vùng vẫy” và thỏa mãn nhu cầu gặp gỡ, giao tiếp.
Công viên 23 Tháng 9 mặc dù có vị trí trung tâm, nhưng vẫn là một công viên không lớn hơn công viên "tí hon" là bao. Nó sẽ nhỏ hơn và sẽ lọt thỏm vào không gian thương mại cao tầng trên trục Lê Lai - Phạm Ngũ Lão trong tương lai. Đáng buồn!
Công viên và hàng rào
Công viên không hàng rào mang lại vẻ đẹp thân thiện cho đô thị
Công viên tại TP. Hồ Chí Minh gắn liền với tính chất “hàng rào” trong một thời gian rất dài, và nó không thực sự là một không gian xanh công cộng dành cho quần chúng. “Hàng rào” làm thay đổi tính chất và bộ mặt của không gian đô thị, làm cho công viên trở nên hoàn toàn không thân thiện. Tính chất “hàng rào” không làm cho công viên an toàn hơn mà ngược lại, nó tạo nên một ranh giới giữa bên ngoài với bên trong công viên.
May mắn thay, sau một thời gian dài gắn liền với hình ảnh kém thân thiện, các công viên cũng dần dần được “cởi bỏ” hàng rào. Chúng ta đã thấy công viên Tao Đàn bỗng nhiên cởi mở và thân thiện hơn, trở thành một điểm dừng chân dễ dàng và thú vị của rất nhiều người. Công viên Hoàng Văn Thụ cũng trở thành một không gian gặp gỡ đầy hứng thú giữa phố xá nhộn nhịp. Và còn nhiều nữa những công viên đã thoát khỏi “kiếp hàng rào” để trở nên gần gũi và thân thiện hơn với cư dân.
TP. Hồ Chí Minh cần đánh dấu sự phát triển không chỉ bằng những công trình biểu tượng, mà bằng cả những công viên, mảng xanh và không gian công cộng. Sự phát triển các không gian công viên cần một bàn tay quy hoạch tổng thể, mang tính kết nối hệ thống thành một hệ sinh thái liên hoàn, và phải đi trước một bước trong việc quy hoạch giao thông và công trình.
Nhận thức được các giá trị vô hình mà công viên đem lại là một điều rất khó, bởi vì luôn luôn có sự so đo giữa các giá trị thực dụng hữu hình của các công trình và các giá trị vô hình của công viên. Tuy nhiên, bằng linh cảm sâu sắc nhất của loài người, chúng ta biết, chúng ta còn cần và sẽ mãi cần công viên, như là những không gian gợi nhớ về quá khứ khi con người sống giữa thiên nhiên. Đó là giá trị nhân bản nhất của công viên mà không có một giá trị thực dụng nào có thể so sánh được…
Ths.KTS Trần Thái Nguyên - Công ty SYNTAX Planning.Design
- Quy hoạch bờ tây sông Sài Gòn: Giải quyết căn cơ bài toán môi trường và giao thông
- Đô thị sinh thái trong phát triển đô thị Việt Nam
- Mô hình đô thị tương lai
- Nha Trang hướng tới đô thị thân thiện với môi trường
- Xây dựng “Thành phố thông minh”
- Khu dân cư như là một đơn vị quy hoạch
- Tổ chức lại phố đi bộ tại trung tâm TP.HCM
- Chung cư - "Thành phố nhỏ" trong Đô thị
- Gắn quy hoạch giao thông với quy hoạch chung phát triển đô thị
- Điểm dừng nào cho đô thị phát triển theo chiều rộng?