Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Khu dân cư như là một đơn vị quy hoạch

Khu dân cư như là một đơn vị quy hoạch

Viết email In

Một khu dân cư, hay vẫn được gọi mơ hồ hơn là “một cộng đồng”, là một tiểu khu trong một đô thị mà những đặc điểm về xã hội và môi trường sống phân biệt chúng với những khu dân cư khác (Rohe 2009). Từ buổi bình minh của đô thị tới thời kỳ đương đại, khu dân cư đã luôn được xem là một đơn vị cơ bản của quy hoạch thành phố nhằm giải quyết những thách thức chính trị và xã hội của thời đại. Phụ thuộc vào vấn đề muốn giải quyết và phần cấu thành của đô thị được quan tâm (khu trung tâm, khu phố cũ hay khu ngoại ô mới), những nhà tư tưởng tiên phong về đô thị đã phát triển những luận đề và những nguyên tắc khác nhau cho việc kiến tạo khu dân cư như một đơn vị quy hoạch.


Một sơ đồ thể hiện mô hình 'đơn vị khu dân cư' của Clarence Perry minh họa những nguyên lý cơ bản, trích từ New York Regional Survey, Vol 7. 1929

Khu dân cư là một công cụ chính trị

Khu dân cư trước hết được nhìn nhận như một công cụ chính trị để nâng cao sự hiểu biết giữa các thành viên của cộng đồng cũng như trao quyền cho họ. Ý tưởng đầu tiên về tổ chức không gian đô thị nhằm đạt được một mục đính chính trị nhất định đã ra đời từ rất lâu trong lịch sử văn minh của loài người. Triết gia Aristotle vào thế kỷ 3 trước Công Nguyên đã đề xuất các polis (thành-bang) có quy mô tối ưu là 5000 công dân (Công dân được xác định là nam giới ở tuổi trưởng thành). Quy mô dân số này đủ nhỏ để “tiếng nói của một công dân có thể được lắng nghe bởi tất cả các công dân khác trong cộng đồng” (Kitto in LeGates et al 2003, p.22). Một số nhà đô thị của thế kỷ 20 cũng có cùng một quan điểm, Christopher Alexander giới hạn mô hình cộng đồng lý tưởng của ông ở mức 10.000 người để đảm bảo mỗi cá nhân đều có một tiếng nói đáng kể (Talen 2006). Nhà lý thuyết quy hoạch Fainstein (1987) bảo vệ mô hình khu dân cư trong quy hoạch như là một cơ chế để địa phương hóa và phi tập trung hóa công tác quy hoạch cũng như làm cho chính quyền đô thị trở nên nhạy cảm hơn đối với nhu cầu và ước nguyện của công dân cũng như các cộng đồng trong lòng một thành phố. Tuy nhiên, chức năng chính trị này của quy hoạch khu dân cư mà bà Fainstein chủ trương có thể không quan trọng như vậy trong những vùng đô thị tan vỡ về quyền lực chính trị ở Bắc Mỹ như tại Montreal (Canada) nơi mà 3 triệu người sống trong 99 đơn vị hành chính hoàn toàn độc lập (Lightbody 1998).

Ở một khía cạnh khác, khi một thành phố phát triển thành một đại đô thị khổng lồ, mô hình khu dân cư trong quy hoạch có thể bị phê phán như một nỗ lực chính trị nhằm giảm bớt sức nặng chính trị trong tiếng nói của công dân. Nhà phê bình quy hoạch Jane Jacobs trong tác phẩm kinh điển Cái chết và sự sống của những thành phố lớn nước Mỹ (1961) lo ngại rằng khi một thành phố bị chia thành những khu dân cư nhỏ, mỗi khu như vậy sẽ không có sức mạnh chính trị để tác động vào câc quyết định quy hoạch ở cấp độ thành phố. Bà đề xuất rằng các khu dân cư gần hợp nhất thành những khu vực lớn hơn để có thể được tính đến trong quá trình ra quyết định ở thành phố. Tất nhiên góc nhìn này rõ ràng phản ánh quan điểm của một nhà họat động cộng đồng tại New York trong cuộc chiến đấu chống lại những quyết định lạnh lùng và cứng rắn từ chính quyền thành phố New York thời bị lũng đoạn bởi “nhà môi giới quyền lực” Robert Moses.


Jane Jacobs trong một buổi họp cộng đồng khu dân cư Greenwich Village ở New York

Khu dân cư là một công cụ xã hội

Trong khi mà dường như không có sự đồng thuận cho cơ sở chính trị của một khu dân cư trong thành phố, vai trò xã hội của đơn vị đô thị này nhằm giảm nhẹ và thậm chí giải thoát cư dân khỏi sự phi-cá-nhân, bất ổn, cô lập và xa lánh của môi trường sống đô thị được chấp nhận rộng rãi hơn, đặc biệt là vào đầu thế kỷ 20. Mặc dầu những nhà xã hội học đã là những người đầu tiên nêu lên tầm quan trọng của cộng đồng địa phương nơi những tương tác gần gũi giữa con người với con người diễn ra, chính những nhà tổ chức các khu tạm trú cho người nhập cư từ nông thôn lên thành phố và từ các quốc gia khác tới Mỹ vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 như Samuel Barnett và Jane Addams (người phụ nữ đầu tiên đoạt giải Nobel Hòa bình) mới là những người đề ra ý tưởng về khu dân cư như một đơn vị quy hoạch thông qua những nỗ lực không ngừng nhằm cung cấp dịch vụ xã hội ở địa phương (Talen 2006). Mang những dịch vụ cần thiết tới cư dân địa phương ngay trong khả năng năng tiếp cận của họ và khuyến khích sự tương tác xã hội giữa những con người này, những lý tưởng và nguyên tắc mà các nhà cải cách này theo đuổi, đã đặt nền tảng đầu tiên cho quy hoạch khu dân cư. Cũng từ góc nhìn về cung cấp dịch vụ xã hội, Fainstein (1987) nhận ra rằng chức năng của quy hoạch khu dân cư phát triển sau này thành một cơ sở cho việc kết hợp các nguồn lực công cộng, tư nhân và các tổ chức phi lợi nhuận và sự phát triển của cộng đồng.

Vào năm 1923, nhà xã hội học Clarence Perry tạo ra một bước tiến vược bậc trong lịch sử quy hoạch bằng việc giới thiệu công thức “đơn vị (quy hoạch) khu dân cư” (neighborhood unit vẫn được dịch là “đơn vị láng giềng” tại Việt Nam) như là một phương tiện nhằm giải quyết các vấn đề xã hội của thành phố và cung các các dịch vụ xã hội trong phạm vi đi bộ từ nơi ở (Rohe 2009 và Talen 2006). Công thức “đơn vị (quy hoạch) khu dân cư” của Perry là kết quả của kinh nghiệm cá nhân sống trong khu Forest Hills Gardens, một khu dân cư xây theo mô hình “Thành phố Vườn” của Ebenezer Howard ở ngoại ô New York (Talen 2006), nhưng quan trọng hơn là những nghiên cứu xã hội mà ông thực hiện với tổ chức Russel Sage Foundation và nhóm của bà Jane Addams trong chiến dịch vận động mở cơ sở vật chất của các trường học cho người dân địa phương có thể sử dụng cho các hoạt động văn hóa, thể thao và xã hội (Rohe 2009). Điều này giúp giải thích tại sao mà trường học lại đóng vai trò trung tâm trong ý tưởng về đơn vị quy hoạch của ông. Clarence Perry còn tiến xa hơn khi dự báo rằng xe hơi sẽ phổ biến trong tương lai cho nên ông bố trí các tuyến đường chính không xuyên cắt khu dân cư mà chạy vòng quanh thành đường ranh giới tự nhiên. Cũng nguyên lý này mà Perry đã đưa ra một lý lẽ logic cho việc chia thành phố thành những đơn vị rời rạc. Với việc những tuyến giao thông chính được bố trí ở biên của khu dân cư, hành lang giao thông được giải phóng khỏi áp lực xây dựng đô thị và các cộng đồng khỏi tiếng ồn, ô nhiễm và rủi ro tai nạn.

Thật không may mắn là công thức quy hoạch này trở nên vô cùng phổ biến và thúc đẩy ý tưởng về các khu dân cư như những cộng đồng tự tồn tại mà các dịch vụ được bố trí để chỉ phụ vụ cư dân của những cộng đồng này. Được thị trường hóa theo thời gia như là một công thức để xây dựng hàng loạt, đơn vị (quy hoạch) khu dân cư trở thành vỏ bọc chính sách cho việc cô lập những nhóm xã hội không mong muốn hay xây dựng những biệt khu cho người giàu, tách biệt sử dụng đất và cuôí cùng tạo ra môi trường đô thị không thân thiện với người đi bộ. 

  • Ảnh bên : Hull House tại Chicago do Jane Addams thành lập vào năm 1889 bao gồm 13 tòa nhà với nhiều dịch vụ xã hội như dạy nghề cho phụ nữ, dạy ngôn ngữ và văn hóa cho người nhập cư, dạy học phổ thông cho trẻ em. Tòa nhà còn có cả phòng tập thể dục, nhà hát, lớp học âm nhạc, lớp học vẽ và một vườn ươm cây. Chính từ dự án này mà Jane Addams đã khởi đầu ý tưởng rằng một số dịch vụ cần phải được cung cấp ở cấp độ cộng đồng.

Không ai khác mà chính là Jane Jacobs là người nhận ra đầu tiên những vấn đề xã hội của công thức đơn vị (quy hoạch) khu dân cư. Trước hết, bà cũng có cùng quan sát như Clarence Perry và các nhà quy hoạch cộng đồng khác rằng các thành phố lớn đã trở nên quá lớn và phức tạp cho mỗi cá nhân có thể nắm bắt trọn vẹn, do đó mà cư dân cần ‘khu dân cư’ có quy mô không gian và xã hội nhỏ hơn. Tuy nhiên, bà phủ nhận công thức của Perry. Jane Jacobs (1961) cho rằng thành phố với sự hoàn chỉnh của nó không thể bị chia nhỏ thành những đơn vị biệt lập. Thêm nữa, mỗi công dân của một thành phố có một khái niệm xã hội và không gian riêng về ‘cộng đồng’ mà trong đó họ tương tác và có cảm thức cộng đồng. Và mặc dù không ai tranh đấu mạnh mẽ hơn Jane Jacobs cho một đô thị thân thiện với người đi bộ, bà thấy việc tổ chức khu dân cư xung quanh một điểm trung tâm (trong công thức của Perry là trường tiểu học) là ngớ ngẩn bởi mỗi cá nhân sẽ định nghĩa không gian cộng đồng riêng của họ dựa trên khả năng di chuyển và nơi mà họ chọn để tương tác và sử dụng dịch vụ. Nếu thành phố cần tổ chức thành những tiểu khu nhằm tạo ra một cơ chế (tự nguyện) kiểm soát xã hội, có 3 loại hình ‘khu dân cư’ mà Jane Jacobs cho rằng sẽ thích hợp với chức năng này: 1/ toàn bộ thành phố như là một thể thống nhất, 2/ khu phố (tổ chức theo tuyến đường), và 3/ tập hợp một số tiểu khu thành khu lớn. Mô hình toàn thành phố sẽ nơi diễn ra các hoạt động kinh tế và các quyết định chính trị mà mọi cư dân sẽ chịu tác động. Đó cũng là không gian nơi mà cư dân tìm thấy cộng đồng cho những quyền lợi và nhu cầu riêng biệt (ví dụ: cộng đồng các nhà làm phim hay cộng đồng các nhà kinh doanh địa ốc). Loại hình thức hai là nguồn gốc của cuộc sống đô thị sống động, tương tác xã hội và sự kiểm soát hành vi phi chính thức. Và loại hình ‘khu dân cư’ thứ ba, khu vực, là nguồn gốc của quyền lực nhân dân. Tuy nhiên, Jacobs đã không thảo luận về sự hình thành và cấu trúc của các khu đô thị mới, những khu mà thường được triển khai như là những dự án bất động sản tư nhân hoặc là các dự án phát triển hạ tầng công cộng. Việc dự án hóa và thương mại hóa sự phát triển đô thị trong một nền kinh tế thị trường như Hoa Kỳ thực tế đòi hỏi việc định ranh giới rõ ràng và công thức hóa các dự án xây dựng ‘khu dân cư’. Việc Jane Jacobs chỉ quan tâm vào các trung tâm đô thị hiện hữu mà bỏ qua việc hình thành các khu dân cư mới ở bìa thành phố hoặc thậm chí bên ngoài ranh đô thị – không gian phát triển vốn là mối quan tâm chính của Clarence Perry – giải thích lý do mà Jacobs phủ nhận mô hình ‘đơn vị (quy hoạch) khu dân cư’.

Việc đồng ý về sự cần thiết phải thực hiện quy hoạch ở quy mô ‘khu dân cư’ trong đô thị, dù là ở cấp độ tiểu khu hay khu vực, đều phản ánh một nhu cầu của chúng ta về một cơ chế ra quyết định “tỷ lệ thân thiện với con người”. Ở một mặt khác, sự bất đồng giữa các nhà tư tưởng đô thị về quy mô không gian và hình thức ‘khu dân cư’ thể hiện sự khó khăn trong việc ‘phiên dịch’ từ mong muốn rất nhân bản về những cộng đồng mang ý nghĩa xã hội sang mô hình không gian của chúng. Cuối cùng, sự bất đồng về mẫu hình ‘khu dân cư’ như một đơn vị quy hoạch cần được hiểu trong hoàn cảnh của những vẫn đề và nhu cầu đô thị mà những nhà quy hoạch và những nhà tư tưởng phải đối mặt trong thời đại của họ.

Tham khảo:

  • Fainstein, S. (1987). The rationale for neighborhood planning. Policy Studies Journal, Vol.16, No.2
  • Jacobs, J. (1992). The Death and Life of great American cities. New York, NY: Vintage books
  • LeGates, R. & Stout, F. (eds, 2003). The City Reader. New York, NY:Routledge.
  • Lightbody, J. (1998). The comparative costs of governing Alberta’s Metropolitan areas. Western Centre for Economic Research, Bulletin #48, January.
  • Talen, E. (2006). New Urbanism & American Planning: The conflict of cultures. New York, NY: Routledge
  • Rohe, W. (2009). From Local to Global: 100 years of neighborhood planning. Journal of the American Planning Association, Spring 2009, Vol. 75, No. 2

Nguyễn Đỗ Dũng 

 

Lời bình  

 
0 # thienan 30/05/2011 16:24
Bai viet cua ban ko dich chinh xac, tu ngu mo ho va roi ram qua.
Trả lời | Trả lời kèm trích dẫn | Trích dẫn
 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo