Ashui.com

Monday
Dec 09th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Gắn quy hoạch giao thông với quy hoạch chung phát triển đô thị

Gắn quy hoạch giao thông với quy hoạch chung phát triển đô thị

Viết email In

Quan hệ giữa quy hoạch giao thông với quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết của đô thị

Trong phương pháp quy hoạch chung của một đô thị thì người ta thường định hình trước bố cục không gian đô thị, và căn cứ vào điều kiện, tiềm năng cụ thể của từng địa bàn để phân định rõ chức năng của từng khu vực trong đô thị sau đó mới kết nối lại bằng hệ thống giao thông. Cụ thể là người ta thường xác định trước đâu là khu trung tâm, đâu là các khu dân cư, đâu là các khu công nghiệp, khu đầu mối giao thông, đâu là các đô thị vệ tinh… rồi sau đó mới tạo lập hệ thống giao thông nối kết chúng lại với nhau.

Tuy nhiên trong thực tế, nhiều khi do mối quan hệ giao kết với các trục giao thông chính của khu vực hay của quốc gia mà những tuyến giao thông chính của đô thị được hình thành trước rồi sau đó các khu chức năng của đô thị dựa theo đó mà hình thành nên. Thế nhưng, thông thường các ý tưởng về tổ chức không gian đô thị cũng đồng thời xuất hiện với các ý tưởng về việc hình thành bộ khung chính của hệ thống giao thông, đó là những trục đường chính của đô thị.

Như vậy, là chỉ sau khi bố cục tổ chức không gian đô thị và hệ thống giao thông chính được xác định thì bộ xương cốt của đô thị coi như mới được hình thành và người ta mới có thể căn cứ vào đó để xác lập những quy hoạch trong phạm vi nhỏ hơn.

Ở TPHCM cũng đã làm như vậy nhưng không hoàn chỉnh, nhất là ở những khu vực phát triển đô thị mới, nên đã xảy ra tình trạng phát triển giao thông không đồng bộ với phát triển đô thị, tạo ra vấn nạn về giao thông. Quy luật là trong các quy hoạch của các phạm vi nhỏ hơn đó thì quy hoạch giao thông với các cơ sở hạ tầng kỹ thuật khác kèm theo phải đi trước một bước, rồi sau đó mới có thể tiến hành lập các quy hoạch chi tiết 1/500 cho các khu ở hoặc các khu chức năng nhỏ khác.

Lâu nay ta thường làm ngược quy trình này cho nên hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật thường không đồng bộ, không hoàn chỉnh. Vấn đề chủ yếu ở đây là trước khi giao dự án đầu tư chi tiết với các chức năng cụ thể cho các chủ đầu tư riêng lẻ thì trước tiên phải có một chủ đầu tư chung về hạ tầng kỹ thuật cho cả khu vực.

Mạng lưới giao thông trục chính của các đô thị lớn

Mạng lưới giao thông chính của các đô thị lớn là các đường vành đai và các trục xuyên tâm. Mạng lưới này không chỉ có ý nghĩa về giao thông đơn thuần mà còn là đường ranh giới khống chế sự phát triển đô thị theo quy hoạch. Nhược điểm lớn của TPHCM là không có quy hoạch mạng lưới giao thông này rõ ràng từ ban đầu và quan trọng hơn là thiếu kế hoạch đầu tư kịp thời. Nếu như khi xây dựng đường Nguyễn Văn Linh đồng thời với việc xây dựng cầu Phú Mỹ và trục đường 25B thì ta đã giải phóng được từ lâu nạn xe tải, xe container đi xuyên qua trung tâm thành phố.

Quy hoạch chỉnh trang cải tạo nội thành và việc cải tạo mạng lưới đường giao thông hiện hữu

Diện tích giao thông quá nhỏ, nhiều tuyến đường quá chật hẹp và hàng ngàn con hẻm nhỏ, không có chỗ đỗ xe… đó là hiện trạng mạng lưới giao thông của thành phố. Thực ra nhiều tuyến đường đã có có quy định lộ giới rộng hơn (kể cả từ trước ngày giải phóng), và hầu hết các con hẻm đã có biển cắm quy định hẻm giới rộng hơn, nhưng mở đường, mở hẻm theo đúng quy hoạch thì gần như là vấn đề rất nan giải, bởi cái lý mà ai cũng nhìn thấy là động đến vấn đề an sinh xã hội quá lớn. Có lẽ cần phải có những giải pháp như sau:

1 - Mở rộng đường theo đúng lộ giới đã quy định. Dĩ nhiên không phải tất cả các tuyến đường đã có lộ giới quy định đều phải mở rộng, mà hết sức cần thiết ở một số tuyến quan trọng hoặc quá quá tải. Do trước đây đã có quy định lộ giới rõ ràng, không cho phép xây dựng nhà kiên cố trong lộ giới và có cam kết tháo dỡ vô điều kiện khi xây nhà tạm, nên thành phố đã có đủ cơ sở về mặt pháp lý trong việc giải tỏa mở rộng đường.

2 - Hiện tượng ùn tắc giao thông thường xảy ra ở các ngã tư, ngã năm, vòng xoay…, do vậy rất cần thiết nghiên cứu xây dựng cầu vượt hoặc hầm chui ở những nơi này.

3 - Việc cải tạo các con hẻm phải đồng thời với việc cải tạo chỉnh trang từng cụm dân cư, từng ô phố mới có thể thực hiện được. Dĩ nhiên đây là cả một sự nghiệp rất lâu dài. Thành phố mà chủ yếu là các quận – huyện sẽ căn cứ vào những điểm bức xúc nhất để từng bước thực hiện việc chỉnh trang cải tạo.

4 - Giao thông tĩnh luôn luôn là vấn đề nan giải đối với các thành phố lớn. Khác với các thành phố đã ổn định về mặt cấu trúc đô thị, TPHCM đang trong quá trình cải tạo hiện đại hóa với việc xây dựng hàng loạt nhà cao tầng, trong đó các tầng hầm có thể giải quyết một cách khá tốt vấn đề đỗ xe cho đô thị, nhất là ở khu trung tâm. Các khu ở mới cũng sẽ được giải quyết chỗ đỗ xe theo phương thức trên. Ngoài ra việc chỉnh trang cải tạo các khu dân cư nhếch nhác hiện nay cũng như việc mở rộng các tuyến đường lớn, rất cần có quy hoạch dành đất cho những bãi đỗ xe kể cả xe cá nhân và xe công cộng. Việc kêu gọi đầu tư xây dựng những bãi đỗ xe ngầm là rất cần thiết, về mặt hiệu quả kinh tế thì các nhà đầu tư sẽ tính toán, nhưng về mặt quy hoạch địa điểm thì thành phố sẽ phải xem xét kỹ để không ảnh hưởng đến những luồng giao thông quan trọng và để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những người gửi xe.

  • Ảnh bên : Hệ thống vận tải hành khách công cộng tại TPHCM còn nhiều bất cập (Ảnh: Kim Ngân)

Thay đổi phương thức di chuyển của người dân

Muốn thay đổi nó một cách triệt để phải đồng thời với việc thay đổi cấu trúc đô thị bằng những khu ở chung cư tập trung, bằng một lối sống đô thị mới và bằng những phương tiện vận chuyển văn minh hơn, thuận tiện hơn. Đây là cả một sự nghiệp rất lớn và rất lâu dài. Mặc dù vậy, ngay từ bây giờ thành phố phải sớm xây dựng hệ thống tàu điện ngầm, nổi và có những chính sách hạn chế dần xe 2 bánh. Hiện nay thành phố sử dụng khá nhiều xe buýt cỡ lớn chạy trên nhiều tuyến đường, nhưng hiệu quả không cao. Phải chăng nên có một phương tiện “quá độ” nào đó thích hợp hơn với hoàn cảnh hiện tại như các loại xe buýt nhỏ, như xe lam ở Sài Gòn trước đây, như dạng xe tuktuk ở Bangkok và Mumbai, như loại xe Jeep cải tiến ở Manila. Các loại xe này có thể chạy trên những tuyến đường nhỏ hẹp, ngóc ngách, không kềnh càng trên đường và có thể dừng đỗ một cách linh hoạt rất tiện lợi cho hành khách.

KTS Lưu Trọng Hải

“Hãy đốt lên một ngọn lửa, còn hơn nguyền rủa bóng đêm”

Sau gần 10 năm phục hồi, tuy bước đầu đã thu được một số kết quả đáng khích lệ nhưng xe buýt TPHCM vẫn còn lâu mới đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Nhiều xe buýt đã cũ kỹ, không ít tài xế, tiếp viên còn chưa có thái độ phục vụ hành khách chu đáo. Đặc biệt, nhiều tài xế xe buýt còn không đảm bảo lộ trình, bỏ tuyến, bỏ trạm… mà hàng trăm lỗi vi phạm liên quan đến các hành vi này được Trung tâm Quản lý Điều hành Vận tải hành khách Công cộng ghi nhận là một bằng chứng. Mạng lưới tuyến của thành phố đang được quy hoạch lại song vẫn còn nhiều bất cập, chồng chéo…

Mà nào đã hết, hạ tầng kỹ thuật: đường sá, vỉa hè rồi việc tổ chức các không gian sống thuận tiện cho phát triển xe công cộng cũng chưa được chuẩn bị tốt. Không ít khu phố của TPHCM phát triển như vết dầu loang với các con đường nhỏ, thiếu vỉa hè… hoàn toàn bất lợi cho xe công cộng hoạt động. Mặt khác sử dụng xe cá nhân đã trở thành thói quen của một bộ phận không nhỏ người dân. Người dân có thể đi bất cứ thời gian nào và xe cá nhân sẵn sàng “đưa đón” họ ngay tại cửa nhà. Chắc chắn một điều rằng, những câu chuyện chưa tốt về xe buýt và việc sử dụng xe cá nhân tiện lợi ra sao, người ta có thể nói cả ngày không hết…

Thế nhưng, cứ chê bai, cứ phê phán thì giải quyết được vấn đề gì? Bảo “ngồi đợi” đến khi xe buýt được tổ chức tốt thì mới đi, biết đợi đến bao giờ khi mà muốn xe buýt tốt lên thì mỗi người dân phải góp sức vào? Tất nhiên, trong việc này Nhà nước phải có trách nhiệm lớn hơn nhưng Nhà nước cũng không thể làm tốt chức trách của mình nếu không nhận được sự đồng lòng chia sẻ của người dân. Đi nhiều nước tiên tiến về, đa phần ai cũng suýt xoa về hệ thống vận tải hành khách công cộng của họ song đâu phải tự nhiên họ có được một hệ thống vận tải thuận tiện ấy.

Hơn nữa “đấu tranh” với một thói quen, nhất là một thói quen đang mang về cho người ta một sự tiện lợi nhất định nào đó, đương nhiên là không dễ. Tự thân mỗi người có thói quen đó phải tự đấu tranh với chính mình. Đối với những người có trách nhiệm, đấu tranh với thói quen của một bộ phận không nhỏ người dân lại càng không dễ.

Bên cạnh việc hoàn thiện các dịch vụ vận tải công cộng, những người có trách nhiệm cần có bản lĩnh để hướng dẫn, thậm chí để cưỡng chế những người vì lợi ích riêng mà quên đi lợi ích chung của toàn xã hội. Lợi ích cụ thể ở đây là chống ùn tắc, tai nạn giao thông, tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường bằng cách sử dụng phương tiện giao thông công cộng và hạn chế xe cá nhân. “Hãy đốt lên một ngọn lửa, còn hơn nguyền rủa bóng đêm”, một nhà hiền triết đã khuyên như vậy.

Nguyễn Khoa 

[ Chuyên đề : Giao thông đô thị ]

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo