Mới đây, UBND TP.HCM đã phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu trung tâm KĐTM Thủ Thiêm, Q.2, với diện tích 657ha. Phạm vi điều chỉnh gồm 5 khu vực chính: Khu lõi trung tâm chính, khu vực hồ trung tâm, khu châu thổ phía nam, khu dân cư phía đông, khu phía bắc đại lộ Đông - Tây và dọc theo đại lộ Vòng cung gắn với khu dân cư phía bắc. Các khu này thuộc địa bàn các phường: An Khánh, Thủ Thiêm, An Lợi Đông và một phần phường: Bình An, Bình Khánh.
Trung tâm Thông tin quy hoạch (Sở QH-KT TP.HCM) cho biết, KĐTM Thủ Thiêm gồm 8 khu chức năng. Mỗi khu có đặc điểm riêng về công năng sử dụng hỗn hợp, mật độ xây dựng, không gian công cộng và các công trình điểm nhấn.
Theo đó, khu chức năng số 1 sẽ được xây dựng tại một nửa phía bắc khu lõi trung tâm. Đây là khu trung tâm thương mại dịch vụ đa chức năng mật độ cao. Các tòa tháp cao nhất được bố trí dọc theo đại lộ Vòng cung và Quảng trường Trung tâm và giảm dần về phía sông Sài Gòn và hồ trung tâm. Trung tâm hội nghị triển lãm, cầu đi bộ qua kênh số 1 sẽ kết nối với Nhà bảo tàng. Nhà hát giao hưởng và Trung tâm thông tin quy hoạch sẽ là những công trình điểm nhấn. Các công trình này sẽ cao từ 4 - 50 tầng, hệ số sử dụng đất trung bình là 6,94 lần.
Phía nam khu lõi trung tâm sẽ là khu chức năng số 2. Đó là một khu phức hợp mật độ cao với các chức năng thương mại, dân cư đa chức năng và thể thao giải trí. Toàn khu được chia thành 3 khu nhỏ. Các công trình cao tầng cũng được bố trí dọc theo đại lộ Vòng cung và Quảng trường với chiều cao giảm dần về phía sông Sài Gòn và hồ trung tâm. Điểm nhấn quan trọng của khu vực này sẽ là Tháp Quan sát (khoảng 86 tầng), sân vận động, nhà thi đấu đa năng, trường học và trung tâm hành chính địa phương. Hệ số sử dụng đất trung bình toàn khu 4,89, chiều cao công trình từ 4 - 50 tầng.
Khu chức năng số 3 và 4 được xác định là khu dân cư hỗn hợp nằm dọc bờ bắc Thủ Thiêm, dưới chân cầu Thủ Thiêm 1. Theo đó, dọc tuyến đại lộ Vòng cung sẽ bố trí khu thương mại cao tầng, mật độ dân cư sẽ thấp dần về phía bờ sông Sài Gòn và rạch Cá Trê lớn. Trường học, nhà bảo tàng, trung tâm sinh hoạt cộng đồng… sẽ là điểm nhấn của 2 khu vực này. Hệ số sử dụng đất trung bình từ 3,23 - 4,06 lần, chiều cao công trình từ 4 - 25 tầng.
Khu chức năng số 5, bao gồm khu công trình công cộng phía bắc đại lộ Đông Tây, khu dân cư mật độ thấp phía nam đại lộ Đông Tây cùng các công trình thương mại đa chức năng bố trí dọc theo tuyến đại lộ Đông Tây và đường Bắc - Nam. Hệ số sử dụng đất trung bình toàn khu 1,47, chiều cao công trình từ 4 - 10 tầng.
Dọc theo đại lộ Đông Tây và giữa các kênh rạch tự nhiên của bán đảo Thủ Thiêm sẽ là khu chức năng số 6. Tại đây dự kiến bố trí Công viên phần mềm ở phía bắc tuyến đại lộ Đông Tây, kế cận là Bệnh viện quốc tế. Tại phía nam đại lộ Đông Tây là khu chức năng bao gồm các khối thương mại hỗn hợp nằm dọc theo tuyến hành lang chính, phía sau là các khu ở yên tĩnh và mật độ thấp hơn. Toàn khu vực được bố trí các tuyến giao thông công cộng như xe buýt và tàu điện ngầm. Các công trình sẽ cao từ 4 - 40 tầng.
Cực đông của Thủ Thiêm sẽ là khu số 7 với nhiều chức năng khác nhau. Khu ở phức hợp tạo nên cửa ngõ phía đông của Thủ Thiêm với các toà nhà có độ cao từ trung bình đến cao tầng (4 - 25) với đầy đủ hệ thống hạ tầng và dịch vụ công cộng; Khu khách sạn nghỉ dưỡng vùng châu thổ phía nam kết hợp hài hòa với điều kiện cảnh quan tự nhiên của Thủ Thiêm. Khu phức hợp bến du thuyền được đề xuất tại nơi giao nhau tại rạch Cá Trê lớn và sông Sài Gòn, tạo thành cảng hành khách du lịch. Xung quanh khu cảng dự kiến là một quần thể các khu thương mại như nhà hàng, cửa hiệu và chòi nghỉ.
Khu chức năng số 8, là khu ngập nước phía nam sẽ có chức năng bảo tồn sinh cảnh có vai trò quan trọng với hệ sinh thái của môi trường đô thị. Hầu hết khu vực này là đất trồng đước, các tuyến giao thông thủy sẽ được nạo vét, các dự án phát triển nhưng phải rất cân nhắc nhằm bảo tồn khu vực quan trọng này của bán đảo hiện hữu.
Đây sẽ là khu vực chứa nước khi có đợt triều cường từ sông Sài Gòn đổ vào. Khi đó, nước sẽ được lọc và đổ ngược vào hệ thống giao thông thủy. Tại đây sẽ có khách sạn nghỉ dưỡng vùng châu thổ phía nam nổi (dựng trên hệ cọc), công viên nước và khu nghiên cứu thực vật. Hệ số sử dụng đất trung bình toàn khu 0,34, chiều cao công trình tối đa 4 tầng.
Giao thông công cộng tại KĐTM Thủ Thiêm sẽ phát triển tuyến tàu điện ngầm (M) nối từ khu trung tâm hiện hữu tại trạm cuối đường Hàm Nghi vượt sông Sài Gòn, đi ngầm sang Thủ Thiêm theo hướng từ tây sang đông về phía Q.2. Tại Thủ Thiêm có 3 nhà ga gồm đại lộ Vòng cung, Cung Thiếu nhi và bệnh viện Quốc tế; tuyến tàu điện tốc hành trên cao nối Thủ Thiêm với sân bay Long Thành (Đồng Nai); tuyến xe buýt nội bộ khép kín đi dọc đại lộ Vòng cung, qua khu ngập nước phía nam, đường dọc kênh số 3; các tuyến xe buýt đô thị sẽ kết nối Thủ Thiêm với các hướng khác nhau của TP qua các cầu vượt sông Sài Gòn, đường Trần Não, đại lộ Đông Tây. Ngoài ra còn có tuyến phà dọc sông Sài Gòn với 3 trạm dừng tại Thủ Thiêm và tuyến taxi thuỷ với 9 trạm dừng.
Được biết, với sự điều chỉnh này, khu trung tâm của KĐTM Thủ Thiêm sẽ là một trung tâm hiện đại cấp khu vực gắn với mục tiêu khai thác có hiệu quả kinh tế đô thị trong quá trình đầu tư phát triển thực tế nhưng không làm thay đổi lớn về ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị, không làm thay đổi lớn và thu hẹp quỹ đất dành cho giao thông, công trình công cộng..
Hậu Bình
- Quản lý, cải tạo và phát triển đô thị theo dự án lớn
- Đô thị ngầm - kết quả của quy hoạch không gian ngầm đô thị
- Kiến tạo “Hòn ngọc Viễn Đông mới”
- Nhà ở thấp và nhiều tầng trong mối quan hệ giữa đô thị mới và cũ
- "Quy hoạch phi chính thức"
- Quản lý xây dựng công trình ngầm tại các đô thị Việt Nam
- Đất công cộng trong các khu đô thị mới
- Cải tạo đô thị và các vấn đề liên quan đến nhà ở cũ nát
- Đổi mới phương pháp quy hoạch
- Điều gì làm nên một thành phố năng động, thú vị?