Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị Điều gì làm nên một thành phố năng động, thú vị?

Điều gì làm nên một thành phố năng động, thú vị?

Viết email In

Không gian công cộng đóng vai trò quan trọng đối với chất lượng sống của người dân và sự thịnh vượng của đô thị. Nó nâng cao hình ảnh của đô thị, thu hút khách du lịch và tạo ra những hoạt động kinh tế quan trọng, tăng sự hấp dẫn và khả năng cạnh tranh. Điều này góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng cho cuộc sống đô thị sinh động, tươi mới và giàu bản sắc hơn.

Các nước đã làm gì cho đô thị của mình?

“Các cơ hội giao tiếp (gặp gỡ, nói chuyện, mua bán) trong thành phố càng loãng và phân tán, thành phố cành mất đi bản chất của nó: nơi tập trung các cơ hội giao tiếp. Điều gì làm nên một thành phố năng động, và là một địa điểm thú vị? Đó là sự đa dạng (nhiều loại) và mật độ (số lượng nhiều trong một không gian nhỏ) của những sự trao đổi tiềm năng” (Engwicht 1999). “Một không gian công cộng phản ánh một khu vực hay một địa điểm mở, có thể sử dụng bởi tất cả cư dân, không phân biệt giới tính, dân tộc, tôn giáo, tuổi tác hay địa vị kinh tế, xã hội” (Wikipedia). Không gian công cộng đóng vai trò quan trọng đối với chất lượng sống của người dân và sự thịnh vượng của đô thị. Nó nâng cao hình ảnh của đô thị, thu hút khách du lịch và tạo ra những hoạt động kinh tế quan trọng, tăng sự hấp dẫn và khả năng cạnh tranh. Điều này góp phần không nhỏ trong việc tạo dựng cuộc sống đô thị sinh động, tươi mới và giàu bản sắc hơn.


Không gian dịch vụ công cộng và đi bộ tại Sydney, Australia

Trong cấu trúc đô thị của các nước phát triển hay các nước có chất lượng đô thị hóa cao như Hoa Kì, Cộng hòa Pháp, Vương quốc Bỉ, Canada, Hà Lan, Australia..., hệ thống không gian công cộng đã được hình thành từ rất lâu. Nó được coi như một đòi hỏi khách quan của quá trình phát triển đô thị và là một yêu cầu bất khả kháng về chất lượng sống.  Ngày nay, tại nhiều đô thị/thành phố ở các nước này có nhiều tổ chức, cá nhân vẫn còn đang kêu gọi cần tạo thêm nhiều không gian công cộng nữa ngay trong các đô thị đã được xây dựng hoàn chỉnh. Chẳng hạn như việc đề xuất 11 nguyên tắc tạo dựng và duy trì không gian công cộng của TS. Stephanie Geertman; thông điệp: “Tạo thêm công viên trong những thành phố đã được xây dựng”, bằng cách giành lại các không gian không được sử dụng một cách hiệu quả như các bãi đỗ xe, không gian dưới các gầm cầu, nút giao thông trong đô thị. Hay cách giành lại không gian đường phố với chức năng là những không gian công cộng tự nhiên, nơi diễn ra các hoạt động xã hội như giao tiếp, nghỉ ngơi, dịch vụ; hoặc sử dụng triệt để các dự án công trình công cộng để tạo thêm những không gian công cộng mới cho đô thị của ThS. Kristie Danniel (cũng như Stephanie, Kristic Daniel là cố vấn kĩ thuật quản lí Chương trình Thành phố sống tốt, thuộc Tổ chức Health Bridge Canada)... Một ví dụ khác là việc tái phát triển các tuyến phố của thành phố New York (Hoa Kì). Do nhận thức được việc các hoạt động đi bộ, đạp xe, các khoảng công viên xanh và không gian công cộng có tác động lớn đến việc cải thiện chất lượng sống trong thành phố, hiện tại rất nhiều các tuyến phố, quảng trường ở New York đã cấm các phương tiện giao thông cơ giới. Chúng được thiết kế cải tạo, chỉnh trang lại diện mạo nhằm cải thiện chất lượng sống của những người đi bộ và xe đạp.

Tạo dựng hệ khung thiên nhiên cơ bản

Các yếu tố chính cho sự thành công của các không gian công cộng, bao gồm: Các khu vực dễ tiếp cận, an toàn; người dân được thu hút tham gia các hoạt động; không gian thoải mái, thân thiện và có diện mạo đẹp; và phải là nơi bình đẳng để giao lưu. Thực tế cho thấy, các không gian công cộng có giá trị, ấn tượng, cảm xúc tuyệt vời, thông thường được tạo ra với một tầm nhìn rõ ràng, nó định ra các đặc điểm, các hoạt động, tính chất, chức năng và ý nghĩa của không gian này với cộng đồng. Ví dụ: “Peoples park” (dành cho tất cả các công dân) của thành phố Copenhagen, “Living Room” (phòng khách) của Porland (Đan Mạch) hay “Công viên Thống Nhất” (thống nhất đất nước, thống nhất niềm tin...), “Công viên Hòa Bình” (biểu tượng thành phố vì hòa bình) của Hà Nội (Việt Nam). Một ví dụ khác điển hình về tầm nhìn rõ ràng đối với không gian công cộng mới ở thành phố New York: “Đảm bảo rằng tất cả công dân của New York đều sống cách công viên 10 phút đi bộ”. Tuyên bố tầm nhìn này là cơ sở để định hình lại tính chất, chức năng các tuyến phố và vỉa hè của New York với tư cách là các không gian công cộng, khi chúng được tăng cường thêm các hoạt động giao tiếp, các mảng xanh, sự an toàn và độ hấp dẫn...

Trong hai giá trị vật chất căn bản tạo dựng chất lượng môi trường sống trong đô thị: thiên nhiên (địa hình, khí hậu, mặt nước, cây xanh...) và nhân tạo (không gian, kiến trúc, hạ tầng...) của một đô thị, giá trị nhân tạo thường có vị thế chủ động được điều tiết bởi ý thức của con người. Việc quy hoạch hệ thống không gian công cộng trong cấu trúc đô thị là một yêu cầu, một nguyên tắc bắt buộc trong quy hoạch tổ chức không gian, nhằm đáp ứng các nhu cầu sống, sinh hoạt, giao lưu... tối thiểu của mọi người dân sống trong đô thị.


Hồ Gươm (Hà Nội)

Để xác lập cơ sở quy hoạch hệ thống không gian công cộng tại các đô thị Việt Nam, ngoài cách tiếp cận và tính toán thông thường, trước hết trong nghiên cứu cấu trúc đô thị cần xác định và duy trì, bảo toàn được hệ khung thiên nhiên cơ bản, có giá trị (yếu tố không gian công cộng tự nhiên/thiên tạo)... Đó là đặc điểm cấu trúc địa hình đa dạng, phong phú, như: vùng địa hình cao (đồi núi), vùng địa hình thấp (đồng bằng); hệ thống sông, hồ, cảnh quan thiên nhiên; hệ sinh thái nông lâm nghiệp gắn với giá trị đặc sắc từng vùng văn hóa; đến các "không gian lịch sử, văn hóa, cộng đồng"... được lưu giữ ngay trong lòng đô thị. Hệ khung thiên nhiên này và các "không gian lịch sử, văn hóa, cộng đồng" có giá trị rất lớn trong quá trình phát triển đô thị Việt Nam vì không những chúng có nhiều tiềm năng góp phần làm tăng quy mô không gian công cộng, chất lượng môi trường sống mà còn tạo nên bản sắc riêng cũng như sự hấp dẫn và tăng tính cạnh tranh cho từng đô thị.

Dựa vào hệ khung thiên nhiên, các "không gian lịch sử, văn hóa, cộng đồng" làm nền tảng để hoạch định cấu trúc, các khu chức năng đô thị, trong đó có hệ thống không gian công cộng đô thị (với các yếu tố thiên tạo và nhân tạo hợp thành). Quy hoạch hệ thống không gian công cộng đô thị không chỉ đơn thuần việc xác định hệ thống tầng bậc, phân tầng theo cấu trúc, khu vực, khoảng cách, cự li giữa các khu chức năng, các công trình kiến trúc... Mạng lưới phân bố và hình thái của các không gian công cộng phải căn cứ theo nhiều yếu tố khác ngoài việc dựa vào hệ khung thiên nhiên, các "không gian lịch sử, văn hóa, cộng đồng" của đô thị... Chúng cần tuân theo cả sự điều tiết mang tính xã hội, thị trường một cách linh hoạt, thực tiễn. Đặc biệt một yêu cầu khác nữa còn đòi hỏi không gian công cộng cần mang tính ổn định, lâu dài và nó cần phải được nghiên cứu trước để đảm bảo mối liên hệ một cách rõ ràng, chính danh, hoàn toàn dễ hiểu bởi các yếu tố cấu thành nét đặc trưng các không gian này với bất cứ ai (với tất cả mọi người) chứ không phải chỉ với nhà chuyên môn hoặc giới đầu tư.

Đừng coi thường một sân chơi, một vườn hoa, một mặt nước nhỏ, một đoạn vỉa hè thông thoáng với hàng cây xanh... được quy hoạch, xây dựng, bảo vệ, chăm sóc thường xuyên trong một nhóm nhà. Đừng làm mất đi một lối đi chung tạo nên một ngõ phố thân thuộc... Thách thức đặt ra là liệu chúng ta còn có khả năng đóng góp một cách khiêm tốn cho sự phát triển của các đô thị. Tức là không chỉ mở rộng ranh giới đô thị, tăng số lượng các khu đô thị mới mà còn tiếp tục tạo ra cho người dân một không gian sống có thể thích ứng với những thay đổi về lối sống và những biến đổi về kinh tế hay không? Hoặc liệu chúng ta có thể duy trì được toàn vẹn hệ thống không gian công cộng đô thị khi thời bất động sản đang làm mưa làm gió và phớt lờ tất cả? Sự sao nhãng tính hiệu quả cùng kẽ hở tại các văn bản pháp quy (luật, nghị định, tiêu chuẩn, quy chuẩn...), cũng như năng lực thiết kế, quản lí còn hạn chế... đã tạo cơ hội cho sự tham nhũng, lãng phí đáng kể nguồn tài nguyên đất đai; sự chạy đua về lợi nhuận đã làm cho hệ thống không gian công cộng chỉ mang tính hình thức/hàng mẫu để trình diễn là chính nên chúng rất mờ nhạt, không rõ ràng, thiếu minh bạch và không ổn định dài lâu...

Chất lượng sống và quan điểm bình đẳng sống trong đô thị mang tính nhân văn cao của một một xã hội dân chủ và tiến bộ. Nó thể hiện bản chất của một đô thị vị nhân sinh hay đô thị vì con người. Mọi vấn đề liên quan đến cuộc sống con người trong đô thị như chỗ ở, việc làm, đi lại, học tập, chữa bệnh, nghỉ ngơi... đều cần được quan tâm đầy đủ và bình đẳng. Bởi vậy, về quy hoạch, tổ chức các không gian cộng cộng trong đô thị cần phải xuất phát từ yêu cầu của một đô thị “vị nhân sinh”, một đô thị vì con người. Cùng với xu hướng hội nhập, mở cửa, các đô thị Việt Nam cần được phát triển dựa trên những đặc điểm riêng mang tính đặc thù của điều kiện tự nhiên, cái nền của văn hóa truyền thống, để tạo ra bản sắc, đủ sức cạnh tranh với nhiều đô thị trong nước và khu vực. Điều quan trọng cần phải nhận thức đầy đủ rằng, hệ thống không gian công cộng đô thị là một trong nhiều yếu tố cấu thành tạo dựng nên bản chất đô thị vị nhân sinh, một đô thị vì con người...

TS.KTS Trương Văn Quảng - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị - nông thôn (Bộ Xây dựng)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo