Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Quy hoạch đô thị TPHCM: Bài toán dồn nén đô thị

TPHCM: Bài toán dồn nén đô thị

Năm 2012, TP Hồ Chí Minh quyết tâm giảm 10% số vụ ùn tắc giao thông, một quyết tâm rất lớn bởi trước kia trung bình mỗi năm TP chỉ giảm được 2% tỷ lệ này, tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng khó đạt mục tiêu trên khi quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập.
 
Đô thị "nén"

Một thực trạng là từ nhiều năm qua, quy hoạch TP không theo kịp sự bùng phát của các khu đô thị, dẫn đến tình trạng đô thị chắp vá, manh mún, thiếu đồng bộ (điện, nước, giao thông, trường học...).

Mặc dù bản điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Hồ Chí Minh đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm 2010, đã xác định rất rõ mô hình phát triển của TP là tập trung và đa cực, trong đó, trung tâm là khu vực nội thành hiện hữu với bán kính 15km và 4 cực phát triển theo hướng Đông, Nam, Tây - Bắc, Tây - Nam. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quận 1 và quận 3 tập trung nhiều trung tâm dịch vụ, cơ quan hành chính, trong khi khu vực bên ngoài thì trống vắng. Đa phần người dân vẫn muốn cư ngụ gần trung tâm để được hưởng các dịch vụ xã hội tốt nhất, di chuyển bằng phương tiện cá nhân thuận tiện. Vì vậy, mục tiêu phát triển đô thị mạnh ở ngoại thành là rất khó.

Một vấn đề đáng lo ngại là hạ tầng giao thông yếu kém, trong khi nhiều cao ốc đã và đang tiếp tục mọc lên trên những trục đường trung tâm. Chỉ tính riêng 3 tuyến là đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ và Hàm Nghi hiện đã có hàng chục dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, khách sạn lớn nhỏ chuẩn bị mọc lên, trong đó phải kể đến tháp đôi Bến Thành Tower (mỗi tháp cao 55 tầng, do Tập đoàn Bitexco xây dựng), dự án SJC Tower với dự kiến cao hơn 50 tầng, dự án Saigon Center giai đoạn 2 cao 45 tầng, khu phức hợp Eden của Công ty Vincom đang xây dựng cạnh trụ sở UBND TP và Nhà hát TP, rồi Thương xá Tax góc đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ sắp được thay thế bằng một tòa nhà cao 40 tầng, tòa nhà BIDV Tower 40 tầng cũng đang được xây dựng, dự án Times Square với hai tòa tháp cao 36 tầng sắp hoàn tất, cạnh đó là tòa nhà Bitexco Financial Tower 68 tầng vừa khánh thành. Không chỉ gây ùn tắc giao thông, thiệt hại về kinh tế, mà việc có quá nhiều cao ốc tại trung tâm còn khiến mục tiêu giãn dân ra ngoại thành cũng khó thực hiện được. Có thể nói, mô hình đô thị của TP hiện nay là đô thị "nén", mọi thứ dồn vào khu vực trung tâm nhưng bên ngoài thì gần như không có gì.


Đột phá vào khâu phát triển hạ tầng


Việc các cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại lớn được xây dựng thay thế cho các khu nhà cũ xuống cấp đã dần thay đổi bộ mặt trung tâm của TP. Tuy nhiên, nhiều người đã bày tỏ e ngại áp lực giao thông cũng sẽ tăng lên khi các cao ốc này đi vào hoạt động, thu hút hàng chục nghìn người đến mua sắm, làm việc mỗi ngày. Ngoài áp lực về mật độ dân cư còn là áp lực về phương tiện lưu thông ra vào khu vực trung tâm, vấn nạn kẹt xe và ô nhiễm không khí.

Quy hoạch Sài Gòn thời Pháp thuộc chỉ dành cho 400.000 người, thế nhưng hiện dân số đã tăng hơn 10 lần. Năm 2010, TP Hồ Chí Minh có khoảng 7,2 triệu người thường trú, trong đó sống trong các khu đô thị khoảng 6,32 triệu người. Đến năm 2015, dân số sẽ vào khoảng 8,2 triệu người, sống trong các khu đô thị khoảng 7,5 triệu người. Giới kiến trúc sư nhận định, hiện tại TP Hồ Chí Minh không có khu đô thị nào quy hoạch đúng chuẩn quốc tế, trừ khu A của Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (rộng 110ha). Điều đó lý giải vì sao hàng loạt dự án nhà ở tại quận 2, quận 9 hiện vẫn chiếm tỷ lệ xây dựng rất thấp. Khu Tây bắc Củ Chi (TP Hồ Chí Minh), Khu đô thị Nhơn Trạch và Long Thành (tỉnh Đồng Nai) cũng được kỳ vọng rất nhiều nhưng đến nay vẫn chưa thể hiện được vai trò giãn dân. Theo ông Trần Chí Dũng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, chủ trương phát triển đô thị tập trung theo dự án đã được quán triệt, song cách làm chưa phát huy hiệu quả. Việc phát triển không gian đô thị trong thời gian qua chưa thật hợp lý. Do đó việc xây dựng mô hình đa trung tâm được xác định ở 4 cửa ngõ TP với mục tiêu kéo giãn sự tập trung tại khu trung tâm phải được triển khai đúng mức.

Sự bùng phát dân số và đô thị mở rộng một cách tự phát đang là bài toán nan giải cho TP Hồ Chí Minh trong việc quy hoạch và phát triển đô thị theo hướng văn minh hiện đại. Đặc biệt, việc quy hoạch các khu đô thị mới ra ngoại thành, chỉnh trang lại các khu đô thị cũ trong nội thành, đẩy mạnh chương trình phát triển nhà ở sẽ là những khối công việc rất nặng nề mà TP phải quyết tâm thực hiện, nếu muốn trở thành một đô thị văn minh hiện đại và phát triển bền vững.

Nguyên Hoàng 

[ Chuyên đề : Xây dựng nhà cao tầng trong nội đô ]

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm