Thế giới đang phải “gồng mình” trước đại dịch Covid-19. Và thế là tại Anh, curator (giám tuyển) Hans-Ulrich Obrist, Giám đốc nghệ thuật của Phòng trưng bày Serpentine (London) đã kêu gọi một dự án mang đầy “tham vọng”. Hans-Ulrich Obrist cho rằng nó rất cần thiết để hỗ trợ các nghệ sĩ và các tổ chức tại quốc gia này.
Kêu gọi dự án nghệ thuật công cộng
Xứ sở sương mù hiện đang đứng thứ 8 trên thế giới về số người nhiễm Covid-19 với 22.141 ca và 1.408 người tử vong, tính đến hết ngày 30/3. Cũng như các quốc gia khác trên thế giới, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng tới rất nhiều hoạt động văn hóa tại đây.
Trước tình hình này, Hans-Ulrich Obrist đã nẩy ra ý tưởng tương tự với Tổng thống Hoa Kỳ thứ 32 - Franklin D. Roosevelt. Một dự án nghệ thuật công cộng nhiều triệu bảng đầy tham vọng là cần thiết để hỗ trợ các tổ chức văn hóa trong thời gian hoành hành của dịch Covid-19 và giúp tạo ra một thế hệ nghệ sĩ mới.
Giám đốc nghệ thuật Phòng trưng bày Serpentine (London) - Hans-Ulrich Obrist
Hans-Ulrich Obrist cho biết, dự án cần có quy mô tương tự như Dự án Công trình Nghệ thuật Công cộng (PWAP) và Dự án Nghệ thuật Liên bang (FAP) được thiết lập trong thời gian Great Depression (Đại khủng hoảng) vào những năm 1930 ở Mỹ. “Với FAP, họ đã có hướng đi tích cực tới cộng đồng: các nghệ sĩ được trả lương, được làm những việc như nghiên cứu và tạo ra tác phẩm trong thời kỳ New Deal (Chính sách kinh tế mới). Nó đã mang lại việc làm thực sự và hoa hồng cho rất nhiều người” - Obrist chia sẻ với báo The Guardian.
Hai dự án rất thành công kể trên đều đã sử dụng hơn 3.700 nghệ sĩ, cho ra hơn 15.000 tác phẩm. Và từ đó là sự “ra đời” sự nghiệp của những họa sĩ người Mỹ nổi tiếng như: Jackson Pollock, Mark Rothko hay Milton Avery...
Tự cho rằng có những điểm tương đồng giữa tình cảnh hiện tại với thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu những năm 1930, vị giám đốc nghệ thuật đã kêu gọi chính phủ Anh nên làm những “bước đi” đã rất thành công trong lịch sử.
Họa sĩ Jackson Pollock tham gia dự án Dự án Nghệ thuật Liên bang (FAP) thuộc Cơ quan Quản lý Tiến độ Công việc (WPA) (từ 1938 - 1942)
Khác biệt nhờ Internet
Thật khập khiễng khi nghe Hans-Ulrich Obrist liên hệ giữa tình hình dịch bệnh hiện tại của thế giới với thời kỳ suy thoái những năm 1930.
Tuy nhiên, cũng có thể thấy, dịch Covid-19 đã gây khó khăn trong các hoạt động văn hóa trên thế giới.
Sự bùng phát số ca nhiễm mới và tử vong vì virus chủng mới tăng vọt ở Anh, khiến Thủ tướng Boris Johnson phải tuyên bố lệnh phong tỏa toàn quốc. Theo sắc lệnh mới, mọi người dân phải ở nhà, chỉ được phép ra ngoài mua nhu yếu phẩm, thuốc men, tìm kiếm sự trợ giúp y tế và đến cơ quan khi không thể làm một số công việc tại nhà.
Điều đó đồng nghĩa với việc tất cả các phòng trưng bày và bảo tàng buộc phải đóng cửa, tạm dừng việc vận hành tác phẩm mới và hủy bỏ các hội chợ nghệ thuật. Ông Obrist tin rằng kế hoạch này sẽ giúp khơi dậy sự sáng tạo nghệ thuật Anh một khi dịch bệnh được kiểm soát. “Khi tình hình Covid-19 nằm trong tầm kiểm soát, nghệ thuật cần phải hướng tới cộng đồng. Trong thời kỳ khủng hoảng này, các viện bảo tàng sẽ nghĩ cách làm sao để họ có thể vượt qua bức tường đó và đưa nghệ thuật đến được với mọi người” - Obrist bày tỏ.
Ông cho rằng rằng việc “miễn phí là cơ sở khởi đầu” cho các tổ chức văn hóa Anh. “Sự hào phóng cần phải là phương tiện trung gian mà các viện bảo tàng và phòng trưng bày nên theo”. Đây là sự khác biệt giữa “khủng hoảng” trong những năm 1930 với hiện tại. Vai trò của các bảo tàng và phòng trưng bày trong thời gian phong tỏa cần phải chuyển sang dạng online (trực tuyến) để các tác phẩm nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ tới càng nhiều khán giả càng tốt.
Bức tranh “Do Remember They Can't Cancel The Spring” của danh họa David Hockney
Giám đốc mạng lưới bảo tàng Tate - bà Maria Balshaw cho biết vai trò của các phòng trưng bày và bảo tàng là để “đề cao tinh thần sáng tạo của mọi người”. Bên cạnh đó, nghệ thuật còn mang những thông điệp, ý nghĩa giúp nâng cao tinh thần và sự hy vọng của mọi người. Bằng cách tập trung truyền tải trên Internet như triển lãm giả lập hay dạng ảnh và video.
Trong tình trạng bị phong tỏa, không được tụ tập đông người để tránh lây lan dịch bệnh trong cộng đồng thì Internet cũng là một giải pháp của các phòng trưng bày và bảo tàng.
Giám đốc của mạng lưới bảo tàng Tate đã nêu một dẫn chứng cụ thể cho thấy mạng xã hội sẽ giúp ích và trong thời điểm này đang cần “nghệ thuật” hơn bao giờ hết. “Ngay cả họa sĩ 83 tuổi David Hockney cũng đã ra một tác phẩm nghệ thuật vào thời điểm này, chúng ta nên nhớ rằng mình cần có những tác động của nghệ thuật” - Maria nói.
Vừa qua, họa sĩ nổi tiếng người Anh David Hockney đã cho ra mắt một tác phẩm có tên Do Remember They Can't Cancel The Spring (tạm dịch: Hãy nhớ rằng họ không thể hủy bỏ mùa Xuân). Tác phẩm được đăng trên mạng xã hội Instagram của viện Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Louisiana (Đan Mạch). Được biết, tác phẩm được vẽ và hoàn thiện trên máy tính bảng iPad và tiêu đề của nó là những thông điệp với hy vọng “mùa Xuân” vẫn còn đó.
Thành Quách
(TT&VH)
- Trò chuyện cùng những tác giả có bài dự thi nổi bật trong cuộc thi Project Refresh
- “Tái sinh” từ truyền thống
- “Cá tính” của một thành phố
- Triển lãm Đối cảnh Cự Đà: sự hòa điệu giữa nét cổ kính và tươi mới
- Philippe Starck – nhà thiết kế đam mê phát minh
- Anderssen & Voll: “Cặp bài trùng” của thiết kế châu Âu
- Chương trình "Phố Bên Đồi 2019 - Vào miền nghệ thuật" công bố các tác phẩm vào vòng chung khảo
- Độc đáo quán càphê buýt thân thiện với môi trường tại Hà Nội
- Bauhaus tròn 100 năm: Khoa học đằng sau thiết kế
- Phố Bên Đồi 2019 và cuộc hội thoại đầu tiên tại Leiden, Hà Lan