Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Cộng đồng Thiết kế / Sáng tạo “Cá tính” của một thành phố

“Cá tính” của một thành phố

Viết email In

Ông Martin Rama (chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới, Giám đốc dự án tại Trung tâm Phát triển đô thị bền vững thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng: “Cá tính” của một thành phố bắt nguồn từ cách thức các công dân của nó tương tác với lịch sử thành phố, mỗi người với nhau và với thiên nhiên.

Một câu chuyện vui cho những người quan tâm tới di sản là ông Martin Rama đang cùng gia đình tác giả tổ chức “giải cứu” thành công bức tranh tường ở ngã tư chợ Mơ bị đập dở vì dự án mở đường ở Hà Nội. Bức tranh tường cả chục tấn đã được cắt, di chuyển tới địa điểm mới, sẽ được khôi phục và tồn tại với vai trò mới: một tác phẩm nghệ thuật trong di sản đô thị chứ không còn chức năng tuyên tuyền ban đầu.


Bức tranh tường của họa sĩ Trường Sinh khi còn nguyên vẹn ở ngã tư chợ Mơ.
(Ảnh: NVCC)

Câu chuyện đẹp cho bức tranh cổ động cuối cùng từ những năm đầu đất nước thống nhất khiến nhiều người xúc động. Tuy thế cũng có ý kiến cho rằng tranh cổ động đã hoàn thành sứ mệnh và không cần phải lao tâm cứu nó. Người Đô Thị đã có cuộc trao đổi với ông Martin Rama.

Thưa ông, nhiều người Việt ngày nay không thích áp phích và tranh tường vì chúng là tranh cổ động, rất ít giá trị nghệ thuật. Nhưng ông dường như nghĩ khác nên cố gắng cứu bức tranh tường của cố họa sĩ Trường Sinh?

- Về phong cách, tranh cổ động và tranh tường vốn được quốc tế phân biệt là theo “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa”. Đây là một phong cách có tính chính thức dưới thời Liên bang Xô viết, song xét trên phương diện mỹ học, nó bắt nguồn từ những quy ước có tính hàn lâm của nghệ thuật cổ điển phương Tây. Thực ra, rất nhiều nghệ sĩ đã phát triển phong cách này, một cách độc lập, rất lâu trước Cách mạng Tháng Mười Nga.

Người sáng tác theo phong cách này không mặc định rằng đời sống phải được mô tả đúng như hiện thực bởi nếu làm như thế có thể giảm sút sự phấn chấn tinh thần! Nói chung, cần phải truyền đạt một tình cảm lạc quan. Những con người bình thường phải có vẻ ngoài đáng ngưỡng mộ và tương lai phải xán lạn. Người nghệ sĩ được xem là những “kỹ sư tâm hồn”, được giao nhiệm vụ truyền bá những giá trị của “con người mới”. Thay vì mô tả đúng như hiện thực, người ta thi vị hóa hình ảnh những người đàn ông và những phụ nữ trẻ trung và sôi nổi, dưới ánh mặt trời tươi sáng.

Trớ trêu thay, ngôn ngữ thị giác này đã biến chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa thành một hình thái của chủ nghĩa cảm xúc lãng mạn. Vì thế, cần phân biệt giữa phong cách này đã từng muốn đạt tới điều gì vì xã hội, với việc nó đã thực sự cho phép các nghệ sĩ làm những gì với tư cách những cá nhân sáng tạo.

Ý ông là bất chấp những ràng buộc nghiêm ngặt phục vụ mục tiêu tuyên truyền, các nghệ sĩ của phong cách này vẫn rất sáng tạo trong những tác phẩm của mình?

- Trong suốt lịch sử, người nghệ sĩ đều buộc phải tuân theo một quy tắc nghệ thuật bắt buộc. Chẳng hạn, ở thời Phục Hưng, hội họa có bổn phận phải mô tả Đấng Kitô hoặc Đức Mẹ đồng trinh Maria hoặc giả những tình tiết được lấy từ Thánh kinh. Thế nhưng, nghệ thuật vẫn phát triển rực rỡ, bất chấp những ràng buộc cứng nhắc.

Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất thời Phục Hưng ở Ý là bức Đức Mẹ bồng Chúa hài nhi của Filippo Lippi. Ông là một linh mục xuất thân nghèo khó, vẽ theo đặt hàng của những mạnh thường quân. Người mẫu của ông trong bức tranh trên là một nữ tu trẻ xinh đẹp, và hai người đã phải lòng nhau trong các buổi ông vẽ bức tranh này. Cô gái đã cùng ông trốn khỏi tu viện rồi sau đó có với nhau hai người con. Vậy thì đây là bức tranh tuyên truyền tôn giáo hay là biểu hiện của tình yêu nam nữ?

Tôi ưng chọn cách đánh giá các tác phẩm nghệ thuật trên chính bản thân chúng chứ không phải bởi những gì chúng được chính thức dự định thực hiện, cũng không phải bởi ý thức hệ của người nghệ sĩ. Nhìn bằng viễn kiến này, tôi đánh giá cao giá trị của ánh sáng và những hình họa sống động trong bức tranh tường của cố họa sĩ Trường Sinh, cũng như sự cân bằng về không gian giữa các nhân vật. Tôi tin rằng tất cả chúng ta sẽ nghèo đi về văn hóa nếu bức tranh tường này bị phá hủy, và cá nhân tôi vui mừng dành tiền bạc và thời gian vào việc cứu lấy nó cho Hà Nội.

Ngay cả như vậy, nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa cũng chỉ chọn lọc được không nhiều tác phẩm xuất sắc?

- Vâng, chắc chắn rồi! Trong hoàn cảnh bị ràng buộc nghiêm ngặt, như ở thời Phục Hưng, vẫn có phép mầu của sáng tạo nghệ thuật. Nhưng không phải ở đâu hoặc thời nào cũng được vậy.

Tôi thấy tranh cổ động của Việt Nam những năm 1960 và 1970 rất đặc biệt về chất lượng nghệ thuật. Lật nhanh cuốn Tranh cổ động Việt Nam (1945-2000), rõ ràng đã có một sự sáng tạo mạnh mẽ hơn ở các giai đoạn đầu tiên khi mà nhiều họa sĩ từng được đào tạo bài bản tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Bùi Xuân Phái là một trong số đó. Tính sáng tạo và chất lượng nghệ thuật đã giảm đi đáng kể trong những năm 1980 và 1990. Theo cách nhìn của tôi, tranh tường ở ngã tư chợ Mơ của họa sĩ Trường Sinh vẽ năm 1982 có thể được xếp vào nhóm những tác phẩm phi thường thời kỳ đó.


Phối cảnh 3D của bức tranh tường sau khi được di chuyển tới địa điểm mới, phục dựng phần đã bị đập bỏ

Ông đã lên tiếng mạnh mẽ trong việc bảo tồn “cá tính” độc đáo của Hà Nội trong quá trình đô thị hóa. Nỗ lực của ông nhằm cứu bức tranh tường lần này có phải cũng là nỗ lực bảo vệ sự độc đáo của đô thị Hà Nội?

- “Cá tính” của một thành phố bắt nguồn từ cách thức các công dân của nó tương tác với lịch sử thành phố, mỗi người với nhau và với thiên nhiên. Tôi rất thích điều này ở Hà Nội: sơ đồ quy hoạch đô thị và các kiểu kiến trúc tòa nhà của Hà Nội kể lại rất nhiều cho chúng ta về ngàn năm trước, từ Hà Nội của người Kẻ Chợ tới kiến trúc thời Khai sáng của Pháp (thế kỷ XVIII) cho tới kiến trúc của Liên Xô cũ và quy hoạch phát triển hiện nay. Hà Nội ngày nay vẫn còn giữ lại được nhiều vỉa hè, và cộng đồng “cấy” trên đó một đời sống thật sống động, từ buôn bán tới ăn uống và ngồi tán chuyện. Rồi những đại lộ ba hàng cây, những công viên lớn và những khu vườn ở các tư gia mà chúng ta yêu quý, tất cả làm nên một thành phố thật tươi mát.

Chỉ trong một vài mét vuông, tranh tường của họa sĩ Trường Sinh cô đọng cả một giai đoạn quan trọng trong lịch sử thành phố. Hiển nhiên đó là một giai đoạn gian khổ. Có những đau khổ do chiến tranh và sự thiếu thốn của thời kỳ bao cấp. Tôi vẫn hiểu rằng nhiều người muốn quên hết những năm tháng ấy. Nhưng Việt Nam ngày nay mạnh mẽ bởi đã vượt qua thời kỳ khó khăn đó.

Vì sự kính trọng dành cho thế hệ đi trước và những hy sinh mà họ đã phải chịu đựng, thành phố nên bảo vệ lịch sử của những gì thuộc về lý tưởng và những tranh đấu của thành phố này. Bản thân họa sĩ Trường Sinh cũng từng là một người lính ở Điện Biên Phủ. Xóa bỏ phần thuộc về quá khứ không xa xôi này của thành phố sẽ là bất công với những ai đã từng sống qua giai đoạn đó và đã từng chiến đấu vì một Việt Nam hòa bình, thịnh vượng.

Tranh cổ động của Việt Nam dường như sống dậy mạnh mẽ trong cộng đồng thời kỳ chống dịch Covid-19 vừa qua, ông thấy thế nào về điều này?

- Đó cũng là điều mà tôi nhìn thấy. Và tôi rất vui khi thấy sự “hồi sinh” tranh cổ động trong cuộc chống đại dịch Covid-19. Khi cả dân tộc một lần nữa bị đe dọa, nhiều nghệ sĩ đã tìm lại cảm hứng từ truyền thống của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa để gửi đi các thông điệp giúp bảo vệ người dân trước mối đe dọa mới này. Những bức tranh cổ động có thể nhìn thấy khắp nơi đang giành được sự ngợi ca của các phương tiện truyền thông quốc tế. Và, giống như trước đây, lần này tranh cổ động cũng lại góp phần đưa Việt Nam nổi bật lên một cách hiển hách.

Tôi chỉ có thể hy vọng rằng sau khi được di dời tới địa điểm mới, bức tranh tường tuyệt vời của họa sĩ Trường Sinh sẽ mãi nhắc nhở người Hà Nội về những giá trị mà họ cùng chia sẻ về lao động, tình đoàn kết và lòng yêu nước.

Hoàng Hương - Phạm Anh Tuấn thực hiện

(Người Đô Thị)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Hiện có 3155 khách Trực tuyến

Quảng cáo