Ashui.com

Sunday
Nov 24th
Home Cộng đồng Thiết kế / Sáng tạo “Tái sinh” từ truyền thống

“Tái sinh” từ truyền thống

Viết email In

Trong một xã hội ngày càng cởi mở, giao thoa về văn hóa, lĩnh vực thiết kế Việt Nam hướng tới tìm kiếm, khai thác và vận dụng những yếu tố, đặc điểm của văn hóa, lịch sử, ngành nghề cổ hay vật liệu địa phương, câu chuyện xưa… vào sản phẩm sáng tạo mang tinh thần đương đại, phù hợp với nhịp sống hiện nay.

Diện mạo mới mang tinh thần Việt

Trong khuôn khổ hoạt động của chương trình Tuần lễ Thiết kế Việt Nam (Vietnam Design Week 2020), sáng 17/7, tại Hà Nội, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ashui.com… tổ chức phát động Cuộc thi “Designed by Vietnam" chủ đề “Tái sinh" dành cho các nhà thiết kế, nghệ nhân thủ công mỹ nghệ và doanh nhân sáng tạo thuộc các lĩnh vực liên quan. Cuộc thi có khuôn khổ khá rộng, bao phủ các lĩnh vực của đời sống: Ăn - Ở - Mặc - Quà tặng - Nghệ thuật công cộng.


Văn hóa Việt vào các thiết kế đương đại (Ảnh: Ngọc Phương)

Theo nhà thiết kế Từ Phương thảo - Giám đốc thiết kế Sadec District, trong lĩnh vực Ăn, mẫu thiết kế dự thi sẽ tập trung vào sản phẩm bàn ăn, mang tới diện mạo tươi trẻ nhưng đậm đặc tính Việt. Giám khảo cuộc thi mong muốn được chiêm ngưỡng chiếc bát chiết yêu quen thuộc, chiếc mâm tròn, đôi đũa tre… nhưng của ngày hôm nay. Bao bì, hình thức cho những sản phẩm đồ uống, thực phẩm đã và đang biểu trưng cho hình ảnh Việt Nam trên bản đồ ẩm thực thế giới cũng là một “đề bài” trong lĩnh vực này.

Thử thách sáng tạo trong lĩnh vực là những đồ thiết kế nội thất rời dành cho không gian sống mang cảm hứng và câu chuyện về đời sống, con người Việt; chú trọng yếu tố tái sinh (làm mới vật liệu truyền thống, tái sử dụng những nguyên vật liệu bị thải loại, quên lãng…), có khả năng ứng dụng cao để có thể trở thành một phần của bức tranh ngôi nhà Việt giàu văn hóa và thấm đẫm tinh thần thời đại.

Với lĩnh vực Mặc, theo nhà thiết kế Vũ Thảo, nhà sáng lập và Giám đốc thiết kế Kilomet109, cuộc thi hướng tới các giải pháp thiết kế thời trang để phản hồi với những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, khủng hoảng tài nguyên thiên nhiên và dịch bệnh. Các sản phẩm thời trang không chỉ sáng tạo, chất lượng mà phải đề cao được tính năng, thể hiện gu thẩm mỹ của người sử dụng; đồng thời, cân nhắc kỹ lưỡng từ chọn vật liệu cho đến sản xuất, hoàn thiện sao cho giảm thiểu tác động lên môi sinh, xã hội.

Các ý tưởng về Quà tặng sẽ hướng tới sản phẩm hoàn chỉnh (gồm cả bao bì, câu chuyện) tôn trọng và đề cao giá trị văn hóa địa phương, thân thiện với môi trường từ khâu sản xuất đến tiêu dùng. Ông Lê Bá Ngọc - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) cho biết, dù đã có nhiều cuộc thi được tổ chức, quà tặng đặc trưng vẫn là câu chuyện dài kỳ được Chính phủ và các địa phương, doanh nghiệp quan tâm. “Designed by Vietnam" chưa hy vọng có được các quà tặng xuất sắc, nhưng mong muốn truyền cảm hứng, điều kiện để các nhà thiết kế phát triển bộ quà tặng đặc trưng của địa phương, vùng miền và quốc gia.

Bên cạnh đó, cuộc thi cũng tập trung vào việc biến đổi, chuyển hóa và thẩm mỹ hóa những thanh chắn tàu buồn tẻ, những hàng rào khô cứng, dây băng phân luồng đang có… nhằm thay đổi thẩm mỹ thị giác, từ đó biến đổi không gian công cộng và tạo ra những chuyển động tích cực tới con người.


Văn hóa Việt vào các thiết kế đương đại
(Ảnh: Ngọc Phương)

Sáng tạo từ nguồn lực, giá trị bản địa

Theo kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, cuộc thi đặt ra câu chuyện nhìn, dùng và cảm. Ông cha ta dường như trong nhiều đời ít để ý đến nhìn và cảm, nặng về dùng, chưa định hình được cảm thức riêng trong cách sử dụng vật liệu… Câu chuyện về xúc tiến thẩm mỹ cuộc sống, trong việc ăn, ở, mặc, quà tặng và nghệ thuật công cộng cần thiết phải đặt ra. Tuy nhiên, vấn đề này cũng đòi hỏi kiên trì, làm đều đặn trong nhiều năm, để tinh tế hóa dần thẩm mỹ ăn, mặc, ở trong xã hội Việt Nam hôm nay.

“Tái sinh” không phải một khái niệm xa lạ trong thiết kế. Từ khi có trong đầu trí tưởng tượng, con người đã luôn mơ ước có thể làm mới, làm tốt đẹp hơn những giá trị đã cũ. Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử, ông cha ta đã sáng tạo ra những sản phẩm phục vụ cuộc sống. Nhiều nghề thủ công ra đời và phát triển, với các sản phẩm tinh tế. Tuy nhiên, cùng với sự mai một của nhiều nghề, kỹ thuật xưa dường như bị lãng quên, tay nghề ngày càng đi xuống.

Bên cạnh đó, với sự thay đổi về điều kiện kinh tế - xã hội, các sản phẩm có từ xưa không còn phù hợp với đời sống đương đại; nhưng sản phẩm mới chưa theo kịp, hoặc chưa định hình rõ nét phong cách Việt Nam mới. Thời gian qua, trước sự giao lưu văn hóa ngày càng mạnh mẽ, những khoảng trống trong thiết kế của Việt Nam đã tạm thời được lấp đầy bởi các sản phẩm từ khắp các quốc gia từ Âu sang Á… làm phai nhạt bản sắc Việt.

Chiến lược về thiết kế đã được hình thành từ cuối thế kỷ XIX trên thế giới. Ông Lê Bá Ngọc cho biết: Đến nay, 46/200 quốc gia đã có khái niệm về chiến lược thiết kế để nâng cao năng lực cạnh tranh. Nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho thấy rằng, nước có hệ thống thiết kế tốt đang đứng đầu về năng lực cạnh tranh trên thế giới. Và Việt Nam đang có tầm nhìn, ước mơ là xây dựng hệ thống thiết kế, không chỉ lưu giữ, khẳng định giá trị Việt, mà còn tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, khu vực và quốc gia.

Cuộc thi lần này muốn hướng tới phát triển thiết kế từ Việt Nam, đẩy mạnh và trân trọng giá trị của thiết kế lấy cảm hứng từ truyền thống, kỹ thuật, nguyên vật liệu bản địa. Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Nghệ thuật đương đại (VICAS Art Studio), Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng: Cuộc thi gắn chặt với hai mục tiêu của Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là nâng cao nhận thức xã hội về vị trí và vai trò của các ngành công nghiệp văn hóa và vai trò của sáng tạo trong sự phát triển kinh tế Việt Nam trong những năm tới; xây dựng thương hiệu quốc gia về sáng tạo. “Designed by Vietnam” được nhìn nhận như một thương hiệu cho các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo ở Việt Nam. Cuộc thi có thể trở thành sự kiện thường niên biểu thị nội lực sáng tạo, khẳng định ngành thiết kế có thể mang lại nguồn lợi và sinh kế bền vững, đặc biệt khi có sự kết nối chặt chẽ giữa sự phát triển các yếu tố đương đại trong nguồn lực bản địa, truyền thống.

Ngọc Phương

(Đại biểu Nhân dân)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Hiện có 1605 khách Trực tuyến

Quảng cáo

  

  


Loading...