Một trong những niềm tự hào của nước Ý vào cuối thế kỷ 20 chính là Enzo Mari. Sở hữu trí tuệ siêu việt và khả năng kích thích óc sáng tạo của con người, Enzo Mari đã chứng minh sức ảnh hưởng của ông đối với thế hệ tài năng trẻ của thế giới. Ông đam mê nghệ thuật và muốn trải nghiệm nó qua nhiều khía cạnh khác nhau bằng cách tham gia các công việc ít nhiều liên quan như nhà văn, giáo viên, nghệ sĩ, nhà thiết kế cho sản phẩm nội thất và trò chơi điện tử.
Người ta đồn thổi rằng Enzo Mari từng dành hơn một năm để suy nghĩ về thiết kế thử nghiệm cho một chiếc gạt tàn thuốc. Lúc đó ông đang thực hiện song song các dự án khác nhưng chiếc gạt tàn luôn quanh quẩn trong tâm trí ông. Cho đến khi hoàn tất, sản phẩm đã được ca ngợi bởi các đồng nghiệp của Enzo Mari bởi dáng vẻ đặc biệt thanh lịch hoàn toàn khác xa với những chiếc gạt tàn thông thường. Thật không may, thị hiếu của công chúng dường như không tương đồng với những ý tưởng khác biệt của nhà nghệ sĩ, chiếc gạt tàn đã không được đón nhận khi đưa ra thị trường và di sản của nó để lại chỉ là một thói quen hút thuốc "hai gói một ngày" của Enzo Mari.
Những câu chuyện như vậy xung quanh ông đã phần nào phác hoạ được sự nghiệp của Enzo Mari. Ý tưởng của ông quá độc đáo và khó hiểu đối với số đông người tiêu dùng nên không thể nói là thành công về mặt thương mại, tuy nhiên, chúng lại tạo nên cơn sốt đối với những nhà thiết kế Italia vào cuối thế kỷ 20, đặc biệt là đối với Ettore Sottsass và sau đó là Joe Colombo. Độ sâu sắc và phức tạp trong các tác phẩm của Enzo Mari đã mang lại cho ông lòng ngưỡng mộ vô hạn từ cộng đồng thiết kế, và đến nay khi ở độ tuổi thất thập cổ lai hy, Enzo Mari vẫn tiếp tục tìm kiếm những ý tưởng như một nhà thiết kế chân chính.
Dự án đầu tiên của ông cho Danese là 16 Animali hay còn gọi là 16 Animali được tung ra vào năm 1957. Đó là món đồ chơi làm bằng gỗ mà Mari đã ứng dụng học thuyết giải quyết vấn đề để tạo ra một nhóm có hình dạng con vật được chạm khắc đơn giản bao gồm một con hà mã, rắn, hươu cao cổ và lạc đà cùng ghép lại với nhau tạo thành một hình chữ nhật hoàn chỉnh. Món đồ chơi đánh dấu sự khởi đầu của sự hợp tác kéo dài đến thập niên 1960 giữa Enzo Mari và Danese. Sau đó Mari quyết tâm phát triển đại trà những loại sản phẩm như container và bình hoa cho Danese và quyết định ấy không hề ảnh hưởng đến niềm tin của ông rằng mỗi dự án thiết kế không những phải đẹp ở cả mắt nhìn lẫn cảm nhận, mà còn phải thể hiện tính năng của chúng một cách hoàn hảo. Triết lý thiết kế của ông được mô tả như một trong những "thiết kế lý trí". Ông định nghĩa công việc của mình là "sáng tạo hoặc đề ra một phương pháp thiết kế có thể hoàn toàn phù hợp với mục đích sử dụng hoặc chức năng thiết yếu".
Enzo Mari tiếp tục theo đuổi các thí nghiệm trong những lĩnh vực khác như nghệ thuật thị giác, đáng chú ý là ông đã thành lập nhóm nghệ sĩ Nuova Tendenza ở Milan vào năm 1963. Tất nhiên, ông vẫn song song tiến hành các hoạt động trong lĩnh vực thiết kế. Vào năm 1962, ông bắt đầu làm việc với nhựa plastic – vật liệu chủ chốt của hãng Danese trong một dự án kéo dài sáu năm để phát triển những dòng sản phẩm gia dụng như cây treo nón, cây treo dù và thùng rác. Đến cuối thập niên 1960, Enzo Mari có thể thao tác với vật liệu plastic khéo léo đến nỗi chỉ cần dùng đôi bàn tay của ông để nhào nặn cũng có thể cho ra đời một sản phẩm thành hình thành dạng. Một trong số những sản phẩm bằng plastic tuyệt vời nhất của ông chính là chiếc bình Model 3087 mà Danese đưa vào sản xuất vào năm 1969. Đó là một chiếc bình có thể sử dụng khi bị đảo ngược, với lòng bình hình nón để đảm bảo chức năng của chiếc bình không hề thay đổi dù nó có bị đảo lộn từ trên xuống dưới hay không. Được làm từ plastic ABS bóng, bình Model 3087 có hình dáng gợi cảm đến nỗi nhiều nhà phê bình nhận xét sản phẩm đã đóng vai trò quyết định trong việc thuyết phục công chúng thấy rằng sản phẩm làm từ nhựa không nhất thiết sẽ có vẻ ngoài rẻ tiền hay thô kệch.
- Ảnh bên: Tonietta – chiếc ghế đơn giản mà điệu đà với khung ghế chế tác từ hợp kim nhôm bóng. Nệm ghế và lưng ghế làm bằng nhựa PP và được bao phủ bởi da bò hoặc đem đến nhiều lựa chọn khác về màu sắc với kỹ thuật sơn phun nilông.
Tuy nhiên, sự quan tâm của Enzo Mari vẫn chủ yếu là phân tích ngôn ngữ thiết kế và vai trò của nó như một hệ thống truyền đạt. Tâm điểm của việc này là việc ông tiếp tục phát triển các món đồ chơi bao gồm I1 Gioco dell Favole – The Fable Game trong đó có đến 12 mảnh được ghép với nhau bằng những đường rãnh để tạo nên đến 45 con vật, mặt trời và mặt trăng. Enzo Mari xem chúng như là phương tiện giúp con người kết nối với trí tưởng tượng để viết nên câu chuyện của chính họ với những mảnh ghép. Ông đã thiết kế những mảnh ghép cong trừu tượng trong bộ đồ chơi ghép hình khác mang tên 44 Valuations để tạo sự ăn khớp với hình ảnh của chiếc búa và lưỡi liềm – biểu tượng của chủ nghĩa cộng sản và Liên Xô.
Đến thập niên 1970, Enzo Mari bày tỏ những nguyên tắc thiết kế của mình trong những quyển sách được ông xuất bản bao gồm hai quyển sách lý thuyết như 1970’s La Funzione della Ricera Estetica (tạm dịch: Chức năng thẩm mỹ học thập niên 1970) và loạt sách ảnh được mệnh danh "sách không cần từ ngữ" bao gồm The Apple, The Butterfly và The Chicken and The Egg.
Trong khi vẫn tiếp tục đảm nhiệm công việc thiết kế sản phẩm, ông cũng chuyển sang lĩnh vực thiết kế đồ nội thất. Vào năm 1971, Enzo Mari tung ra mẫu ghế sofsof cho hãng Driade. Điểm độc đáo của sản phẩm là nệm ghế có thể tháo rời vì được đặt khá đơn giản trên khung ghế cấu trúc từ những đường uốn tinh tế của thép. Cũng tài tình tương tự sofsof là chiếc ghế 1975 – 76 Box cho hãng Castelli. 1975 – 76 Box là một chiếc ghế có thể tự tháo lắp với thành phần bao gồm mặt ghế vuông vắn được bơm nhựa PP và khung ghế làm bằng các ống thép có thể tháo rời và xếp gọn gàng trong một chiếc hộp. Với khả năng lắp ráp, chiếc ghế giống như một món đồ chơi lắp ghép tâm đắc khác của ông.
Nghệ thuật thiết kế của Ý trong suốt thập niên 1980 bị thống trị bởi hình thức khoa trương và màu sắc hào nhoáng của nhóm những người ủng hộ chủ nghĩa Design hậu hiện đại mà đại diện tiêu biểu là Memphis. Enzo Mari và chủ nghĩa duy lý của ông dường như trở nên lỗi thời. Những thiết kế của ông vào thập kỷ đó được xem như một món đồ được tính toán kỹ lưỡng để thức tỉnh những ai tung hô Memphis, trong đó có những tác phẩm thực sự vĩ đại như ghế Tonietta được làm từ khung nhôm đúc cho hãng Zanotta vào năm 1985. Tuy nhiên, cái nhìn và thị hiếu theo trào lưu của công chúng thời đó đã khiến cho các tác phẩm của Enzo Mari mất đi ít nhiều sự quan tâm đúng mực. Cho đến tận thập niên 1990, ông mới một lần nữa được công nhận là một trong số những nhân vật có ảnh hưởng quyết định đối với nghệ thuật thiết kế đương đại.
Vào đầu những năm 2000, khi Enzo Mari bước vào độ tuổi 70, ông vẫn duy trì phong độ của mình trong ngành thiết kế với những hợp đồng mới trên toàn thế giới. Từ các công ty của Nhật cho đến các hãng lớn ở Vienna (Áo), họ liên tục trải thảm đỏ mời ông sáng tạo những phiên bản hiện đại cho các tác phẩm nổi tiếng của chính Enzo Mari vào cuối thế kỷ 19. Trong khi đó, hãng Danese – công ty đã từng hợp tác với Enzo Mari cũng nhanh chóng chớp lấy cơ hội kinh doanh béo bở dựa vào tên tuổi của Enzo Mari bằng cách tái hiện lại với số lượng hạn chế một phiên bản vốn là hợp đồng hợp tác đầu tiên của họ cùng Enzo Mari: 16 Animali. Sự nghiệp đồ sộ của Enzo bao gồm hơn 2.000 dự án và 80% thiết kế của ông vẫn đang được tiếp tục sản xuất cho đến ngày nay.
Enzo Mari sinh ra tại Novara, Italia vào năm 1932, ông theo học ngành nghiên cứu tác phẩm cổ điển và văn học tại Accademia di Brera ở Milan từ 1952 đến 1956. Khi còn là một sinh viên, Mari tự đào tạo mình bằng cách làm thêm những việc như nghệ thuật thị giác và nghiên cứu tự do. Đến khi nền thiết kế của Ý đã phát triển mạnh, các nhà làm công nghiệp nhận ra cứu cánh cho doanh nghiệp của họ là phối hợp chặt chẽ với các nhà thiết kế, Enzo Mari chuyển sang quan tâm đến thiết kế, biện pháp ông chọn là chăm chỉ tự học và rèn luyện cho chính mình trong một thời gian dài. Cách tiếp cận của Enzo Mari đối với ngành thiết kế chủ yếu là học hỏi lý thuyết. Ông quan tâm nhiều về vai trò của thiết kế đối với văn hoá đương đại và mối quan hệ với người sử dụng hơn là thiết kế thực tiễn. Sau khi tốt nghiệp vào năm 1956, ông mở một studio ở Milan để tiếp tục các nghiên cứu về tâm lý của thị giác, hệ thống của nhận thức và phương pháp thiết kế. Những nghiên cứu trên đã hình thành mô hình vật lý giúp Enzo Mari sáng tạo những mẫu thiết kế ba chiều đầu tiên cho các phần tử của đường thẳng và chi tiết cho chiếc máy bay. Cuộc sống mưu sinh khó khăn buộc Enzo Mari phải liên hệ với nhà máy sản xuất sản phẩm plastic ở Ý là Danese và nhà sản xuất đã đồng ý phát triển một loạt các sản phẩm sản xuất đại trà. |
Những con thú ngộ nghĩnh trong món đồ chơi 16 Animali khi tách rời. Và đến khi được ghép lại thành hình chữ nhật.
Dù chỉ thiết kế một chiếc bình phục vụ cho công nghiệp sản xuất đại trà, Enzo Mari vẫn cống hiến toàn lực để tạo nên một sản phẩm có "vẻ đẹp thông minh" theo phong cách thường thấy của mình (ảnh trái) / Ghế sofsof (ảnh phải).
Ghế 1975 – 76 Box là một chiếc ghế mà người sử dụng có thể tự tháo lắp và xếp gọn (ảnh trái) / Hình ảnh hoàn chỉnh của chiếc ghế (ảnh phải).
Phiên bản 16 Animali đầy màu sắc của ngày hôm nay.
SẢN PHẨM NỘI THẤT TIÊU BIỂU
Bình Camicia (ảnh trái): được thiết kế bởi Enzo Mari vào năm 1961, bình Camicia được làm bằng thép không gỉ được đánh bóng một cách hoàn hảo để có thể kết hợp hài hoà với chất liệu thuỷ tinh. Chiếc bình cũng là một sản phẩm sản xuất hàng loạt với giá trung bình nhưng lại có một vẻ ngoài tinh tế hoàn toàn khác biệt với những chiếc bình hoa thông thường.
Lịch để bàn Timor (ảnh phải): là biểu tượng tôn vinh sự vĩnh hằng của thời gian, lịch để bàn Timor do Enzo Mari thiết kế cho Danese Milano vào năm 1967 được xem như gạch nối của quá khứ, hiện tại và tương lai. Kiểu dáng cổ điển tinh tế kết hợp với vật liệu và cách sử dụng font chữ hiện đại là những yếu tố đưa sản phẩm trở thành kiệt tác bất hủ của Enzo Mari và Danese.
Ghế Sedia 1 (ảnh bên): năm 1974, Enzo Mari bắt tay vào thực hiện dự án gọi là Autoprogettazione – một bộ sưu tập đồ gỗ nội thất được tạo ra từ những vật liệu cơ bản nhất với giá mềm. Sản phẩm nổi tiếng nhất của bộ sưu tập lúc bấy giờ là ghế Sedia 1. Chiếc ghế được làm bằng những thanh gỗ thông thô mộc có hình dáng vuông vắn đáng yêu như một món đồ chơi lắp ghép của trẻ thơ. Thừa hưởng tất cả thế mạnh của Enzo Mari, Sedia 1 được cả thế giới ưu ái khi ra mắt là điều không hề khó đoán. Vào năm 2010, thương hiệu nội thất Artek đã bắt tay cùng Enzo Mari đưa sản phẩm trở lại thị trường nội thất thế kỷ 21. Enzo Mari cùng chiếc ghế Sedia 1 con cưng của mình.
Đi văng Sigmund: Được nâng đỡ bởi khung sắt thanh mảnh nhưng vững chắc. Nệm da êm ái tết tỉ mỉ bằng tay. Sản phẩm do Enzo Mari thiết kế cho nhà sản xuất Triangolo.
Giường ngủ: miếng ghép hoàn chỉnh cho bộ sưu tập Autoprogettazione chính là chiếc giường ngủ thiết kế khá lạ mắt.
Bàn nước và kệ sách cùng với Sedia 1 (ảnh trái): bộ sưu tập Autoprogettazione còn có bàn nước và kệ sách được thiết kế thô mộc theo dạng lắp ghép.
Ghế cho trẻ em (ảnh phải): bạn có thấy những chiếc ghế này rất quen thuộc trong ký ức về thuở ấu thơ của mình không? Chúng thực sự là món quà của Enzo Mari dành cho trẻ em. Chúng đơn giản nhưng đáng yêu, nhiều sắc màu và phù hợp với bất kỳ nhà trẻ nào ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Ghế Mariolina: đơn giản nhưng sang trọng và đáng yêu, ghế Mariolina là sản phẩm mang phong cách đương đại của Enzo Mari đã được hãng Magis đưa vào sản xuất năm 2002. Cuốn hút ở mọi góc nhìn.
Đèn Alfiere floor lamp: Enzo Mari còn nổi tiếng với những thiết kế đèn, tiêu biểu là những dự án hợp tác của ông với thương hiệu sản xuất và phân phối đèn hàng đầu thế giới Artemide. Mẫu đèn Alfiere floor lamp thiết kế cho Artemide.
Tô đựng trái cây Isola: Enzo Mari có năng khiếu thiên bẩm trong thiết kế đồ nội thất và cả vật dụng trang trí, có thể kể đến là tô đựng trái cây Isola. Ban đầu, chiếc tô được thiết kế trên chất liệu đá cẩm thạch với tên gọi Paros và được Danese tung ra thị trường vào năm 1964. Đến năm 2002, công ty Aura đã tái sản xuất chiếc tô này cùng chất liệu tre lát với tên gọi mới là Isola. Chiếc tô phiên bản mới này chỉ được sản xuất với số lượng giới hạn (50 chiếc), được đánh số từ 1 – 50 và do chính tay Enzo Mari ký tặng trên từng chiếc.
Bàn Fratello: là một minh chứng hoàn toàn thuyết phục cho danh hiệu "nhà thiết kế thông thái" của ông. Enzo Mari lần đầu tiên thiết kế chiếc bàn vào năm 1973 sau đó hãng Driade bắt đầu sản xuất vào năm 1974. Thiết kế quá xuất sắc này được giới chuyên gia đánh giá như một tạo vật có thể xoá bỏ khoảng cách giữa nghệ thuật thiết kế, nghề thủ công và ngành sản xuất công nghiệp.
Bàn Pilastro: 30 năm sau thành công rực rỡ của Fratello, bàn Pilastro tiếp tục được Enzo Mari ra mắt vào năm 2003. Với bốn chân bàn thiết kế thanh lịch làm bằng nhôm đúc sáng loáng và mặt bàn chất liệu gỗ sồi, Pilastro không quá cầu kỳ như đàn anh ra đời trước đó nhưng sức hút của chiếc bàn thực sự chẳng thua kém chút nào.
Bàn Legato: được Enzo Mari thiết kế theo phong cách cổ điển dựa trên công nghệ sản xuất hiện đại. Mặt bàn hình vuông màu gỗ mun. Bốn chân bàn làm bằng hợp kim thép và nhôm đúc, được trau chuốt cầu kỳ với kỹ thuật đúc khuôn và phun sơn.
Giường Volante Tappeto: khi được giới thiệu vào năm 1989, giường Volante Tappeto đã gây ấn tượng vô cùng mạnh mẽ. Đẩy lùi hình ảnh của những chiếc giường nặng nề bằng gỗ, Volante Tappeto tạo nên một xu hướng thời trang mới, hiện đại và sành điệu. Đó là lý do bóng dáng của Volante Tappeto thường xuyên hiện hữu hoặc phảng phất trong chính những thiết kế giường ngày nay của các nước châu Âu.
Giường Volante Tappeto bao gồm thiết kế đơn và thiết kế đôi với khung giường thiết kế cong thanh lịch ở đầu giường. Toàn bộ thân giường làm bằng kim loại sơn màu xám, trắng hoặc đen (ba màu sắc không bao giờ lỗi thời trong ngành thời trang).
Thanh Thủy (tổng hợp)
- "Những chân trời có người bay" - Dự án nghệ thuật đương đại đa phương tiện
- "Phố" của Nguyễn Ngọc Dân: khiến người dân phố đương đại phải nghĩ ngợi
- "Nghệ thuật dưới mái nhà sàn"
- Triển lãm Nghệ thuật khắc gỗ mở đầu tiên tại Việt Nam
- Triển lãm mỹ thuật “Từ sông Hồng đến sông Cửu Long - Tầm nhìn về Việt Nam" tại Paris
- New Space Arts Foundation - Không gian mới trong ngôi làng cổ ở Huế
- Triển lãm nghệ thuật đồ họa TPHCM 2012
- Cuộc thi và Triển lãm tranh Đồ họa ASEAN 2012
- Những chiếc ô kỳ diệu "nổi" trên đường phố ở Águeda (Bồ Đào Nha)
- Nhà thiết kế George Nelson