Như một cuốn sách hay về du lịch, lại như một tư liệu quý dành cho các nhà khoa học nghiên cứu về Chăm, sách "Di sản văn hóa Chăm" như dẫn ta vào một thế giới mênh mông của đền tháp, của tượng đài. Đẹp lạ lùng mà cũng bí ẩn lạ lùng.
Không phải ngẫu nhiên mà gần đây có một số phát hiện mới về di sản Chăm. Suốt hai năm 2011-2012, các nhà khảo cổ Nhật Bản, Việt Nam cùng kéo về nghiên cứu mảnh đất Phong Lệ, huyện Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Từ phát hiện ngẫu nhiên của người dân, một nền tháp thuộc loại lớn nhất đã tìm thấy nơi đây. Cùng với dấu tích chân tháp là các hố đất thiêng, hiện vẫn còn là điều bí ẩn. Người Chăm đào hố rồi đặt các loại đá thạch anh, đá cuội vào trong lòng tháp cổ với ý nghĩa gì? Có thể là một cách yểm bùa chú gì đó. Câu hỏi vẫn còn chờ giải đáp. Chỉ biết rằng quy mô tháp khá lớn và được xây vào thế kỷ 12.
Mới đây nữa, khi khai quật khu đền tháp Mỹ Sơn nổi tiếng, các nhà khảo cổ lại tìm được một Mỹ Sơn còn cổ hơn những tháp Mỹ Sơn hiện còn đang thấy. Mỹ Sơn trong lòng đất này có thể là nguồn cội của những tháp Mỹ Sơn lộ thiên. Nơi đây lại mới tìm được một tượng Linga, mà trên đó chạm nổi hình tượng thần Siva. Đó không phải là Linga thông thường nữa mà đã thuộc dạng hiếm, tượng Mukhalinga. Lại một bí ẩn nữa đòi hỏi đánh giá thêm các giá trị lịch sử đền đài ở ngay khu di tích mang tầm di sản thế giới này.
Ngày một nhiều phát hiện nền văn hóa Chăm trong lòng đất, khiến số người quan tâm đến di sản Chăm nhiều hơn, hiếu kỳ cũng có, cần nghiên cứu bài bản hơn cũng có. Phần lớn những người muốn bước vào thế giới "Chăm" cần có một cuốn cẩm nang mà không gì đắc dụng hơn là cuốn "Di sản Văn hóa Chăm" vừa mới được tái bản.
Tìm về tháp Phong Lệ, tôi được biết cái quy mô tháp lớn như vậy hoàn toàn phù hợp với những phù điêu Chăm cũng từng phát hiện ở đây và đang được trưng bày tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Đó là tượng thần Siva đang múa cao 90cm. Tượng bằng sa thạch, thần có thêm 7 đôi tay nữa gắn vào thân mình. Tượng được chụp ảnh khá đẹp. Tượng cũng được giới thiệu trong sách "Di sản văn hóa Chăm".
Để giúp du khách và các nhà nghiên cứu có được cái nhìn khái quát hơn khi tìm hiểu phát hiện mới trong lòng đất Mỹ Sơn, sách "Di sản văn hóa Chăm" còn có khá nhiều bức ảnh và các lời giới thiệu khái quát về vị trí, niên đại hệ thống tháp nơi đây, nơi mà các tháp Chăm thuộc loại sớm nhất. Tháp cũng được nhà khảo cổ nổi tiếng người Pháp H. Parmentier nghiên cứu từ cách đây hơn một thế kỷ, để lại nhiều bản vẽ có giá trị và giờ được phong là di sản văn hóa thế giới.
"Di sản Văn hóa Chăm” - Tác giả Nguyễn Văn Kự, biên tập Lê Văn Lan. In lần thứ 3 với năm ngữ: Việt, Chăm cổ, Chăm Latinh, Anh, Pháp. Sách dày 168 trang, 176 ảnh, bản vẽ. Nhà xuất bản Thế giới 2012. |
Với hơn 130 bức ảnh được rút ra từ kho tư liệu khổng lồ trên 7.000 tấm ảnh chắt chiu ba mươi năm từ các chuyến hành hương vất vả đến các vùng có tháp Chăm, cổ vật Chăm và con người Chăm, tác giả đã cho người đọc những nét đại cương nhất về "Chăm". Từ những nét đẹp tháp Chăm kỳ vĩ trên đồi cao vùng ven biển đến tận rừng núi Tây Nguyên, một chút hoang sơ như tạc dấu ấn bản sắc văn hóa trên nền trời xanh.
Tác giả là người hoạt động lâu năm trong ngành khảo cổ học, lại vừa là nhiếp ảnh gia, nên góc nhìn di sản Chăm có cái nhìn sâu lắng của quá khứ lại có vẻ đẹp của góc độ ánh sáng. Nhiều bức ảnh chụp phim đen trắng mang tính tư liệu cao lần đầu được công bố từ làng gốm Bàu Trúc trước thời Đổi mới, cảnh cày ruộng bằng trâu đôi đến nụ cười và ánh mắt lung linh của bà mẹ Chăm 88 tuổi ở một làng An Giang.
Lướt nhanh 168 trang, người đọc như lãng du vào một thiên niên kỷ tháp và tượng Chăm, được tác giả sắp xếp và bố cục chặt chẽ, lớp lang, cho thấy một nền văn minh nổi tiếng một thời, có sinh thành và phát triển, góp phần làm giàu cho bản sắc văn hóa Việt Nam.
Khác với hai lần xuất bản đầu, lần tái bản thứ ba này được tác giả cho dịch 4 thứ tiếng, ngoài tiếng Việt là: Chăm cổ, Chăm Latinh, Anh và Pháp, sẽ giúp cho cuốn sách có sức vươn xa hơn tới những nhà nghiên cứu nước ngoài và nhất là trong cộng đồng người Chăm còn xa tổ quốc.
Cũng là một sự hiếm hoi đáng trân trọng, trong khi văn hóa đọc đang bị lấn át bởi các phương tiện truyền thông, thì một cuốn sách quý, đẹp lại được tái bản, sửa chữa, sẽ là món quà đầy ý nghĩa cho những ai thực sự yêu quý di sản cha ông.
PGS.TS Trịnh Sinh
- Tom Dixon – nhà thiết kế công nghiệp hàng đầu thế giới
- Quách Thái Công: "Nhà thiết kế cũng giống ảo thuật gia"
- Triển lãm "Không gian/giới hạn" của Phan Quang
- Triển lãm “Sự thu nhỏ của không gian”
- Triển lãm "Lê Thiết Cương 13"
- "Những chân trời có người bay" - Dự án nghệ thuật đương đại đa phương tiện
- "Phố" của Nguyễn Ngọc Dân: khiến người dân phố đương đại phải nghĩ ngợi
- "Nghệ thuật dưới mái nhà sàn"
- Triển lãm Nghệ thuật khắc gỗ mở đầu tiên tại Việt Nam
- Triển lãm mỹ thuật “Từ sông Hồng đến sông Cửu Long - Tầm nhìn về Việt Nam" tại Paris